Công trường cao tốc Bắc-Nam: Thời tiết thuận lợi, bắt nhịp khẩn trương

Ngay từ những ngày đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, công trường các dự án thành phần của cao tốc Bắc-Nam đã huy động 100% nhân lực, máy móc đồng loạt triển khai thi công nhằm tranh thủ thời tiết khô ráo trước mùa mưa năm nay. Các dự án đến thời điểm hiện tại đều cơ bản bám sát tiến độ mà Bộ GTVT đặt ra.
Thời tiết nắng ráo đang thuận lợi cho việc thi công tại tất cả các công trường cao tốc Bắc-Nam. Ảnh: VGP/Trang Trang

Đây cũng là yêu cầu mà Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể trong những buổi thị sát công trường đầu năm mới. Các dự án cao tốc Bắc-Nam không có thời gian lùi, dự án nào đang chậm phải có kế hoạch khắc phục ngay bằng cách huy động thiết bị, máy móc, nhân sự, tăng mũi thi công để bù lại tiến độ.

Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ, đại diện Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) cho biết, 3 dự án thành phần của cao tốc Bắc-Nam sử dụng 100% vốn đầu tư công gồm Cao Bồ-Mai Sơn, Cam Lộ-La Sơn và cầu Mỹ Thuận 2 đang triển khai, cơ bản bám sát tiến độ yêu cầu.

Với 3 dự án mới chuyển đổi sang đầu tư công từ cuối tháng 6/2020, gồm Mai Sơn-QL45, Vĩnh Hảo-Phan Thiết và Phan Thiết-Dầu Giây đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu và đồng loạt triển khai đào bóc hữu cơ, thi công nền đường, mố, trụ cầu, cống…

Mới đây, 2 dự án thành phần QL45-Nghi Sơn và đoạn Nghi Sơn-Diễn Châu được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất việc chuyển sang hình thức đầu tư công (ngày 4/2/2021) đã được Bộ GTVT lên kế hoạch lựa chọn nhà thầu và đảm bảo khởi công gói thầu xây lắp đầu tiên trong tháng 6 tới.

Hầm Tam Điệp và hầm Thung Thi đang được khẩn trương thi công, dự kiến sẽ thông 2 hầm lớn này vào cuối năm 2021. Ảnh: VGP/ Trang Trang

Mai Sơn-QL45 thông nền đường, thông hầm lớn cuối năm 2021

Ông Lương Văn Long, Giám đốc Điều hành dự án (Ban QLDA Thăng Long – đại diện chủ đầu tư) cho biết, dự án Mai Sơn-QL45 dài 63,37 km, đi qua hai tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa. Về công tác giải phóng mặt bằng, trên địa phận tỉnh Ninh Bình, chính quyền địa phương đã hoàn thành đến bù giải phóng mặt bằng được 9,3/14,4 km (đạt 64,5%), tỉnh Thanh Hóa được 48/48,9 km (đạt 98,5%).

Dự án có 5 gói thầu xây lắp từ XL10 – XL14, trong đó gói thầu XL10, các nhà thầu đã triển 9 mũi thi công, gồm: 5 mũi thi công đường, 2 mũi thi công hầm Tam Điệp, 2 mũi thi công cầu; gói thầu XL11 đã tổ chức 14 mũi thi công, gồm: 8 mũi thi công nền đường, 4 mũi thi công cầu và 2 mũi thi công cấu kiện; gói thầu XL12 đã triển khai đầy đủ 8 mũi thi công, gồm: 4 mũi thi công đường, 2 mũi thi công hầm Thung Thi và 2 mũi thi công cầu; gói thầu XL13 đã tổ chức 7 mũi thi công, gồm: 4 mũi thi công nền đường, 3 mũi thi công cầu.

Riêng gói thầu XL14 (liên danh Vinaconex – Trung Nam E&C thi công) là gói thầu lựa chọn được nhà thầu muộn nhất trong 5 gói thầu xây lắp của dự án (ký hợp đồng ngày 28/12/2020, phát lệnh khởi công ngày 8/1/2021).

Ban QLDA Thăng Long cho biết, đến nay, liên danh nhà thầu đã triển khai được 8 mũi thi công với 3 mũi thi công đường và 5 mũi thi công cầu. Các gói thầu do Vinaconex làm nhà thầu thi công có quy mô lớn, thời gian thi công rất gấp chỉ trong 24 tháng nên nhà thầu phải huy động tổng lực máy móc và nhân công.

Công nhân thi công ban đêm trên công trường Mai Sơn QL45. Ảnh: VGP/Trang Trang

Đoạn Vĩnh Hảo-Phan Thiết, Phan Thiết-Dầu Giây lo thiếu vật liệu xây dựng

Tại khu vực phía Nam, hai dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam đoạn Vĩnh Hảo-Phan Thiết và Phan Thiết- Dầu Giây cũng đang được các Ban QLDA, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công ngay từ ngày đầu tiên của năm 2021. Trên công trường nhà thầu huy động thiết bị máy móc nhiều hơn với hồ sơ dự thầu để tranh thủ thời tiết đang khô ráo, thuận lợi cho việc thi công.

