VIỆN SEAFIT THÀNH LẬP TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU, KHAI THÁC, BẢO TỒN VÀ PHÁT TRIỂN DI SẢN QUỐC GIA

Trong những năm qua, công cuộc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu khả quan, góp phần bảo vệ, lưu giữ, trao truyền các giá trị văn hóa của quá khứ, đồng thời, khai thác tốt phương diện kinh tế của di sản, đóng góp hiệu quả cho ngân sách quốc gia. Tuy nhiên, công cuộc này cũng đang đối mặt với rất nhiều thách thức, khó khăn trong việc xử lý hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, giữ gìn và khai thác, mục tiêu kinh tế và mục tiêu văn hóa

Thực trạng về công tác quản lý, khai thác, bảo tồn và phát triển di sản:

1/ Bảo tồn di sản tốt, nhưng không khai thác được giá trị kinh tế.

– Tư tưởng này mang đậm dấu ấn của tư duy thời bao cấp, do đó, thường thụ động, ít chịu đổi mới, không dám nghĩ, dám làm, dẫn tới tình trạng để di sản nằm “đắp chiếu”, sống trên di sản mà vẫn “nghèo, đói”.

– Xuất phát từ nhận thức, cho rằng bảo vệ di sản là cần bảo tồn nguyên vẹn (nguyên trạng) các di sản, không làm biến dạng, thay đổi hiện trạng của di sản. Theo quan điểm này, di sản là những báu vật còn sót lại của quá khứ, cho nên phải gìn giữ cẩn trọng, không để mất mát, suy suyển, mai một. Bảo tồn nguyên trạng ở đây được hiểu là cần giữ nguyên trạng thái khi nó được phát hiện, được xếp hạng di tích, được luật hóa.

– Tuy nhiên, bảo tồn tốt không có nghĩa là khư khư giữ nguyên di sản mà không biết khai thác, phát huy các giá trị của nó. Hiện nay, nhiều cá nhân sở hữu những di sản rất quý, đầy tiềm năng để khai thác phát huy, nhưng do cách làm cũ, tư duy theo lối mòn, không năng động đổi mới, nên nhiều khi sống trên di sản mà không khai thác được giá trị di sản. Một số cá nhân (cổ vật gia) sở hữu những cổ vật, bảo vật quý giá, nhưng do lo lắng mất mát, hư hại đã chủ yếu thiên về bảo vệ, cất giữ di sản, thậm chí cho vào kho khóa kỹ, cách ly với đời sống xã hội mà chưa biết khai thác, phát huy giá trị của di sản để phát triển kinh tế.

– Có thể nói, nếu chỉ quan tâm đến bảo tồn di sản, giữ gìn truyền thống mà khước từ mọi yếu tố mới, bảo tồn “đông lạnh” di sản thì sẽ rất khó phát huy giá trị của di sản, không khai thác được phương diện kinh tế, không phục vụ được mục tiêu phát triển của di sản.

2/ Khai thác giá trị kinh tế tốt, nhưng bảo tồn di sản kém.

– Đây là khuynh hướng khai thác tối đa giá trị kinh tế của di sản, đặt mục tiêu lợi nhuận lên trên hết. Vì thế, khai thác cạn kiệt di sản, xâm hại, thậm chí bóp méo di sản để thu lợi.              

– Hiện nay di sản đang trở thành một nguồn lực lớn, một tài nguyên nhân văn đầy tiềm năng để phát triển kinh tế – xã hội, do vậy nhiều địa phương, tổ chức, cá nhân đã tận dụng thế mạnh này để khai thác tối đa giá trị kinh tế của di sản.

– Tuy nhiên, trong không ít trường hợp do quá quan tâm đến phương diện kinh tế, đặt nặng mục tiêu lợi nhuận, nên đã coi nhẹ công tác bảo tồn, chỉ cốt sao doanh thu càng nhiều càng tốt.

