Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam: Thực trạng và hàm ý chính sách

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có vai trò quan trọng đối với tất cả các quốc gia trên thế giới. Đây là ngoại lực bổ sung vốn, công nghệ, năng lực quản lý, khả năng kinh doanh và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, thúc đẩy tăng trưởng và hội nhập kinh tế quốc tế. Trong thời kỳ mở cửa của nền kinh tế, việc huy động và sử dụng nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có tác động tích cực đối với tăng trưởng kinh tế, chuyển giao công nghệ và kinh nghiệm quản lý, tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm… tạo điều kiện cho phát triển sản xuất, đầu tư chiều sâu nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. FDI là một trong những nguồn quan trọng để bù đắp sự thiếu hụt về vốn, ngoại tệ của các nước nhận đầu tư, đặc biệt là những nước kém phát triển.

Đặt vấn đề

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là một trong những nhân tố quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế của một quốc gia. Vai trò của vốn đầu tư nước ngoài đối với phát triển kinh tế xã hội nước ta đã được thực tiễn minh chứng. Cùng với quá trình toàn cầu hóa, vai trò của đầu tư trực tiếp nước ngoài ngày càng trở nên quan trọng.

Đối với các nước đang phát triển nói chung và đối với Việt Nam nói riêng, FDI có ý nghĩa hơn, thể hiện ở vai trò quan trọng trong hoạt động cung cấp vốn, công nghệ và mở rộng quy mô sản xuất, tạo ra những năng lực sản xuất mới, nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Thực trạng thu hút vốn FDI vào Việt Nam

Tính đến ngày 20/5/2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt đạt gần 10,86 tỷ USD, bằng 92,7% so với cùng kỳ.

Ngoài vốn đầu tư điều chỉnh giảm thì vốn đầu tư mới và góp vốn mua cổ phần tiếp tục tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái: Cụ thể, có 962 dự án đầu tư mới được cấp phép với tổng vốn đăng ký đạt hơn 5,26 tỷ USD, tăng 66,4% về số dự án và tăng 27,8% về số vốn; Có 485 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (tăng 22,8% so với cùng kỳ), tổng vốn tăng thêm đạt gần 2,28 tỷ USD (giảm 59,4% so với cùng kỳ); Có 1.278 giao dịch góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (giảm 5,6% so với cùng kỳ), tổng giá trị vốn góp đạt gần 3,32 tỷ USD (tăng 67,2% so với cùng kỳ).

Tính lũy kế đến ngày 20/1/2022, sau 35 năm “đón” vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), toàn bộ 63 tỉnh, thành phố trong cả nước đã thu hút 34.642 dự án còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký gần 415,6 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt trên 253,2 tỷ USD, bằng gần 61% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực. Số liệu kinh tế 11 tháng năm 2022 do Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, tổng vốn FDI vào Việt Nam tính đến ngày 20/11/2022 đạt 25,14 tỷ USD, giảm 5% so với cùng kỳ năm trước. So với mức giảm 5,4% của cùng kỳ tháng 10/2022, vốn FDI có sự cải thiện nhất định khi nhà đầu tư nước ngoài thúc đẩy các thủ tục đăng ký dự án.

Có rất nhiều dự án được tăng vốn đầu tư từ đầu năm như dự án sản xuất, chế tạo các sản phẩm điện tử, công nghệ cao được tăng vốn với quy mô lớn; Dự án Samsung Electro-mechanics Việt Nam (Thái Nguyên) tăng vốn hai lần: Tăng 920 triệu USD (lần 1) và tăng 267 triệu USD (lần 2); Dự án Công ty TNHH Điện tử Samsung HCMC CE Complex tăng vốn trên 841 triệu USD; Dự án nhà máy chế tạo điện tử, phương tiện thiết bị mạng và sản phẩm âm thanh đa phương tiện tại Bắc Ninh (tăng 306 triệu USD), tại Nghệ An (tăng 260 triệu USD) và tại Hải Phòng (tăng 127 triệu USD).

