Đề xuất điều chỉnh thuế xuất, nhập khẩu ưu đãi, hỗ trợ sản xuất kinh doanh trong nước

Để hỗ trợ sản xuất kinh doanh trong nước, Bộ Tài chính đã đề xuất điều chỉnh thuế suất thuế xuất, nhập khẩu ưu đãi một số mặt hàng nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo thuận lợi thương mại, góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính, phòng chống gian lận trong phân loại, áp mã.

Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh thuế suất thuế xuất, nhập khẩu một số mặt hàng. Ảnh: internetBộ Tài chính đề xuất điều chỉnh thuế suất thuế xuất, nhập khẩu một số mặt hàng. Ảnh: internet

Qua rà soát các mức thuế suất thuế xuất khẩu, nhập khẩu đối với nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất nhằm hỗ trợ sản xuất, kinh doanh trong nước, Bộ Tài chính cho rằng, cần sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị định số 26/2023/NĐ-CP về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan để đáp ứng các yêu cầu đặt ra trong bối cảnh hiện nay.

Theo đó, Bộ Tài chính đã xây dựng và đang lấy ý kiến rộng rãi về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2023/NĐ-CP của Chính phủ. Trong đó, Bộ Tài chính đã đề xuất điều chỉnh thuế suất một số mặt hàng để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước, tạo thuận lợi thương mại, góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính, phòng chống gian lận trong phân loại, áp mã.

Trước kiến nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công an và một số hiệp hội về điều chỉnh giảm thuế suất thuế nhập khẩu MFN của mặt hàng khô dầu đậu, Bộ Tài chính cho biết, mặt hàng này hiện Việt Nam đã sản xuất được 35% nhu cầu trong nước và nhập khẩu 65%. Do đó, mức thuế suất MFN đối với mặt hàng này là 2% (so với mức cam kết trần WTO 5%) như hiện hành là phù hợp, đảm bảo đảm bảo nguyên tắc ban hành Biểu thuế, thuế suất, khuyến khích ngành Chăn nuôi chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người chăn nuôi và các nhà cung cấp thức ăn chăn nuôi trong nước và nhập khẩu.

Mặt hàng khô dầu đậu tương là một trong những nguyên liệu quan trọng để sản xuất thức ăn chăn nuôi, trong nước cũng đã sản xuất được một phần (như một số nhà máy ép dầu ăn sản xuất). Việc điều chỉnh giảm mức thuế suất MFN có thể dẫn đến giảm nhu cầu, ảnh hướng đến sản xuất trong nước và tăng sự phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, qua đó tác động trực tiếp tới hoạt động chăn nuôi của doanh nghiệp và đời sống của người dân.

Theo đó, tại dự thảo Nghị định lần này, Bộ Tài chính đề xuất 02 phương án gồm: Giữ nguyên mức thuế suất MFN đối với mặt hàng khô dầu đậu tương như hiện hành; Điều chỉnh mức thuế suất MFN đối với mặt hàng khô dầu đậu tương từ 2% xuống 1%.

Theo Bộ Tài chính, thực hiện theo phương án giữ nguyên có ưu điểm góp phần ổn định chính sách, không xáo trộn hoạt động sản xuất của doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi và doanh nghiệp chăn nuôi trong nước. Ngoài ra, do trong nước đã sản xuất được 35% nhu cầu nội địa nên mức thuế suất MFN 2% (so mới mức trần WTO 5%) là hợp lý để khuyến khích các doanh nghiệp trong nước tiếp tục sản xuất.

Nếu không có chính sách bảo hộ nhất định cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước thì Việt Nam phải tiếp tục phụ thuộc vào nguồn cung nhập khẩu. Nhược điểm của phương án này là chưa đáp ứng được được kiến nghị của một số bộ, hiệp hội và doanh nghiệp trong bối cảnh giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi tăng cao.

