Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ phát triển cũng như bổ sung các quy định về ưu đãi, miễn, giảm thuế nhằm thực hiện các chủ trương của Đảng, Nhà nước.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn trình bày tờ trình tóm tắt dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi).
Áp dụng phương pháp tính thuế đơn giản
Tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 37, sáng 23/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi).
Trình bày Tờ trình tóm tắt dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết, dự thảo Luật đã bám sát theo các nhóm chính sách tại hồ sơ lập đề nghị xây dựng dự án Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) đã được Quốc hội đồng ý bao gồm: Hoàn thiện quy định liên quan đến người nộp thuế và thu nhập chịu thuế; các khoản thu nhập được miễn thuế; xác định thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp và phương pháp tính thuế; các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế; điều chỉnh thuế suất đối với một số nhóm đối tượng.
Về thu nhập chịu thuế, Dự thảo bổ sung quy định về thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam của doanh nghiệp nước ngoài có cơ sở thường trú tại Việt Nam và của doanh nghiệp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam là thu nhập có nguồn gốc từ Việt Nam, không phụ thuộc vào địa điểm kinh doanh và chi tiết cụ thể các nguồn thu nhập của nhóm đối tượng này để đảm bảo tính minh bạch, cơ sở pháp lý cho việc thực hiện.
Dự thảo cũng sửa đổi quy định về việc nộp thuế đối với khoản thu nhập của doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ở nước ngoài theo hướng doanh nghiệp thực hiện nộp thuế ngay trong kỳ tính thuế phát sinh khoản thu nhập này thay cho việc nộp thuế tại thời điểm chuyển khoản thu nhập về Việt Nam. Đồng thời, luật hóa quy định về áp dụng Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, về xác định số thuế đã nộp ở nước ngoài được trừ và mức thuế suất áp dụng đối với khoản thu nhập này đã được hướng dẫn tại các văn bản dưới Luật.
Về kỳ tính thuế, Thứ trưởng cho hay, dự thảo Luật bổ sung quy định đối với doanh nghiệp nước ngoài có thu nhập từ hoạt động cung cấp hàng hóa, dịch vụ theo các hình thức kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng công nghệ số, không phụ thuộc vào địa điểm tiến hành kinh doanh thì kỳ tính thuế thực hiện theo pháp luật về quản lý thuế.
Về xác định thu nhập tính thuế, sửa đổi, bổ sung quy định về thu nhập tính thuế để cho phép doanh nghiệp được bù trừ lãi từ chuyển nhượng bất động sản, chuyển nhượng dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền tham gia dự án đầu tư với lỗ từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, trừ hoạt động sản xuất, kinh doanh đang được hưởng ưu đãi thuế.
Về phương pháp tính thuế, dự thảo Luật bổ sung quy định áp dụng phương pháp tính thuế đơn giản theo tỷ lệ % trên doanh thu đối với doanh nghiệp có tổng doanh thu năm không quá 03 tỷ đồng trong trường hợp xác định được doanh thu nhưng không xác định được chi phí, thu nhập. Qua đó, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ, khuyến khích cá nhân kinh doanh, hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp, góp phần thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế tư nhân và quy định mức thu cụ thể.
Cùng với đó, Dự thảo cũng bổ sung quy định về mức thuế suất đối với doanh nghiệp thuộc nhóm doanh nghiệp có quy mô nhỏ và tiêu chí áp dụng để thúc đẩy sự phát triển của các loại hình doanh nghiệp này. Cụ thể, Dự thảo quy định mức thuế suất là 20%, riêng với doanh nghiệp có tổng doanh thu năm không quá 03 tỷ đồng thì được áp dụng mức thuế suất 15%; doanh nghiệp có tổng doanh thu năm từ trên 03 tỷ đồng đến không quá 50 tỷ đồng thì được áp dụng mức thuế suất 17%.
Bổ sung nhiều quy định về ưu đãi thuế
Liên quan đến chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế, dự thảo Luật sửa đổi quy định không phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ mua từng lần có giá trị dưới 20 triệu đồng của Luật hiện hành thành giao Chính phủ quy định một số trường hợp đặc thù không phải đáp ứng điều kiện về chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt. Đồng thời, giao Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể về hồ sơ, thủ tục đối với các trường hợp đặc thù này để đảm bảo tính linh hoạt, phù hợp với yêu cầu quản lý trong từng giai đoạn.
