‘Vòng đời’ hơn 60 năm của diêm Thống Nhất: Cái chết được báo trước!

Sau 63 năm chiếm lĩnh thị trường, thương hiệu diêm Thống Nhất “vang bóng một thời’ giờ đây đang đi tới giai đoạn cuối của ‘vòng đời’ khi sẽ bị chính thức khai tử từ năm 2020.

Nghị quyết đại hội đồng cổ đông bất thường của Công ty Cổ phần Diêm Thống Nhất (DTN) đã thông qua việc dừng sản xuất các sản phẩm diêm từ năm 2020.

Như vậy, diêm Thống Nhất có hình chim bồ câu trắng trên nền trời xanh đã chấm dứt “vòng đời” gần 63 năm có mặt trên thị trường.

Vang bóng một thời

Nhà máy Diêm Thống nhất được thành lập năm 1956, là công xưởng sản xuất đầu tiên được xây dựng tại Miền Bắc sau năm 1954. Nhà máy này thậm chí còn ra đời trước những thương hiệu xưa của Hà Nội như Điện cơ Thống Nhất, Giầy Thượng Đình (1957), Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (1961), Cao su Sao Vàng (1960)… và là sản phẩm đặt nền móng cho nền sản xuất miền Bắc.

Ở giai đoạn đầu, toàn bộ sản phẩm của nhà máy đều là diêm, nổi tiếng nhất là bao diêm Thống Nhất với hình ảnh chim bồ câu trắng – đây cũng là giai đoạn hoàng kim nhất của sản phẩm này khi Diêm Thống Nhất gần như nắm giữ 100% thị phần diêm tạo lửa tại thị trường phía Bắc.

Khi hầu hết gia đình Việt vẫn sử dụng bếp than và bếp củi để sinh hoạt, những bao diêm Thống Nhất có giá chỉ 100 đồng đã trở thành sản phẩm không thể thiếu trong sinh hoạt của người dân.

Không chỉ phục vụ nhu cầu người tiêu dùng trong nước, diêm Thống Nhất cũng đã được xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Trong đó, khách hàng ngoại lớn nhất mua diêm từ Việt Nam Công ty Sincer Match của Malaysia.

Từ giai đoạn nền kinh tế bắt đầu mở cửa, cũng như nhiều thương hiệu xưa khác, Diêm Thống Nhất cũng bị cạnh tranh gay gắt bởi các sản phẩm tạo lửa từ nước ngoài, đặc biệt là bật lửa Trung Quốc. Năm 2018, công ty ghi nhận 123 tỷ đồng doanh thu nhưng giá vốn chiếm hơn 83%, sau khi trừ các chi phí hoạt động Diêm Thống Nhất thu về vỏn vẹn 2 tỷ đồng lãi ròng sau thuế.

Dù đã lường trước được việc suy giảm doanh số nhưng diêm nội địa đã rơi vào chu kỳ suy thoái nhanh do nhu cầu tiêu dùng hạn chế và những khó khăn ở khâu nguyên liệu.

Cái chết được báo trước!

Trước tình trạng sản lượng diêm sụt giảm nhanh và dự báo sẽ còn xuống thấp trong những năm tiếp theo, lãnh đạo và cổ đông Diêm Thống Nhất đã quyết định dừng sản xuất các sản phẩm diêm từ năm 2020, đồng thời công ty cũng hủy giao dịch trên sàn chứng khoán UPCoM.

Việc “khai tử” thương hiệu diêm Thống Nhất cũng sẽ kết thúc vòng đời 63 năm của sản phẩm vang bóng một thời tại Việt Nam. Từ nay, những sản phẩm diêm mang thương hiệu Thống Nhất sẽ dần vắng bóng trên thị trường khi nguồn cung bị cắt bỏ. Những bao diêm còn lại trên thị trường cũng sẽ dần được thay thế bằng các sản phẩm tạo lửa khác.

Một số chuyên gia cho rằng sự sụp đổ của một thương hiệu lâu đời có thể rút ra bài học quan trọng: Đổi mới trong kinh doanh luôn là sự sống còn của bất kỳ doanh nghiệp nào.

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, bày tỏ: Về mặt thương hiệu rõ ràng đó là sự tiếc nuối, bởi trong hơn 60 năm tồn tại và ăn sâu trong tâm trí người Việt Nam, diêm Thống Nhất đã làm được nhiều điều đáng trân trọng. Nhưng việc khai tử một sản phẩm trong giai đoạn hiện nay lại là điều hợp lý.

“Đứng ở góc độ hành vi người tiêu dùng, dù đã được cải tiến nhưng hộp quẹt diêm không mang tính tiện lợi và tính thiết yếu đáp ứng được nhu cầu khách hàng. Thương trường vốn khắc nghiệt, những sản phẩm không có tính hữu ích sẽ thất bại” – ông Hiếu nói.

“Việc bám lấy hào quang quá khứ, chậm chuyển đổi theo xu hướng thị trường sẽ dẫn đến cái chết lâm sàng. Thực tế thất bại của hộp quẹt diêm Thống Nhất cũng đã được nhìn thấy từ rất lâu vì sự lên ngôi của các loại bật lửa tiện lợi” – ông Hiếu nhận định.

TS Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, cũng nhìn nhận trong kinh doanh, việc liên tục đổi mới là yếu tố tiên quyết đối với sự thành công của bất kỳ doanh nghiệp hay tổ chức nào. Doanh nghiệp cố gắng cải thiện tình hình thực tế, không nên tự mãn với những gì đạt được mà phải luôn nỗ lực để làm tốt hơn.

“Cần phải hiểu rằng người mua quyết định thị trường. Họ có nhu cầu và sẵn sàng sử dụng các sản phẩm thay thế, do đó các doanh nghiệp cần đổi mới sản phẩm theo thị hiếu tiêu dùng” – ông Thành nói.

                                                                Theo Bích Thảo/taichinhdoanhnghiep.net.vn
Nguồn: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/vong-doi-hon-60-nam-cua-diem-thong-nhat-cai-chet-duoc-bao-truoc-d10174.html

Trả lời