Chính phủ quyết liệt cải thiện điều kiện kinh doanh, đồng hành cùng doanh nghiệp

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 12/2019. Nghị quyết nêu rõ năm 2020, Chính phủ sẽ đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, đồng hành cùng doanh nghiệp.

Nghệ An: Ngành Dệt may tạo việc làm cho 15.000 lao động

Đồng hành cùng doanh nghiệp

Về tình hình thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 và Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 6/6/2019, với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện hiệu quả Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, tập trung triển khai các chính sách hỗ trợ về thuế, vốn, công nghệ…, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, nhất là các ngành có lợi thế và tiềm năng gắn với chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu; khuyến khích hộ kinh doanh đăng ký thành doanh nghiệp. Triển khai Kế hoạch phát triển bền vững doanh nghiệp khu vực tư nhân đến năm 2025, tầm nhìn 2030 bằng chương trình, kế hoạch cụ thể.

Các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp phối hợp tích cực với các cơ quan quản lý nhà nước để khuyến nghị chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp. Xây dựng các chương trình, giải pháp cụ thể, khả thi để tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động, thực hiện tốt vai trò hỗ trợ các doanh nghiệp hội viên, là cầu nối hiệu quả giữa doanh nghiệp và Chính phủ.

Các doanh nghiệp chủ động đổi mới tư duy sản xuất, kinh doanh; chú trọng đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, tăng cường liên kết, hợp tác, nâng cao năng lực quản trị trong bối cảnh hội nhập, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng dự thảo Chỉ thị về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp theo Nghị quyết số 139/NQ-CP ngày 9/11/2018, phấn đấu đạt được các mục tiêu đề ra vào năm 2020 và đề xuất việc tổ chức Hội nghị toàn quốc về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp theo các Nghị quyết số 02/NQ-CP và Nghị quyết số 139/NQ-CP của Chính phủ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý I/2020.

Chính phủ giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến Thành viên Chính phủ, chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính. Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký tờ trình và báo cáo Quốc hội về dự án Luật này.

Chính phủ thống nhất cơ bản thông qua các chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến Thành viên Chính phủ, hoàn thiện các chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật, chỉnh lý Báo cáo tổng kết thi hành Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000, Báo cáo đánh giá tác động của chính sách; hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; gửi Bộ Tư pháp tổng hợp vào Đề nghị về Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2021 để Chính phủ xem xét, quyết định trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chính phủ thống nhất cơ bản thông qua các chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi); giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến Thành viên Chính phủ, rà soát, đánh giá, hoàn thiện các chính sách để thể hiện đầy đủ, toàn diện chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước về phòng, chống ma túy trong tình hình mới và bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với quy định của một số luật có liên quan; hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; gửi Bộ Tư pháp bổ sung vào Đề nghị điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 để Chính phủ xem xét, quyết định trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chính phủ thống nhất cơ bản thông qua các chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật Thanh tra (sửa đổi); giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến Thành viên Chính phủ, hoàn thiện chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật, nhất là đánh giá tác động và các giải pháp thực hiện chính sách, mối quan hệ lô-gic giữa các chính sách; hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; gửi Bộ Tư pháp bổ sung vào Đề nghị điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 để Chính phủ xem xét, quyết định trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đồng thời, chủ động rà soát, đánh giá, lập danh mục các văn bản quy phạm pháp luật cần sửa đổi, bổ sung và thời hạn hoàn thành để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung.

Cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh

Về cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh; các bộ, ngành xây dựng Kế hoạch cắt giảm các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp giai đoạn 2020 – 2025, bảo đảm nguyên tắc khi ban hành một văn bản mới phải bãi bỏ ít nhất một văn bản cũ và phải giảm chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp. Cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành theo hướng điện tử hóa, hướng tới hải quan điện tử, phù hợp chuẩn mực quốc tế; tập trung đầu mối kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu là cơ quan hải quan; bộ quản lý chuyên ngành thực hiện hậu kiểm. Phát huy vai trò của Tổ công tác, Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ trong việc đối thoại, nghiên cứu, đề xuất giải pháp tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính. Duy trì đổi thoại giữa cơ quan nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ vướng mắc khó khăn và cải thiện môi trường kinh doanh.

Theo PV (t/h)/taichinhdoanhnghiep.net.vn

Trả lời