Về số dự án mới, các nhà đầu tư nước ngoài tập trung đầu tư nhiều tại các thành phố lớn, có cơ sở hạ tầng thuận lợi như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội. TP. Hồ Chí Minh dẫn đầu về số dự án mới (43,9%), số lượt góp vốn mua cổ phần (67,6%) và đứng thứ hai về số lượt dự án điều chỉnh vốn (17,3% sau Hà Nội (18,6%).

Hình thức đầu tư: Năm 2022, tổng vốn đăng kí cấp mới, vốn đăng kí tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 27,72 tỷ USD; trong đó, vốn đăng kí cấp mới tuy giảm, song số dự án đầu tư mới tăng lên, vốn đầu tư điều chỉnh cũng tăng so với cùng kì năm 2021.

Mặc dù vốn đăng ký cấp mới giảm (18,4%), song vốn đầu tư nước ngoài giải ngân đạt gần 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kì năm 2021 và số dự án đầu tư mới tăng lên (tăng 17,1%, đạt 2.036 dự án) so với cùng kì năm 2021. Mức giải ngân tăng cao là tín hiệu tốt cho thấy, các doanh nghiệp đang dần phục hồi, duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh sau đại dịch COVID-19.

Số vốn đăng kí thêm tăng 12,2% và số lượt điều chỉnh tăng 12,4% với 1.107 lượt điều chỉnh năm 2022 so với cùng kì năm 2021 đã khẳng định niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đối với kinh tế, môi trường đầu tư của Việt Nam. Nhờ vậy, các nhà đầu tư nước ngoài đã quyết định đầu tư mở rộng nhiều dự án hiện hữu. Việc các nhà đầu tư nước ngoài liên tục tăng vốn đầu tư vào Việt Nam cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục đặt niềm tin vào nền kinh tế, môi trường đầu tư của Việt Nam, nên đã đưa ra các quyết định mở rộng đầu tư dự án hiện hữu.

Nhiều nhà đầu tư lớn trên thế giới như Apple, Goertek, Foxconn, Luxshare đang có kế hoạch chuyển các hoạt động sản xuất và tăng vốn đầu tư vào Việt Nam. Apple đã chuyển 11 nhà máy của các doanh nghiệp Đài Loan trong chuỗi cung ứng của hãng sang Việt Nam càng khẳng định bước “chuyển mình” để Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất mới của thế giới.

Những động thái của các nhà đầu tư nước ngoài càng chứng tỏ, Việt Nam đang thực sự trở thành trung tâm sản xuất mới của thế giới, đặc biệt trong các lĩnh vực điện tử, công nghệ cao. Theo JP Morgan, Việt Nam sẽ đóng góp 20% tổng sản lượng iPad và Apple Watch, khoảng 5% MacBook và 65% AirPods vào năm 2025. Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm sản xuất linh kiện và dịch vụ sản xuất điện tử đối với các sản phẩm có khối lượng nhỏ (Apple Watch, Mac, iPad) và đang trở thành trung tâm sản xuất AirPods chính.

Những cơ hội và thách thức trong thu hút vốn FDI của Việt Nam

Cơ hội trong thu hút vốn FDI

Việt Nam là một trong những quốc gia đạt được thành công kép cả trong kiểm soát dịch bệnh COVID -19 và tăng trưởng kinh tế. Kiểm soát tốt dịch bệnh đã giúp Việt Nam nhanh chóng khôi phục các hoạt động kinh tế trong nước cũng như thương mại xuyên quốc gia trở thành một điểm cộng rất lớn của Việt Nam trong thu hút vốn FDI. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn có thể đạt được mức 6,5% nhờ nền tảng vững vàng và những giải pháp quyết liệt cả về kinh tế và y tế của Chính phủ. Theo báo cáo Triển vọng kinh tế châu Á năm 2022, Ngân hàng HSBC đã dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2022 là 6,8%, lạm phát được giữ ổn định ở mức 3%. Việt Nam được đánh giá là một trong những nước có triển vọng tăng trưởng tốt ở châu Á. Nhận định tương tự đến từ UOB, thậm chí mức dự báo tốc độ tăng trưởng còn cao hơn, đến 7,1% trong năm 2022.

