Chủ động đối phó hàng rào phi thuế quan trong giao dịch quốc tế

Bên cạnh những thuận lợi do các hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại, nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là những trở ngại trong giao thương quốc tế do các hàng rào phi thuế quan được các nước dựng lên đang có xu hướng ngày càng “nở rộ”.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Cơ hội song hành cùng thách thức

Với việc ngày càng hội nhập sâu rộng vào thị trường quốc tế thông qua ký kết các FTA song phương và đa phương, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam nói chung và của các ngành hàng xuất khẩu tiềm năng nói riêng đang có thêm nhiều cơ hội mới.

Cụ thể, thị trường xuất khẩu được mở rộng, không chỉ tăng cường ở các thị trường truyền thống mà còn khai thác được các thị trường mới, tiềm năng. Kim ngạch xuất khẩu sang các khu vực thị trường đều đạt mức tăng trưởng dương, đặc biệt tăng cao ở những thị trường có FTA với Việt Nam.

Thống kê cho thấy, năm 2018, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 244,7 tỷ USD, tăng 13,8% so với năm 2017, trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 69,2 tỷ USD, tăng 15,9%, chiếm 28,3% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong năm 2018, Việt Nam cũng đã xuất siêu chủ yếu vào thị trường các nước phát triển, có yêu cầu khắt khe đối với hàng hóa nhập khẩu như: Hoa Kỳ (xuất siêu 34,7 tỷ USD); EU (28,7 tỷ USD)… Dự kiến xuất khẩu Việt Nam năm 2019 đạt 265 tỷ USD, tăng 8 -10% so với năm 2018.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam khi thực hiện xuất khẩu sang các thị trường lớn như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… luôn phải đối mặt với các loại rào cản phi thuế quan, làm ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả kinh doanh của DN.

Nhận định của Bộ Công Thương cho thấy, hiện nay, các DN Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, hạn chế trong việc đối phó với rào cản phi thuế quan đối với ba nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ lực là dệt may sang Hoa Kỳ, da giày sang EU, thủy sản sang Nhật Bản.

Hầu hết DN Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa, nguồn lực tài chính hạn hẹp, khả năng tiếp cận nguồn vốn, đầu tư công nghệ sản xuất mới hạn chế và rất ít DN tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Do đó, năng lực tiếp cận cũng như thoả mãn các rào cản phi thuế quan tại các thị trường nước ngoài rất thấp. Việc hạn chế về nhận thức cũng dẫn đến những thiệt hại trong kinh doanh và xuất khẩu.

Chủ động đối phó

Theo các chuyên gia kinh tế, rào cản phi thuế quan là các rào cản ngoài thuế làm ảnh hưởng đến lưu chuyển hàng hóa quốc tế được các nước dựng lên nhằm duy trì và bảo hộ sản xuất cũng như người tiêu dùng nội địa. Rào cản thuế quan bao gồm nhiều loại khác nhau như: các biện pháp cấm, hạn ngạch về số lượng, giá trị được phép xuất khẩu hoặc nhập khẩu trong một thời kỳ nhất định; hàng rào kỹ thuật trong thương mại; các biện pháp vệ sinh dịch tễ, kiểm dịch động vật…

Trong bối cảnh đó, các DN Việt cần phải nắm bắt, hiểu rõ và có biện pháp để vượt qua các hàng rào phi thuế quan mà mỗi Chính phủ, ngành, DN nước ngoài đặt ra. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, có 9 biện pháp phi thuế quan chính được các quốc gia trên thế giới sử dụng. Trong đó, tỷ lệ các nước sử dụng biện pháp kiểm dịch động thực vật là 37,5%; rào cản kỹ thuật đối với thương mại là 37,5%; kiểm tra hàng hóa trước khi vận chuyển và các thủ tục khác là 1,3%; các biện pháp cấp phép không tự động, cấm hạn ngạch là 2,4%…

DN Việt Nam cần tìm hiểu thực trạng, nhận thức rõ về các vấn đề liên quan đến hàng rào phi thuế quan trong giao dịch quốc tế, từ đó xác định nhu cầu và đưa ra các giải pháp triển khai hoạt động kinh doanh hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế, tránh được những rủi ro trong xuất khẩu.

Cụ thể, theo Bộ Công Thương, để đối phó với các rào cản phi thuế quan trong hoạt động xuất, nhập khẩu, các DN cần tìm hiểu thông tin về các biện pháp phi thuế quan áp dụng tại thị trường xuất khẩu, nhất là tại các thị trường vừa thay đổi về chính sách thương mại, từ đó tính toán chi phí, lợi ích trong hoạt động thương mại.

Đồng thời, các DN cần phối hợp với các bên liên quan như Hiệp hội DN, các địa phương để đề xuất các giải pháp chính sách tạo thuận lợi thương mại cũng như giảm chi phí. Các cơ quan hoạch định chính sách cần nghiên cứu, định lượng về tác động của các biện pháp phi thuế quan tại Việt Nam từ đó giảm chi phí, gánh nặng cho DN xuất khẩu, từ đó góp phần bảo vệ DN, hàng hóa và người tiêu dùng trong nước…

Theo Minh Khôi- Tạp chí điện tử Tài chính

 

Trả lời