Dự thảo Luật cũng sửa đổi, bổ sung các quy định về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp. Trong đó, dự thảo Luật bổ sung quy định đối với trường hợp khoản thu nhập của doanh nghiệp đáp ứng nhiều điều kiện ưu đãi thuế khác nhau thì doanh nghiệp được lựa chọn áp dụng theo điều kiện có lợi nhất và thực hiện ổn định trong toàn bộ thời gian hưởng ưu đãi. Đồng thời, bổ sung quy định về việc kế thừa các nghĩa vụ, quyền lợi liên quan đến ưu đãi thuế trong trường hợp doanh nghiệp sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, chuyển đổi chủ sở hữu, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp.
Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định trường hợp doanh nghiệp có dự án đầu tư mà không thuộc diện được hưởng ưu đãi theo quy định của các văn bản quy phạm pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp trước thời điểm Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) có hiệu lực nhưng thuộc diện hưởng ưu đãi theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) thì được áp dụng ưu đãi theo quy định của Luật này cho thời gian còn lại kể từ kỳ tính thuế năm 2026 (thời điểm dự kiến có hiệu lực của Luật).
Liên quan đến miễn, giảm thuế, dự thảo Luật bổ sung các quy định về điều kiện để được giảm thuế, mức giảm thuế đối với doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ, lao động là người dân tộc thiểu số trên cơ sở luật hóa quy định đang thực hiện ổn định tại các văn bản dưới Luật. Đồng thời, bổ sung quy định về việc giảm 50% số thuế phải nộp đối với thu nhập của đơn vị sự nghiệp công lập từ hoạt động cung cấp dịch vụ sự nghiệp công tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn để thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển khu vực sự nghiệp công.
Ngoài ra, Dự thảo cũng bổ sung quy định về việc áp dụng miễn thuế 02 năm đối với doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh để thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Đồng thời, quy định cụ thể về điều kiện để được miễn thuế, mức thuế suất áp dụng sau thời gian được hưởng ưu đãi để đảm bảo việc miễn thuế được thực hiện chặt chẽ, đúng đối tượng.
Dự thảo còn bổ sung thêm một số khoản thu nhập được miễn thuế gồm: Thu nhập từ chuyển nhượng tín chỉ các-bon lần đầu sau khi phát hành, thu nhập từ tiền lãi và từ chuyển nhượng trái phiếu xanh lần đầu sau khi phát hành; Khoản hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước và từ Quỹ hỗ trợ đầu tư do Chính phủ thành lập; khoản bồi thường của Nhà nước theo quy định của pháp luật; Khoản chênh lệch do đánh giá lại tài sản theo quy định của pháp luật để cổ phần hóa, sắp xếp lại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; Thu nhập của đơn vị sự nghiệp công lập từ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công; Thu nhập từ hoạt động có thu của Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh, Quỹ hỗ trợ đầu tư…
Sau khi nghe tờ trình của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Tài chính Ngân sách và ý kiến các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tán thành sự cần thiết sửa đổi Luật nhằm kịp thời khắc phục bất cập của Luật hiện hành. Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao các cơ quan đã chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng hồ sơ Luật.
Cho rằng đây là một luật rất khó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan tiếp thu các ý kiến tại phiên họp, tiếp tục hoàn thiện một cách toàn diện, kỹ lưỡng dự thảo Luật. Đặc biệt, cần đánh giá kỹ tác động, tập trung sửa đổi những nội dung còn vướng mắc. “Mục tiêu cuối cùng là đảm bảo nguồn thu ngân sách ổn định, nâng tỷ lệ động viên thu nội địa, khắc phục tình trạng chuyển giá; chống thất thu thuế; chống xói mòn cơ sở thuế; đảm bảo công bằng hệ thống thuế, phù hợp với xu hướng và thông lệ quốc tế”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Theo: Trần Huyền/Tapchitaichinh.vn
Dẫn theo nguồn: https://tapchitaichinh.vn/sua-doi-bo-sung-nhieu-quy-dinh-ve-uu-dai-thue-thu-nhap-doanh-nghiep.html?source=cat-57