Theo báo cáo kết quả khảo sát thực trạng của các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài được Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) công bố vào năm 2022, có gần 45% doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam cho biết sẽ mở rộng sản xuất – kinh doanh trong vòng 1-2 năm tới. Đáng chú ý, tỷ lệ doanh nghiệp mở rộng chức năng bán hàng và sản xuất hàng hóa thông dụng ở mức cao so với các quốc gia, khu vực khác (khoảng 50%). Ngoài ra, có 16,4% doanh nghiệp cho biết sẽ tăng cường đầu tư thiết bị, đầu tư mới trong thời gian tới.

Việc xuất hiện tình trạng “đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu”. Để tránh tình trạng này lặp lại, các nước cũng có xu hướng đa dạng hóa địa điểm đầu tư nhằm phân tán rủi, không đầu tư tập trung vào Trung Quốc như trước nữa. Trong số các nước được xem xét chuyển hướng đầu tư, Việt Nam có những lợi thế nhất định về mặt vị trí địa lý, gần với Trung Quốc. Vị trí địa lý của Việt Nam không những thuận lợi cho Việt Nam trong các giao dịch kinh tế quốc tế, mà còn tạo cơ hội cho Việt Nam trở thành trung tâm kết nối của khu vực châu Á – Thái Bình Dương và kết nối khu vực này với các nền kinh tế ở khu vực phía Tây bán đảo Đông Dương. Bên cạnh đó, Việt Nam có nhiều thuận lợi trong giao thương toàn cầu, do có thể xây dựng và phát triển các cảng nước sâu khi sở hữu trên 3.000 km bờ biển. Theo kết quả của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản Jetro vào năm 2022 khảo sát 122 doanh nghiệp, Việt Nam nằm đầu danh sách thu hút đầu tư, với 54,3% doanh nghiệp lựa chọn đầu tư tại Việt Nam, xếp trên Thái Lan (26,7%), Philippines (19,5%) và Indonesia (17,9%).

Việt Nam có lợi thế nhờ ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhiều đối tác. Việt Nam đã đàm phát để ký kết được 15 FTA. Trong đó, có 3 hiệp định quan trọng và mới ký gần đây là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Để ký kết các hiệp định thương mại này, Việt Nam đã có những thay đổi tích cực trong cải thiện thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh… nhờ đó tạo sức hấp dẫn lớn hơn trong thu hút FDI. Theo nghiên cứu của UOB (2021), Hiệp định thương mại RCEP sẽ chất xúc tác khác cho triển vọng thu hút FDI của khu vực ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng. Ngoài ra, dân số và thu nhập ngày càng tăng của các nước ASEAN là động lực cho đầu tư vào khối này.

3.2. Những thách thức trong việc thu hút vốn FDI vào Việt Nam

Bên ngoài nước, các thị trường khác như Ấn Độ, các nước khác trong khối ASEAN cũng đang nổi lên là nơi thu hút FDI, tạo ra sự cạnh tranh thu hút dòng vốn FDI. Ấn Độ với ưu thế là một thị trường rộng lớn, chi phí nhân công rẻ, Chính phủ Ấn Độ cũng đưa ra rất nhiều chính sách để thu hút vốn FDI. Năm 2022, trong khi đa phần thế giới đều gặp phải tình trạng sụt giảm trong dòng vốn FDI thì Ấn Độ tăng trưởng tới 18%.

Ở trong nước, mặc dù môi trường đầu tư và năng lực cạnh tranh của Việt Nam đã được cải thiện, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng hoàn toàn được yêu cầu của các nhà đầu tư quốc tế. Nhiều doanh nghiệp FDI vẫn than phiền về những bất cập trong môi trường đầu tư như thủ tục hành chính rườm rà, hạ tầng và công nghiệp phụ trợ yếu kém, lạm phát gia tăng,… Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có tới 59% doanh nghiệp có công trình xây dựng trong 2 năm gần đây gặp khó khăn khi thực hiện các thủ tục liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng. Chất lượng nguồn lao động cũng là một hạn chế lớn trong việc thu hút vốn FDI. Theo thống kê, có tới 39,86% doanh nghiệp FDI đang thiếu hụt lao động, nhiều công ty phải mất 1-2 năm đào tạo lại lực lượng lao động. Trong thời gian tới, việc thu hút vốn FDI được xác định là ưu tiên những dự án công nghệ cao, đòi hỏi chất lượng nguồn nhân lực lại càng cao hơn.

