Chuyện không dễ trong thu hút nhà đầu tư nước ngoài khi cổ phần hóa

Việc các nhà đầu tư nước ngoài tham gia mua cổ phần của các doanh nghiệp khi thực hiện cổ phần hóa giúp nâng cao hiệu quả kinh doanh, hiện đại hóa phương thức quản trị doanh nghiệp và dần tiếp cận với các thông lệ quản trị trên thế giới. Tuy nhiên, quá trình này còn nhiều khó khăn, thách thức.

Thu hút nhà đầu tư nước ngoài khi cổ phần hóa doanh nghiệp là việc cần thiết.

Tìm kiếm đối tác không dễ

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp vừa tổ chức Hội thảo “Tình hình thực tế, những khó khăn vướng mắc trong việc thu hút nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần tại doanh nghiệp nhà nước trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp”.

Ông Phạm Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (Ủy ban) cho hay, trong quá trình thực hiện cổ phần hóa thoái vốn nhà nước, nhiều doanh nghiệp đã nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, kết quả thu hút các nhà đầu tư nước ngoài rất khác nhau. Có doanh nghiệp thành công, cũng có những doanh nghiệp chưa thành công. Trong các đơn vị thu hút thành công, cũng có trường hợp tận dụng tốt được các lợi thế về kinh nghiệm quản trị, công nghệ và năng lực tài chính của nhà đầu tư nước ngoài trong quá trình xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường mang lại hiệu quả cho nhà nước, doanh nghiệp, cũng có doanh nghiệp chưa tận dụng được các lợi thế này.

Chia sẻ về những vướng mắc thu hút nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần tại doanh nghiệp ông Phạm Quyên, Phó Trưởng ban Kinh tế Kế hoạch Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) nói: theo phương án cổ phần hóa đã được Chính phủ phê duyệt, sau khi IPO đầu năm 2018, bán ra gần 8% vốn nhà nước, BSR tiếp tục chào bán 49% cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược để sau cổ phần hóa, Nhà nước nắm giữ khoảng 43% cổ phần tại đây.

Tuy nhiên, do quá thời hạn bán cổ phần cho cổ đông chiến lược (theo quy định là sau 3 tháng IPO phải tiến hành việc này) cộng thêm nguyên nhân diễn biến thị trường từ sau khi IPO có nhiều thay đổi nên việc tìm kiếm đối tác chiến lược trở nên khó khăn, cho dù trước đó BSR đã được một số nhà đầu tư trong và ngoài nước tìm hiểu.

Đại diện BSR cho rằng, quy định về thời hạn bán cổ phần cho cổ động chiến lược chưa hợp lý, chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực lọc hóa dầu hiện không còn hấp dẫn đã khiến cho việc thu hút đầu tư nước ngoài của BRS gặp khó khăn.

Đồng tình với những khó khăn BSR gặp phải, ông Nguyễn Duy Giang – Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVPower) chia sẻ, PVPower là một trong số ít những doanh nghiệp năng lượng tại Việt Nam thực hiện thành công công tác cổ phần hóa vào năm 2018 khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ở thời điểm diễn ra cổ phần hóa, doanh nghiệp đã tích cực tổ chức những buổi roadshow trong và ngoài nước, cung cấp thông tin cũng như mời gọi những nhà đầu tư chiến lược.

“Tuy nhiên, những giao dịch có giá trị rất lớn với thời hạn 3 tháng bán cổ phần cho cổ đông chiến lược là tương đối ngắn. Vì vậy, PVPower không kiếm được nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, 60% cổ phần bán ra ở đợt IPO đều thuộc các cổ đông nước ngoài (tương đương 12% giá trị chào bán của PVPower). Đây có thể coi là một thành công của doanh nghiệp”, ông Giang khẳng định.

Mặc dù đã thành công trong quá trình tìm kiếm đối tác nước ngoài, nhưng Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cũng phải mất tới 5 năm. Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Tổng giám đốc Petrolimex cho biết, công ty chuyển đổi mô hình hoạt động sang doanh nghiệp cổ phần từ năm 2011 và sau đó bắt đầu quá trình tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược để thay đổi cách thức quản trị theo chủ trương chỉ đạo của Chính phủ. Đến năm 2016, Petrolimex đã tìm được đối tác chiến lược là Tập đoàn JXTG (Nhật Bản) với sự tương đồng về ngành nghề kinh doanh, qua đó đã tạo ra sự tác động tới các hoạt động quản trị doanh nghiệp của Petrolimex.

Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi tìm kiếm nhà đầu tư nước ngoài. (Ảnh minh họa)

Xác định tỷ lệ sở hữu của đối tác nước ngoài

Ông Lê Song Lai, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cho biết, sau 15 năm thành lập, Tổng công ty đã thoái vốn thành công tại 1.017 doanh nghiệp và có sự tham gia nhất định của các nhà đầu tư nước ngoài. Với sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài, việc thoái vốn nhà nước tại nhiều doanh nghiệp đã đạt được hiệu quả tốt lớn như Vinamilk hay Công ty cổ phần nhựa Bình Minh. Các nhà đầu tư nước ngoài thường quan tâm các doanh nghiệp nhà nước nắm cổ phần chi phối trên 50%, có ngành nghề, lĩnh vực thuộc đối tượng quan tâm, phù hợp với chiến lược đầu tư và có thông tin công bố bằng tiếng Anh.

Đối với quá trình thoái vốn tại các doanh nghiệp có nguồn đầu tư nước ngoài, ông Lê Song Lai lưu ý một số vấn đề gồm việc cần xác định cụ thể tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài tại doanh nghiệp khi dự tính thoái vốn, như các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm.

Cùng với đó, ông Lê Song Lai cho rằng, phương thức thoái vốn theo trình tự ba bước đấu giá, chào giá cạnh tranh và thỏa thuận chỉ còn phù hợp với thông lệ tại Việt Nam, không theo quy trình quốc tế gồm có bước rà soát đặc biệt. Quá trình thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp ngoài vấn đề tối ưu hóa nguồn vốn nhà nước cần cân đối với việc đảm bảo tìm kiếm đối tác chiến lược cho doanh nghiệp.

Trong khi đó, ông Nguyễn Duy Giang kiến nghị cần chủ động tổ chức xếp hạng tín dụng doanh nghiệp, tạo tính minh bạch; chuyển đổi báo cáo tài chính theo tiêu chuẩn quốc tế; thành lập doanh nghiệp cổ phần từ đầu, để cùng các đối tác nước ngoài chia sẻ cơ hội, thách thức và kỹ năng quản trị.  

Chia sẻ về tiêu chí lựa chọn đối tác chiến lược, ông Nguyễn Đình Chiến, Thành viên Hội đồng thành viên Tổng công ty Viễn thông Mobifone cho rằng đối tác phải có ngành nghề hoạt động phù hợp với chiến lược của Mobifone, từ đó, giúp Mobifone phát triển, mở rộng ngành nghề và phạm vi kinh doanh trong nước và quốc tế, đổi mới công nghệ, phương thức quản lý.

Theo ông Phạm Tuấn Anh, việc các nhà đầu tư nước ngoài tham gia góp vốn vào các doanh nghiệp cũng gây ra một số khó khăn nhất định và cần xử lý trong quá trình điều hành doanh nghiệp.

Vì vậy, ông Phạm Tuấn Anh nhấn mạnh, các doanh nghiệp cần tìm được đối tác nước ngoài thực sự có chất lượng và nắm bắt cơ hội để “chuyển mình” sau khi tiến hành cổ phần hóa. Ngoài ra, việc ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp tiến hành cổ phần hóa cũng như tỷ lệ nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài đối với mỗi ngành nghề, lĩnh vực cũng là các thông tin cần đảm bảo công khai, minh mạch.

Về phương thức, trình tự thủ tục bán cổ phần của các doanh nghiệp có vốn nhà nước cho nhà đầu tư nước ngoài, cần đảm bảo nguyên tắc cao nhất là đảm bảo quyền lợi cho nhà nước bên cạnh các yếu tố như lợi ích của doanh nghiệp, nhà đầu tư và đối tượng người lao động…

Theo Huyền Châu//taichinhdoanhnghiep.net.vn
dẫn theo nguồn: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/chuyen-khong-de-trong-thu-hut-nha-dau-tu-nuoc-ngoai-khi-co-phan-hoa-d20435.html

Trả lời