Địa phương đã giải ngân vốn vay ODA đạt khoảng 1/3 dự toán

Tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài của các địa phương trong tháng 9/2020 tuy đã có cải thiện đáng kể song tổng giải ngân 9 tháng đầu năm chưa đạt yêu cầu, chỉ đạt tỉ lệ 32,43% dự toán, đặt ra yêu cầu cấp bách về tăng tốc, để thực hiện mục tiêu mà Chính phủ đã đặt ra.

Đây là thông tin được trao đổi tại Hội nghị trực tuyến với các địa phương về giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ 9 tháng đầu năm 2020 do Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (QLN&TCĐN, Bộ Tài chính) tổ chức ngày 14/10 tại Hà Nội.

Nhiều tỉnh điều chỉnh giảm kế hoạch

Bà Nguyễn Xuân Thảo, Phó Cục trưởng Cục QLN&TCĐN cho biết, dự toán vốn nước ngoài được giao từ ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu cho ngân sách địa phương là 38.484 tỷ đồng.

Hết 9 tháng năm 2020, tổng giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn vay nước ngoài đạt 26.034 tỷ đồng, tăng 2.000 tỷ đồng so với thời điểm ngày 31/8/2020. Tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài của các địa phương trong tháng 9/2020 đã có cải thiện đáng kể (tăng thêm 8%) so với tháng 8/2020. Tuy nhiên, tỉ lệ giải ngân vốn vay nước ngoài của cả nước chỉ đạt 32,43% dự toán kế hoạch được giao.

Đại diện đầu cầu Quảng Ninh cho biết, năm 2020, tỉnh được phân bổ trên 831 tỷ đồng cho 5 dự án. Trong đó có 4 dự án vốn vay ODA giải ngân theo hình thức ghi thu ghi chi, 1 dự án Trung ương cấp vốn theo cơ chế trong nước. Tính đến hết tháng 9/2020, tỉnh đã giải ngân trên 206 tỷ đồng, trong đó vốn ODA là 173 tỷ đồng (đạt 21% kế hoạch vốn giao). Số vốn ODA kéo dài năm 2019 chuyển sang là 219,8 tỷ đồng, tỉnh đã giải ngân đạt 219,4 tỷ đồng (đạt 99,9%). Cuối tháng 9 vừa qua, UBND Quảng Ninh đã có văn bản báo cáo Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị điều chỉnh giảm trên 560 tỷ đồng. Như vậy, số giải ngân so với kế hoạch sau điều chỉnh đạt tỉ lệ 66%.

Các địa phương trao đổi qua màn hình trực tuyến. Ảnh:VGP.

Còn đại diện tỉnh Sơn La cho hay, năm 2020, tỉnh được giao nguồn vốn đầu tư nước ngoài là 530,5 tỷ đồng. Đến ngày 30/9, tổng nguồn vốn nước ngoài đã giải ngân của tỉnh là 203 tỷ đồng, đạt 38% so với kế hoạch giao. Kế hoạch phân bổ các nguồn vốn đảm bảo bám sát định hướng, cơ cấu, nguyên tắc của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính giao. Tuy nhiên, một số dự án tiến độ thực hiện chậm, nguyên nhân do gặp nhiều khó khăn trong thực hiện hợp đồng với nhà thầu nước ngoài, kế hoạch thanh toán phụ thuộc vào tiến độ giao hàng của nhà thầu; tác động của dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng lớn tiến độ giải ngân chung của nguồn vốn. Đại diện điểm cầu Sơn La cho hay, địa phương đang tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc của các dự án, chỉ đạo các chủ đầu tư, ban quản lý dự án đẩy nhanh tiến độ giải ngân đảm bảo hoàn thành cam kết giải ngân vốn đầu tư công.

Lãnh đạo địa phương tại điểm cầu Hà Giang cho biết, năm 2020, tỉnh Hà Giang được giao trên 1.118 tỷ đồng vốn nước ngoài để thực hiện các chương trình, dự án xây dựng Nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh. Đến hết tháng 9, kết quả giải ngân là hơn 316 tỷ đồng, đạt 34%. Tổng vốn nước ngoài năm 2019 kéo dài sang năm 2020 trên 21 tỷ đồng đã được giải ngân 100%. Lãnh đạo tỉnh này cam kết tiếp tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ODA sau điều chỉnh, cắt giảm.

Khẩn trương tháo gỡ vướng mắc

Tại Hội nghị trực tuyến, đại diện Bộ Tài chính và lãnh đạo một số địa phương đã cùng đánh giá tổng thể nguyên nhân chủ yếu của việc giải ngân không đạt tiến độ, cũng như đưa ra các kiến nghị, đề xuất và các giải pháp trong những tháng cuối năm.