Đề xuất giải pháp thu hút vốn FDI vào Việt Nam

Thời gian tới, nhằm tạo lực hấp dẫn cho vốn FDI vào Việt Nam, cần chú trọng một số giải pháp sau:

Một là, Việt Nam tiếp tục chính sách định hướng thu hút đầu tư FDI có chọn lọc. Thu hút FDI phải đặt trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội chung của cả nước, đặc biệt phải quy định rõ những ngành nào, lĩnh vực nào cần ưu tiên thu hút FDI trên nguyên tắc những ngành và lĩnh vực doanh nghiệp trong nước có khả năng làm được thì không kêu gọi đầu tư nước ngoài.

Hai là, cần rà soát và bổ sung các quy định, điều kiện để thu hút, duy trì và sàng lọc các khoản đầu tư hiệu quả. Do khu vực công nghiệp phụ trợ còn non yếu, giai đoạn 2021-2030, Chính phủ cần khuyến khích, tạo điều kiện cho các dự án FDI đầu tư và sản xuất tại Việt Nam theo hình thức liên doanh với doanh nghiệp trong nước để doanh nghiệp Việt Nam có điều kiện tiếp cận trực tiếp công nghệ, kỹ năng quản lý hiện đại và tri thức kinh doanh tin cậy. Ưu tiên các nhà đầu tư lớn, dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Ba là, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về đầu tư nước ngoài. Hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật; sửa đổi, bổ sung các quy định về thủ tục, điều kiện đầu tư. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tinh gọn bộ máy, quy định rõ ràng trách nhiệm của từng bộ phận, từng khâu, đặc biệt trong các lĩnh vực liên quan đến cấp giấy phép kinh doanh, giấy phép lao động, quản lý thị thực, thủ tục hải quan, thuế,…

Bốn là, tập trung cải thiện cơ sở hạ tầng. Bên cạnh việc thúc đẩy các dự án đầu tư công nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng, giúp các khu công nghiệp được hưởng lợi trong dài hạn, cần biến các nhu cầu đầu tư mở rộng và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng của Việt Nam thành cơ hội thu hút các dự án FDI chất lượng cao trong lĩnh vực này. Ðồng thời, cần chủ động vượt qua các thách thức trong thu hút FDI chất lượng cao, như sự hạn chế của quỹ đất sạch và cơ sở hạ tầng – cảng biển, hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy, hệ thống kho… Việt Nam cần tập trung chuẩn bị mặt bằng, nhất là tại các khu công nghiệp để sẵn sàng đón dự án FDI bên cạnh sự đồng bộ về hạ tầng giao thông, khả năng cung cấp điện, nước, thông tin liên lạc…

Tài liệu tham khảo:

  1. Bộ Tài chính, (2018), Chính sách thuế và ưu đãi đầu tư trong đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Kỷ yếu hội nghị 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam;
  2. Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương – Trung tâm Thông tin tư liệu (2017), Đầu tư trực tiếp nước ngoài: Một số vấn đề về thực trạng và giải pháp;
  3. Ngô Trần Xuất (2018), Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tại vùng kinh tế trọng điểm miền trung trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, Luận án tiến sĩ kinh tế, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam – Học viện Khoa học xã hội;
  4. Vũ Duy Vĩnh, Vũ Hoàng Yến (2017), Việt Nam – 30 năm thu hút và sử dụng FDI, Tạp chí Nghiên cứu Tài chính kế toán số 05 (166)-2017;
  5. IMF (1993). Balance of payments manual (Fifth ed.). IMF.

Theo: Nguyễn Anh Dũng, Vũ Hoàng Mạnh Trung, Phạm Ánh Tuyết, Trần Tuấn Anh

Dẫn theo nguồn: https://tapchitaichinh.vn/thu-hut-von-dau-tu-truc-tiep-nuoc-ngoai-vao-viet-nam-thuc-trang-va-ham-y-chinh-sach.html

Trả lời