Tăng dự phòng ngân sách đáp ứng yêu cầu cấp bách, “không phải để khu trú, lãng phí”

Tại dự thảo Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi), Chính phủ đề xuất điều chỉnh tăng mức bố trí dự phòng từ 2% đến 5% thay vì mức từ 2% đến 4% hiện hành. Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, việc tăng dự phòng ngân sách nhằm thực hiện các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách, “không phải để khu trú, lãng phí”.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.

Dự phòng ngân sách cho các nhiệm vụ cấp bách

Tại phiên thảo luận về dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) sáng 26/5, một số đại biểu Quốc hội quan tâm đến quy định nâng dự phòng ngân sách trung ương từ 4% lên 5%. Đại biểu Phạm Văn Hoà – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp băn khoăn, tăng dự phòng ngân sách nhưng nếu không được chi hết có thể gây ra lãng phí. 

Làm rõ vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, việc nâng từ 4% lên 5% không có nghĩa là phải trích đầy đủ 4% hay 5%, “chúng ta dự phòng thêm 1% để khi có nhu cầu đột xuất có thể bố trí vào nguồn này để thực hiện phân bổ”.

Theo Bộ trưởng, trong những năm gần đây, nguồn dự phòng ngân sách đều được chi hết, “không có lãng phí, không có để lại” và được sử dụng có hiệu quả. Thực tế thời gian qua đã phát sinh nhiều nội dung chi cấp bách, điển hình vừa qua, Bộ Chính trị chỉ đạo tăng thêm 1% chi cho phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, tương đương khoảng 25.000 tỷ đồng. Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ tìm nguồn để bố trí đủ số kinh phí này, trong đó có từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương. 

Nhấn mạnh việc dự phòng ngân sách phục vụ cho những trường hợp đột xuất, Bộ trưởng cho biết, vừa qua có nhiều nhiệm vụ chi đột xuất và sắp tới sẽ tiếp tục có những trường hợp đột xuất, do đó, không thể không nâng mức dự phòng. Chính phủ đề nghị nâng thêm 1% để đáp ứng yêu cầu như vậy, “không phải để khu trú, lãng phí”.

Tăng trần nợ vay nhưng phải đảm bảo hiệu quả

Thảo luận về vấn đề tăng trần nợ vay cho các địa phương, nhiều đại biểu ủng hộ nhưng cũng có đại biểu băn khoăn. Làm rõ nội dung này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho hay, khi tính toán tăng trần nợ công cho các địa phương, Bộ Tài chính đã nghiên cứu rất kỹ.

Hiện nay, trần nợ công Quốc hội cho phép là 60%, thực tế đến hết năm 2024 mới sử dụng khoảng 34,7% GDP. Việc điều chỉnh mức dư nợ của ngân sách địa phương đã được đánh giá kỹ lưỡng trên cơ sở tương quan với các chỉ tiêu an toàn nợ công đã được Quốc hội quyết định trong giai đoạn 2021-2025. Giai đoạn 2026-2030, dự kiến đề xuất bội chi ngân sách nhà nước sẽ ở mức 5% và ngân sách địa phương sẽ ở mức 0,7%.

Đồng tình với đại biểu Quốc hội về đảm bảo chất lượng sử dụng khoản vay, Bộ trưởng khẳng định, nâng trần nợ công nhưng phải kiểm soát được hai vấn đề lớn: Kiểm soát nợ công, bội chi trong giới hạn cho phép của Quốc hội và chất lượng vay, chất lượng các dự án sử dụng vốn vay, tránh trường hợp sử dụng không có hiệu quả, dẫn đến gánh nặng cho ngân sách.

“Cũng giống như khoản vay của ngân hàng, khoản vay của ODA, vay nước ngoài của Trung ương, Trung ương phát hành trái phiếu hay những khoản vay của địa phương cũng phải tính toán đến hiệu quả về kinh tế – xã hội và phải đảm bảo hiệu quả về tài chính”, Bộ trưởng nêu. Bộ Tài chính sẽ tiếp thu ý kiến đại biểu để quy định trong nghị định hướng dẫn nhằm đảm bảo được mục tiêu này.

Liên quan đến nội dung thưởng vượt thu được đại biểu đề cập, Bộ trưởng thông tin, căn cứ vào nghị quyết của Bộ Chính trị, Trung ương, phần vượt thu thưởng không quá 10% cho địa phương. Tuy nhiên, không thưởng vượt thu thuế xuất nhập khẩu do chủ yếu tập trung tại các địa phương có cảng biển, khu kinh tế, khu chế xuất nhưng hàng hóa không sản xuất ở địa phương này và có thể dẫn tới việc cạnh tranh không lành mạnh trong thu hút đầu tư, tạo sự chênh lệch về ngân sách các địa phương.

Bộ trưởng khẳng định, Bộ Tài chính sẽ tiếp thu tối đa ý kiến các đại biểu, tiếp tục nghiên cứu và phối hợp với Ủy ban Kinh tế Tài chính của Quốc hội hoàn thiện dự thảo Luật đảm bảo chất lượng tốt nhất để trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp lần này.

Theo: Trần Huyền

Dẫn theo nguồn: https://tapchitaichinh.vn/tang-du-phong-ngan-sach-dap-ung-yeu-cau-cap-bach-khong-phai-de-khu-tru-lang-phi.html

Trả lời