Thực tiễn cho thấy, những di sản được đối xử một cách thỏa đáng hài hòa cả hai vế bảo tồn và phát huy, giữ gìn và khai thác sẽ thu được kết quả khả quan và dài lâu. Đây là khuynh hướng ứng xử với di sản lý tưởng nhất và cần được khuyến khích, như vậy, sẽ đạt được “mục tiêu kép” vừa bảo vệ được di sản, vừa đạt được mục tiêu kinh tế. Tuy nhiên, trên thực tế, đây cũng là một bài toán khó không dễ gì thực hiện cần phải kiện toàn và tổ chức một cách bài bản.

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ của Viện Nghiên cứu Tài chính, Đầu tư và Hợp tác, Thương mại Đông Nam Á, đồng thời trên cở sở được Trung ương Hội Nghiên cứu khoa học về Đông Nam Á giao nhiệm vụ bổ sung tại Quyết định số 60/2020/QĐ-TWH ngày 14/08/2020 của Chủ tịch Trung ương Hội Nghiên cứu Khoa học Đông Nam Á – Việt Nam, Viện Nghiên cứu Tài chính, Đầu tư và Hợp tác, Thương mại Đông Nam Á – thành lập “Trung tâm nghiên cứu, khai thác, bảo tồn và phát triển di sản quốc gia”. 

Ông Phạm Văn Ngọc – Cổ vật gia, Chuyên gia cấp cao về di sản (cổ vật quý hiếm) được bổ nhiệm Giám đốc trung tâm NHC – RECD thuộc Viện SEAFIT

Trung tâm có tên gọi quốc tế: National Henritage Center for Research, Exploitation, Conservation and Development. Tên viết tắt tiếng Anh: NHC – RECD. Trung tâm ra đời nhằm giải quyết các nhiệm vụ:

a) Đối với công tác Nghiên cứu: Tổ chức nghiên cứu, ứng dụng công nghệ 4.0 để số hóa Di sản (cổ vật) trong việc quản lý, khai thác, bảo tồn và phát triển di sản;

b) Đối với công tác Khai thác và phát huy các giá trị của Di sản (cổ vật): Tổ chức, xây dựng kế hoạch, chiến lược và triển khai các chương trình nhằm khai thác và phát triển giá trị kinh tế cho người dân và nhà nước;

c) Đối với công tác bảo tồn và phát triển các Di sản (cổ vật): Tổ chức, xây dựng, tìm các giải pháp nhằm bảo tồn, bảo tàng, lưu trữ, bảo quản, phục hồi, phục chế các di sản quốc gia.

d) Đối với các di sản văn hóa vật thể (cổ vật),phải ưu tiên hàng đầu việc bảo vệ và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học của chúng. Bảo quản, bảo tồn, lưu giữ và chuyển giao tính chân thực lịch sử của chúng cho các thế hệ tiếp theo.

Với bề dày truyền thống ngàn năm văn hiến, Việt Nam có một kho tàng vô cùng phong phú các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Kho tàng đó là nguồn tài nguyên nhân văn quý giá để các thế hệ hôm nay kế thừa, khai thác, phát huy phục vụ cho phát triển kinh tế – xã hội. Nhằm xử lý tốt mối quan hệ giữa bảo tồn di sản văn hóa với phát triển kinh tế – xã hội, cần tập trung vào một số giải pháp như sau:

+ Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.

+ Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về di sản.

+ Phát huy vai trò của cộng đồng trong bảo tồn các di sản.

+ Tận dụng vai trò của các nhà khoa học, chuyên gia, phản biện xã hội trong bảo tồn và phát huy di sản văn hóa.

Để công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản gắn với phát triển bền vững đạt được hiệu quả cần huy động trí tuệ, công sức, sáng kiến của toàn xã hội từ nhiều phía: nhà quản lý, cộng đồng, các cơ quan truyền thông, các nhà khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực di sản.