Nguyên nhân là các dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi của nước ngoài chịu sự tác động của đại dịch COVID-19 nặng nề hơn các dự án trong nước. Theo đó, các nhà thầu đều không huy động được nhân lực để thi công, máy móc, thiết bị phải nhập khẩu từ nước ngoài… Bên cạnh đó, công tác chuẩn bị dự án chưa tốt, nhiều dự án phải điều chỉnh hiệp định vay, chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng (GPMB), phê duyệt các hợp đồng, chưa xác định được vốn ODA cấp phát. Các dự án xin điều chỉnh nguồn vốn sang năm sau và trả lại nguồn vốn cho ngân sách Trung ương có xu hướng tăng; thủ tục ký hợp đồng vay vốn, mời thầu quốc tế hay quy trình vay vốn còn nhiều phức tạp…

Toàn cảnh Hội nghị điểm cầu Bộ Tài chính ở Hà Nội. Ảnh:VGP.

Tại Hội nghị, đại diện Cục QLN&TCĐN (Bộ Tài chính) đã giải đáp trực tiếp một số kiến nghị của các địa phương thuộc thẩm quyền; đồng thời tiếp thu các kiến nghị, vướng mắc khách quan từ các địa phương…

Ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục QLN&TCĐN khẳng định: Năm 2020 là mốc quan trọng của giải ngân, có ảnh hưởng đến quyết định hoàn thành mục tiêu chung về giải ngân của cả giai đoạn. 

Do đó, để bảo đảm phối hợp hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 của các địa phương theo ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đề nghị các địa phương tập trung giải quyết đồng bộ các công việc.

Cụ thể, đối với khối lượng đầu tư đã hoàn thành, được Kho bạc Nhà nước (KBNN) kiểm soát chi nhưng chưa làm thủ tục giải ngân đối với các dự án có tài khoản đặc biệt/tài khoản tạm ứng, Bộ Tài chính đề nghị các chủ dự án khẩn trương thực hiện các thủ tục thanh toán và gửi báo cáo hoàn chứng từ cho Bộ Tài chính, để giảm số dư nợ tạm ứng với bên cho vay nước ngoài.

Về phía mình, Bộ Tài chính sẽ tiến hành rà soát và làm việc cụ thể với các địa phương và các dự án có số dư tài khoản đặc biệt lớn đế thúc đẩy việc giải ngân từ các tài khoản đặc biệt này.

Còn đối với các dự án giải ngân theo kết quả đầu tư, Bộ Tài chính đề nghị các địa phương phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chủ quản chương trình, dự án (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng) để tiến hành kiểm đếm ngay cho từng dự án, từng địa phương đã có khối lượng hoàn thành mà không cần chờ đợi.

Đối với vốn tạm ứng đã chuyển về tài khoản của dự án tại KBNN, Bộ Tài chính đề nghị các chủ dự án khẩn trương giải ngân, thanh toán cho các hoạt động của dự án và gửi lại thông tin cho Bộ Tài chính…

Đại diện Bộ Tài chính cũng yêu cầu các địa phương, đơn vị rà soát lại khả năng giải ngân đến cuối năm 2020 của từng dự án để điều chỉnh phù hợp. Việc điều chỉnh tăng, giảm giữa các dự án trong phạm vi tỉnh, thành phố, các địa phương chủ động thực hiện sớm. Với các dự án có khả năng hoàn thành giải ngân, các tỉnh, thành phố chỉ đạo giải quyết ngay các khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, đấu thầu để đảm bảo tiến độ, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế của Chính phủ.

Ông Trương Hùng Long cho rằng, nhiệm vụ giải ngân 40.000 tỷ đồng vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài của Chính phủ trong những tháng cuối năm 2020 là rất nặng nề. Tuy nhiên, việc đẩy nhanh vốn đầu tư công trong đó có vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài trở thành yêu cầu bắt buộc.

“Điều này là một thước đo trách nhiệm, năng lực sử dụng vốn của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư, nhà tài trợ. Do đó, các địa phương phải tập trung đôn đốc, đưa ra các giải pháp quyết liệt để tháo gỡ khó khăn cho các dự án. Đồng thời, các địa phương cần chia sẻ thông tin kịp thời để các cơ quan Trung ương nắm bắt được các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện”, ông Trương Hùng Long nói.

Theo Anh Minh/baochinhphu.vn

Dẫn theo nguồn: http://baochinhphu.vn/Kinh-te/Dia-phuong-da-giai-ngan-von-vay-ODA-dat-khoang-13-du-toan/410536.vgp

Trả lời