SEAFIT: MÙA BÁO HIẾU VU LAN – CÙNG SUY NGẪM

Lễ Vu Lan xuất phát từ sự tích Bồ tát Mục Kiền Liên đại hiếu đã cứu mẹ mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ (quỷ đói). Vu Lan trở thành ngày lễ hằng năm để tưởng nhớ công ơn cha mẹ và tổ tiên nói chung, nhắc nhở mỗi người biết trân trọng những gì mình đang có, nhắc nhở bổn phận làm con phải luôn nhớ đến công ơn sinh dưỡng của cha mẹ mà làm những việc hiếu nghĩa để thể hiện tình cảm, lòng biết ơn.
Kể từ khi Phật giáo được truyền vào Việt Nam, ngày lễ Vu Lan (ngày Rằm tháng Bảy âm lịch hằng năm) đã trở thành truyền thống của tinh thần báo hiếu, báo ân, phù hợp với tinh thần tín ngưỡng thờ tổ tiên thiêng liêng của người dân Việt.

Qua hàng nghìn năm, Vu Lan báo hiếu luôn là một trong những ngày lễ có sức sống văn hóa mãnh liệt nhất trong đời sống tinh thần của mỗi người dân Việt Nam chúng ta.

Ngày nay, lễ Vu Lan không đơn thuần chỉ có ý nghĩa tôn giáo thiêng liêng mà đã trở thành “lễ hội văn hóa tình người”. Pháp hội Vu Lan còn có ý nghĩa đặc biệt sâu sắc, hướng mỗi người trở về với cội nguồn dân tộc, về với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” với tiên tổ.
Ngày lễ Vu Lan là một trong hai lễ lớn nhất của Phật giáo, nhằm báo hiếu công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, nay không chỉ là ngày lễ của các Phật tử mà đã trở thành một lễ hội văn hóa tinh thần chung của xã hội, mang đến thông điệp về lòng biết ơn và đền ơn như một biểu hiện và cư xử văn hóa đáng được con người lưu tâm, thực hiện.

Theo Thượng tọa Thích Nhật Từ, Trưởng ban Văn hóa Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, Đại lễ Vu Lan kêu gọi ý thức xã hội về tinh thần đền ơn đáp nghĩa của Đức Phật, khuyến khích con người tri ân, đền ơn bốn nguồn ân đức, đó là tri ân và đền ơn cha mẹ sinh thành; thầy cô giáo những người dạy dỗ, truyền đạt tri thức cho con người; tri ân các bậc tiền bối đã dựng xây đất nước, các Anh hùng Liệt sỹ đã hy sinh mang lại độc lập, chủ quyền thiêng liêng cho toàn đất nước và cuối cùng là tri ân chính đồng loại con người.

Trong thời đại ngày nay, tinh thần đạo hiếu cần được đề cao, biểu dương mạnh mẽ hơn để truyền thống đó luôn được bồi đắp, ngày càng trở thành sức mạnh văn hóa của dân tộc hôm nay và mãi mãi về sau.

Nhân mùa Báo hiếu Vu Lan 2023, SEAFIT xin trân trọng giới thiệu và gửi tới bạn đọc bài thơ: NỢ MẸ của tác giả Nguyễn Hải Nam. Ông nguyên là Kỹ sư ngành hàng hải và hiện đang nghỉ hưu tại Thành phố Hồ Chí Minh. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

NỢ MẸ

“Mẹ ơi !

Nợ Mẹ nợ cả một đời
Nợ công sinh dưỡng , nợ lời yêu thương
Nợ lời ru suốt đêm trường
Cho con giấc ngủ canh trường ầu ơ

Mười ngày chín tháng Mẹ chờ
Đẻ đau mang nặng vật vờ ốm o
Thương Mẹ bữa đói bữa no
Bụng mang dạ chửa thân cò kiếm ăn

Vất vả mưa nắng nhọc nhằn
Mình mẹ chịu đựng khó khăn chất chồng
Buốt lòng Mẹ rét ngày đông
Cặm cụi lam lũ ngoài đồng sớm hôm

Mồ hôi nhễ nhãi chiều nồm
Mẹ cò lặn lội tép tôm mang về
Chiếu manh áo vá nón mê
Quanh năm suốt tháng chẳng hề kêu ca

Nuôi đàn con nhỏ thay Cha
Yên lòng Cha nhé Cha ra chiến trường
Chiến đấu bảo vệ quê hương
Quê nhà chung thủy yêu thương Mẹ chờ

Nuôi dạy cả đàn con thơ
Lòng Mẹ rộng mở vô bờ Mẹ ơi
Công lao sinh dưỡng biển trời
Chúng con xin nguyện suốt đời khắc ghi

Nhưng chưa báo đáp được gì
Bỏ con cháu lại Mẹ đi xa rồi
Vu Lan lòng lại bồi hồi
Thương Cha nhớ Mẹ đứng ngồi nhớ thương

Cầu xin chư Phật mười phương
Chở che Cha Mẹ tựa nương bên người
Vu Lan 2023″
N.N

 

Nguồn gốc ra đời của lễ Vu Lan báo hiếu

Dẫn Theo Nguồn: https://seafit.org.vn/seafit-mua-bao-hieu-vu-lan-cung-suy-ngam/

Trả lời