Ông Lê Trung Vĩnh, Phó Giám đốc Ban Điều hành gói thầu XL03 (Công ty Trung Chính phụ trách thi công) cho biết, công tác thi công phần cầu đang đảm bảo tiến độ đề ra. Hiện nhà thầu này đã tăng cường máy móc thiết bị và nhân lực để thi công 10 cầu liên tục.

Tuy nhiên, vấn đề phát sinh tại 2 dự án này đo là thiếu nguồn vật liệu đất đắp nền đường và giá bị đội lên cao.

Đại diện Cục Quản lý xây dựng (Bộ GTVT) cho biết, hiện các nhà thầu đang thử nghiệm áp dụng việc tận dụng đá đổ thải để nghiền sàng dùng làm vật liệu đắp nền đường. Việc này được làm theo quy trình, chỉ dẫn kỹ thuật của các cơ quan liên quan. Nếu được, một số gói thầu sẽ giảm được áp lực đất đắp nền đường đang thiếu như hiện nay.

Nhà thầu huy động thiết bị máy móc nhiều hơn với hồ sơ dự thầu để tranh thủ thời tiết đang khô ráo, thuận lợi cho việc thi công. Ảnh: VGP/Trang Trang

Báo cáo với Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông tại buổi kiểm tra hiện trường sáng 4/3, ông Nguyễn Văn Huấn, Phó Giám đốc Ban QLDA Thăng Long cho biết, các gói thầu qua địa phận tỉnh Bình Thuận còn vướng một số vị trí mặt bằng, đường điện. Tình trạng khan hiếm vật liệu đất đắp cũng đang ảnh hưởng đến kế hoạch thi công của các nhà thầu và cần sớm được tháo gỡ để đẩy nhanh tiến độ thi công.

Tương tự, ông Hoàng Tuấn Khoát, Phó Giám đốc Ban QLDA 7 cho biết, hiện công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư của dự án đã cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên, dự án đang gặp vấn đề liên quan việc khan hiếm vật liệu đất đắp, nhà thầu thi công gói thầu XL01 đã kiến nghị tận dụng đá đổ thải để nghiền sàng dùng làm vật liệu đắp nền đường. Theo kết quả tính toán sơ bộ, phương án này không làm phát sinh chi phí đầu tư. Việc tận dụng nguồn đá từ thi công đào nền sẽ giải quyết được một số khó khăn, vướng mắc hiện nay như: Khan hiếm vật liệu đắp nền, tiết kiệm nguồn tài nguyên khoáng sản, hạn chế tối đa ảnh hưởng về môi trường do đổ thải…

“Theo tiến độ, đến cuối năm 2021, dự án phải thi công xong phần nền đường. Do vậy, Ban QLDA 7 phải chỉ đạo nhà thầu khẩn trương thi công nền để tận dụng thời tiết khô ráo. Các ban QLDA tiếp tục phối hợp chặt chẽ với địa phương trong công tác tháo gỡ nguồn vật liệu thi công, công tác bàn giao mặt bằng và di dời hạ tầng kỹ thuật để sớm thông tuyến”, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông yêu cầu.

Hiện công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư của dự án đã cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên, dự án đang gặp vấn đề liên quan việc khan hiếm vật liệu

Cao tốc Cam Lộ-La Sơn khẩn trương bù tiến độ

Ông Nguyễn Vũ Quý, Quyền Giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cho biết, do ảnh hưởng thời tiết bất lợi, mưa kéo dài trong năm 2020 khiến dự án gặp khó thi công, nhiều tháng trời không thể triển khai công tác nền đường, khiến tiến độ dự án thành phần đoạn Cam Lộ-La Sơn bị chững, chậm khoảng 3 tuần so với mốc thời gian phê duyệt.

Hiện nay, tranh thủ thời tiết nắng ráo, liên danh các nhà thầu tổ chức hàng loạt mũi thi công nền đường, cầu cống. Tại các gói thầu qua tỉnh Thừa Thiên-Huế, không khí thi công bắt nhịp khẩn trương. Công tác phòng chống dịch COVID-19 cũng đang được các đơn vị nghiêm túc thực hiện.

Đại diện Công ty TNHH Định An cho hay, đơn vị hoàn thành các hạng mục thoát nước, hầm chui, còn lại phần nền, mặt đường, đạt tiến độ 34%, cơ bản đáp ứng yêu cầu tiến độ dự án. Dọc trên chiều dài hơn 60 km dự án Cam Lộ-La Sơn đoạn qua địa phận tỉnh Thừa Thiên-Huế, nhiều đoạn tuyến đã thành hình hài, đội hình xe máy lu lèn nền đường làm việc xuyên trưa… các hạng mục cầu Khe Thương và cầu vượt QL49 đã thi công cơ bản.

Về vấn đề thiếu vật liệu, tại buổi kiểm tra hiện trường dự án ngày 17/2, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đã yêu cầu Ban QLDA đường Hồ Chí Minh tiếp tục phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế và các Sở ngành, đơn vị liên quan để sớm giải quyết xong hồ sơ thủ tục đối với 2 mỏ vật liệu đất đắp trên, đảm bảo nguồn vật liệu để nhà thầu thi công.

Theo Phan Trang/baochinhphu.vn
Dẫn theo nguồn: http://baochinhphu.vn/Kinh-te/Cong-truong-cao-toc-BacNam-Thoi-tiet-thuan-loi-bat-nhip-khan-truong/424854.vgp

Trả lời