Khám phá vẻ đẹp truyền thống dệt Chuông Bải tại hợp tác xã du lịch Sông Bôi – Đồng Chờ

Nằm bên bờ Sông Bôi thơ mộng, từ xa xưa làng nghề dệt “Chuông Bải” của dân tộc Mường tại thôn Đồng Chờ (Hòa Bình) đã nức tiếng vì những sản phẩm dệt chất lượng. Nhưng đó là câu chuyện của rất nhiều năm về trước, ngày nay rất khó để có thể nhìn thấy chiếc khung cửi tại thôn Đồng Chờ, duy chỉ có gia đình bà Bùi Thị Phin (78 tuổi) vẫn còn giữ guồng xe sợi và khung cửi dệt vải nguyên bản được phục dựng lại và lưu giữ tại Văn phòng của HTX du lịch Sông Bôi – Đồng Chờ để phục vụ cho khách du lịch đến tham quan.
Hợp tác xã du lịch sông Bôi - Đồng chờ: phát huy tinh hoa văn hóa nghề dệt Chuông Bải Hòa Bình
Hợp tác xã Du lịch Sông Bôi – Đồng Chờ

Bà Bùi Thị Phìn đã dành hơn 60 năm cần mẫn với nghề dệt vải “Chuông Bải” và cũng là một trong số ít những người có thể sử dụng khung cửi để dệt vải trong thôn. Mặc dù đã một thời gian không còn làm nghề, nhưng khi nghe được ý kiến của lãnh đạo HTX cũng như sự động viên của ông Bùi Hải Dính chủ tịch HTX mong muốn phục dựng lại nghề dệt vải tại địa phương. Do vậy dù tuổi đã cao nhưng bà vẫn sẵn sàng cống hiến sức mình để cho ra đời những sản phẩm thổ cẩm vô cùng tinh xảo. Qua đó thể hiện sự khéo léo, cần mẫn của người con gái Mường xưa và hơn thế nữa là tình yêu của bà với làng nghề truyền thống của quê hương.

Phụ nữ Mường tự hào với chiếc váy truyền thống của mình. Họ thường mặc trong các dịp lễ, hội, ngày Tết hay những ngày quan trọng của gia đình. Người dân ở Hòa Bình có câu “làm pái phải ba đăm” có nghĩa là làm vải phải mất ba năm. Đúng như vậy, phải mất ba năm từ lúc gieo hạt bông, thu hoạch, kéo sợi, nhuộm sợi. Sau đó dệt thành thổ cẩm hoa văn với nhiều hình hài. Những sản phẩm dệt thủ công do bà Bùi Thị Phin làm ra thường xuyên được trưng bày trong các lễ hội tại địa phương do HTX tổ chức để giới thiệu đến khách du lịch biết đến những giá trị văn hóa đời sống của người Mường tại Hòa Bình.

Với tâm nguyện phát huy gìn giữ những giá trị văn hóa cũng như khai thác tiềm năng du lịch tại địa phương. Ông Bùi Hải Dính – Chủ tịch HTX du lịch Sông Bôi – Đồng Chờ đã xin cấp phép tổ chức các hoạt động cắm trại, giới thiệu ẩm thực Tây Bắc bên bờ Sông Bôi. Camping Đồng Chờ là điểm dừng chân vô cùng thú vị với những người yêu thích không gian xanh, thích trải nghiệm các hoạt động ngoài trời và tận hưởng không khí trong lành của thiên nhiên. Hiện nay Camping Đồng Chờ đang phát triển các hoạt động cắm trại, vui chơi bên cạnh bờ Sông Bôi, luôn luôn có người túc trực để đảm bảo các công tác an toàn cho khách du lịch bên bờ sông và đảm bảo giữ gìn vệ sinh môi trường quanh khu vực cắm trại.

Đặc biệt hơn vào tối thứ 7 hàng tuần, HTX sẽ tổ chức nhưng buổi giao lưu văn nghệ “Âm hưởng miền sơn cước” do những người đồng bào dân tộc Mường biểu diễn với những điệu múa cồng chiêng, múa sạp, điệu xòe, múa sênh tiên,… Những phụ nữ dân tộc Mường vô cùng duyên dáng, uyển chuyển đã dày công tập luyện chắc chắn sẽ là món tráng miệng vô cùng thú vị để kết thúc một ngày khám phá vùng đất xinh đẹp này. Nơi đây vẫn còn mang vẻ đẹp hoang sơ, cổ kính và yên bình mà bất cứ những người yêu thiên nhiên nào cũng không thể bỏ qua.

Hợp tác xã du lịch sông Bôi - Đồng chờ: phát huy tinh hoa văn hóa nghề dệt Chuông Bải Hòa Bình
Khu Camping Đồng Chờ

Hợp tác xã du lịch Sông Bôi – Đồng Chờ là tâm huyết của ông Bùi Hải Dính cùng với 60 hộ dân trong thôn thể hiện sự quyết tâm và nỗ lực trong công việc giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống và nâng cao đời sống cho người dân.

Được sự hỗ hỗ trợ của chính quyền địa phương,hiện nay hợp tác xã có số lượng thành viên 94 thành viên. Trong đó 87 thành viên là người dân bản địa. Bước đầu giải quyết vấn đề việc làm thường xuyên cho 20 thành viên, và không thường xuyên cho các nhiều xã viên. Bên cạnh đó đẩy mạnh sự phát triển phát triển du lịch sẽ tạo ra cơ hội việc làm mới và tăng thu nhập cho những người làm công việc trong làng nghề Chuông Bải. Du lịch cũng thúc đẩy việc tiêu thụ sản phẩm của làng nghề này, giúp nâng cao mức sống của người dân địa phương. Những sự thành công bước đầu khôi phục lại nghề truyền thống, mang giá trị văn hóa cao của người dân địa phương. Thu hút nhiều lớp trẻ tham gia sản xuất và gìn giữ ngành nghề thủ công. Đây cũng là động lực giúp ông Bùi Hải Dính và các hộ dân trong HTX quyết tâm thực hiện phát triển du lịch xanh gắn liền với sự phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương.

Theo: PV

Dẫn theo nguồn: https://suckhoeviet.org.vn/kham-pha-ve-dep-truyen-thong-det-chuong-bai-tai-hop-tac-xa-du-lich-song-boi-dong-cho-11881.html

Trả lời