Thực tiễn cho thấy, báo chí và các cơ quan truyền thông là một kênh giám sát các hoạt động bảo tồn và khai thác di sản rất hữu hiệu, sâu sát. Chính các nhà báo và dư luận xã hội là đội ngũ kiểm soát đắc lực cho công cuộc này. Rất nhiều vụ việc nổi cộm, bức xúc, các hiện tượng tiêu cực trong ứng xử với di sản được báo đài đưa tin hay người dân phản ánh thông qua mạng xã hội, đã kịp thời cung cấp thông tin đến các nhà quản lý.

Cần tranh thủ ý kiến đóng góp, tư vấn của các nhà khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực di sản, nhất là đối với những trường hợp phức tạp, nhạy cảm, gây nhiều tranh cãi.

Cần tận dụng sự hỗ trợ về chuyên môn và kỹ thuật của các chuyên gia  UNESCO (đang làm việc trong các Dự án của UNESCO tại Việt Nam hay ở Văn phòng UNESCO tại Hà Nội).

Ban Lãnh đạo Trung tâm NHC – RECD họp triển khai công tác nghiên cứu, khai thác, bảo tồn và phát triển di sản quốc gia

Trung tâm Nghiên cứu, Khai thác, bảo tồn và Phát triển Di sản quốc gia trực thuộc Viện Nghiên cứu Tài chính, Đầu tư và Hợp tác, Thương mại Đông Nam Á có Chức năng, nhiệm vụ sau:

– Tổ chức công tác nghiên cứu, xây dựng và đề xuất các giải pháp, các tiến bộ khoa học kỹ thuật và ứng dụng công nghệ 4.0 trong việc quản lý, khai thác, bảo tồn và phát triển các di sản cổ vật quốc gia phạm vi trong nước và quốc tế;

–  Tổ chức nghiên cứu, tìm giải pháp trong việc lưu trữ, bảo tồn, bảo tàng, trưng bày, phục chế các di sản cổ vật quốc gia phạm vi trong nước và quốc tế;

– Tập hợp, kết nối các Nhà cổ vật gia trong nước, các chuyên gia về di sản cổ vật quốc gia nhằm kết nối sưu tầm, tổng hợp, phân loại, xây dựng ngân hàng lưu trữ cổ vật quốc gia phục vụ trong việc nghiên cứu, giao thương, xúc tiến thương mại khai thác, quản lý, bảo tồn và phát triển di sản cổ vật quốc gia.

– Tổ chức nghiên cứu, trưng bày cổ vật và giới thiệu với cộng đồng làm tăng thêm giá trị và ý nghĩa về lịch sử, văn hóa, xã hội trong từng niên đại lịch sử của cổ vật, góp phần giáo dục lòng tự hào dân tộc và tình yêu quê hương đất nước, hướng về cội nguồn “ăn quả nhớ người trồng cây”.

– Nghiên cứu, xây dựng và tổ chức triển khai xúc tiến thương mại, tổ chức các sàn giao dịch TM về cổ vật nhằm khai thác giá trị về kinh tế đối với một số cổ vật có giá trị.

Với mục tiêu – sứ mạng và tầm nhìn, Trung tâm Nghiên cứu, Khai thác, Bảo tồn và Phát triển Di sản quốc gia dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Viện SEAFIT và sự tham gia tích cực của các Nhà Khoa học, các chuyên gia trong lĩnh vực bảo tồn, quản lý khai thác, phát triển các di sản sẽ mang lại luồng sinh khí mới và diện mạo mới trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy các giá trị của Di sản phục vụ phát triển kinh tế, giữ gìn và phát huy, bảo tồn di sản của các thế hệ cha ông đã để lại./.  

 

Dẫn theo nguồn: https://seafit.org.vn/vie%cc%a3n-seafit-thanh-la%cc%a3p-trung-tam-nghien-cuu-khai-thac-ba%cc%89o-ton-va-phat-trie%cc%89n-di-sa%cc%89n-quoc-gia/

Trả lời