Trường hợp giảm mức thuế xuống 1 % sẽ tạo điều kiện cho ngành sản xuất khô dầu đậu tương trong nước, nâng cao năng lực cạnh tranh trong khi đó vẫn góp phần giảm chi phí nguyên liệu đầu vào cho ngành Chăn nuôi và doanh nghiệp cũng có thể chủ động hơn về nguồn cung. Đồng thời, việc giảm mức thuế suất MFN xuống 1% thay vì 0% vẫn tạo dư địa đàm phán cho các FTA Việt Nam sẽ ký kết trong tương lai, đảm bảo phù hợp với các nguyên tắc về ban hành Biểu thuế, thuế suất quy định tại Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Thực hiện phương án này dự kiến sẽ làm giảm số thu ngân sách nhà nước khoảng 520 tỷ đồng/năm.

Liên quan đến kiến nghị điều chỉnh tăng mức thuế suất thuế nhập khẩu đối với mặt hàng hạt nhựa polypropylene (PP) và nhựa polyethylen (PE) của Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn (LSP), Bộ Tài chính cho biết, việc điều chỉnh ngay mức thuế suất MFN của 04 mã hàng hạt nhựa PP và PE đang có mức thuế suất 0% lên mức 3% có thể góp phần tăng thu ngân sách nhà nước nếu không xảy ra tình trạng dịch chuyển thương mại. Tuy nhiên,  việc điều chỉnh này cũng làm tăng gánh nặng thuế lên một số doanh nghiệp đang phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ các quốc gia chưa ký FTA với Việt Nam trong trường hợp các doanh nghiệp trong nước không sử dụng sản phẩm của Công ty LSP mà vẫn nhập khẩu (PP và PE là nguyên liệu đầu vào của ngành công nghiệp nhựa).

Theo báo cáo của Công ty LSP, công suất hiện tại của Công ty là 525 nghìn tấn/năm/loại đối với mặt hàng nhựa PE và khoảng 420-483 nghìn tấn/năm đối với mặt hàng PP (so với số lượng hạt nhựa nhập khẩu phục vụ nhu cầu trong nước là khoảng 600 nghìn tấn/năm). Theo đó, cần có đánh giá của các cơ quan chuyên ngành là Bộ Công Thương và Hiệp hội Nhựa Việt Nam về khả năng Dự án có thể cung cấp đủ nguyên liệu cho ngành Sản xuất nhựa ở Việt Nam của các doanh nghiệp trong nước, bao gồm cả Công ty LSP.

Bên cạnh đó, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư có bao gồm điều khoản không bù thuế trong trường hợp Chính phủ áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu dưới mức 3%. Mặt hàng hạt nhựa PP và PE của Công ty LSP còn đang trong giai đoạn đầu đưa ra thị trường Việt Nam, do vậy, việc điều chỉnh ngay mức thuế suất MFN của mặt hàng hạt nhựa PP và PE lên 3% theo kiến nghị của doanh nghiệp cần được tính toán kỹ lưỡng các tác động có liên quan.

Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất 02 phương án điều chỉnh mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi MFN đối với các mặt hàng này. Phương án 1 là quy định mức thuế suất MFN 2% đối với mặt hàng hạt nhựa PP và PE thuộc mã hàng 3902.90.90, 3901.10.92, 3901.20.00 và 3901.40.00 mà chưa điều chỉnh thuế suất lên mức 3% như kiến nghị của Công ty LSP và được ghi tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong trường hợp mặt hàng hạt nhựa PP và PE sản xuất trong nước có khả năng cung cấp đủ nguyên liệu cho ngành sản xuất nhựa ở Việt Nam.

Phương án 2 là giữ nguyên mức thuế suất MFN 0% đối với mặt hàng hạt nhựa PP và PE thuộc mã hàng 3902.90.90, 3901.10.92, 3901.20.00 và 3901.40.00 trong trường hợp mặt hàng hạt nhựa PP và PE sản xuất trong nước chưa cung cấp đủ nguyên liệu cho ngành sản xuất nhựa ở Việt Nam.

