Làm gì để “thúc” tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nguồn nước ngoài?

Thời gian kết thúc năm 2020 đang cận kề, đồng nghĩa với thời hạn giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn vay nước ngoài năm 2020 sắp kết thúc. Trong khi đó, 11 tháng qua, việc giải ngân nguồn vốn này của các bộ, ngành mới chỉ đạt 34,65% vốn kế hoạch giao đầu năm, việc hoàn thành mục tiêu giải ngân năm nay đang là thách thức lớn.

                                                         Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Không đủ cơ sở để giải ngân

Thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, trong 11 tháng đầu năm 2020, các bộ, ngành đã giải ngân được 6.312 tỷ đồng vốn đầu tư công nguồn vốn vay nước ngoài, đạt 34,65% vốn kế hoạch giao đầu năm và 45,51% nếu tính trên số kế hoạch năm 2020 đã được điều chỉnh sau khi cắt giảm của các Bộ, ngành (là 4.346 tỷ đồng).

Nguyên nhân lớn nhất dẫn đến tỷ lệ giải ngân thấp như trên được chỉ ra là do không có khối lượng xây dựng cơ bản hoàn thành nên không có hồ sơ thanh toán, không thể giải ngân. Trên thực tế, công tác này cũng chịu ảnh hưởng bởi tác động của đại dịch Covid-19, thiên tai lũ lụt. Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, ngay cả ở các khu vực ít chịu ảnh hưởng bởi thiên tai lũ lụt thì tiến độ triển khai và gửi đơn rút vốn vẫn còn chậm.

Một nguyên nhân khác là dự án đã được bố trí kế hoạch vốn nhưng đang phải thực hiện các thủ tục điều chỉnh điều chỉnh dự án (như gia hạn thời gian thực hiện dự án, gia hạn thời gian giải ngân, điều chỉnh phân bổ các hạng mục sử dụng vốn), điều chỉnh hiệp định vay nên không đủ cơ sở để giải ngân.

Ngoài ra, còn có một số vấn đề từ phía nhà tài trợ như: thời gian cấp ý kiến không phản đối đối với hoạt động mua sắm, tuyển tư vấn của một số dự án kéo dài; một số nhà tài trợ yêu cầu sử dụng tư vấn của nước tài trợ trong thực hiện dự án nhưng chất lượng của tư vấn còn hạn chế, không đảm bảo tiến độ dự án trong khi vai trò, quan điểm của nhà tài trợ đối với hoạt động của tư vấn là không rõ ràng.

Một số dự án vướng cơ chế nên chưa xác định được phần cấp phát/cho vay lại để giao vốn triển khai thực hiện trong năm 2020 (như các dự án của Tổng công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) vay Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt cơ chế chuyển từ vốn vay lại sang cấp phát).

Thêm vào đó, theo phương thức giải ngân tài khoản đặc biệt của một số nhà tài trợ như Ngân hàng Phát triển châu Á, Ngân hàng Thế giới, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản, nhiều chủ dự án chậm trễ thực hiện thủ tục hoàn chứng từ cho các khoản rút vốn từ tài khoản đặc biệt nhà tài trợ phê duyệt hồ sơ rút vốn bổ sung tài khoản đặc biệt cho các khoản chi nhỏ lẻ thường kéo dài. Việc chuẩn bị hồ sơ rút vốn của các chủ dự án còn chưa kỹ như: hồ sơ chưa đầy đủ, thiếu chính xác, kế hoạch chi tiêu chưa phù hợp.

Thúc đẩy thực hiện dự án để có khối lượng hoàn thành

Để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn vay nước ngoài, Bộ Tài chính đã tổ chức nhiều hội nghị trực tuyến với các bộ, ngành, nhà tài trợ nhằm làm rõ các nguyên nhân, chỉ ra các giải pháp để thực hiện giải ngân nguồn vốn này.

Trước hết, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành triển khai nhóm giải pháp thúc đẩy việc triển khai thực hiện dự án để có khối lượng hoàn thành cho giải ngân, đặc biệt đối với các dự án kết thúc năm 2020, 2021.

Trả lời