Bộ Tài chính cho biết, Phương án 1 có ưu điểm là thực hiện được giải pháp ưu đãi, hỗ trợ đầu tư liên quan đến mức thuế suất MFN nêu tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của Công ty LSP và tạo niềm tin của các nhà đầu tư đối với môi trường đầu tư trong nước. Thực hiện phương án này có thể góp phần tăng thu ngân sách nhà nước từ thuế nhập khẩu, thuế GTGT và thuế TNDN (gián tiếp).

Tuy nhiên, số tăng thu này có thể không đáng kể trong trường hợp doanh nghiệp chuyển sang sử dụng mặt hàng hạt nhựa PP và PE sản xuất trong nước hoặc không nhập khẩu từ các nước Trung Đông mà chuyển sang nhập khẩu từ các quốc gia đã ký FTA với Việt Nam (được áp dụng thuế suất 0%).

Việc nâng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi MFN lên cao hơn mức hiện tại 0% sẽ góp phần mở rộng nguồn cung hạt nhựa từ nguồn trong nước, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất hạt nhựa trong nước cạnh tranh tốt hơn với sản phẩm hạt nhựa nhập khẩu. Việc điều chỉnh này cũng là phù hợp theo nguyên tắc ban hành Biểu thuế, thuế suất được quy định tại Điều 10 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu là khuyến khích nhập khẩu nguyên liệu, vật liệu, ưu tiên loại trong nước chưa đáp ứng nhu cầu; trường hợp mặt hàng trong nước đã sản xuất được thì cần có biện pháp bảo hộ để khuyến khích phát triển sản xuất trong nước, tạo dư địa đàm phán trong tương lai với các nước mà ta đang nhập khẩu nhiều hạt nhựa PP và PE nhưng chưa ký FTA với Việt Nam.

Tuy nhiên, nhược điểm của phương án này là việc điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu có thể sẽ tác động đến các doanh nghiệp sản xuất nhựa phụ thuộc vào nguồn cung nhập khẩu từ các nước Trung Đông và các quốc gia chưa ký FTA với Việt Nam (không ảnh hưởng đến phần nhập khẩu từ các nước đã ký FTA với Việt Nam).

Đối với phương án hai, ưu điểm là đảm bảo không xáo trộn so với quy định hiện hành. Mặt hàng hạt nhựa PP, PE là nguyên liệu đầu vào cho nhiều ngành sản xuất, vì vậy phương án này sẽ đảm bảo duy trì giá thành đầu vào, không làm gián đoạn chuỗi cung ứng hàng hóa, đảm bảo ổn định môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp trong nước đang sử dụng hạt nhựa từ nguồn nhập khẩu.

Tuy nhiên, nhược điểm của phương án này là không thực hiện được nội dung về ưu đãi, hỗ trợ đầu tư được ghi trong Giấy Chứng nhận đăng ký đầu tư, đồng thời đặt các doanh nghiệp sản xuất hạt nhựa trong nước vào sức ép cạnh tranh với hạt nhựa nhập khẩu từ Trung Đông và các nước chưa ký FTA với Việt Nam.

Tại dự thảo Nghị định, Bộ Tài chính cũng đề xuất sửa đổi thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng thiết bị điện tử dùng cho thuốc lá điện tử và các thiết bị điện hóa hơi cá nhân tương tự thuộc mã hàng 8543.40.00; gộp dòng một số mã HS 10 chữ số tại Biểu thuế xuất khẩu; thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với máy móc thiết bị dùng trong nông nghiệp (mặt hàng máy kéo cầm tay, máy xới đất); thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với các mặt hàng phụ tùng, linh kiện ô tô “ống dầu phanh” và “ống dẫn dầu hộp số ô tô” tại nhóm 98.45.

Trả lời