Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, trong 3 năm 2021-2023, các chỉ tiêu cụ thể về thu, chi và cân đối ngân sách vẫn đang theo tiến độ kế hoạch; công tác huy động, trả nợ công, các chỉ tiêu an toàn nợ công, hạn mức vay và bảo lãnh Chính phủ, vay nợ chính quyền địa phương đều thực hiện đảm bảo mục tiêu, chỉ tiêu đề ra.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 – 2025.
Nhiều kết quả tích cực, đảm bảo kế hoạch đề ra
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã trình bày Báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025.
Về Kế hoạch tài chính quốc gia, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, trong các năm 2021-2023, thực hiện cơ cấu lại ngân sách nhà nước (NSNN) với kết quả tích cực. Tổng thu NSNN 03 năm ước đạt khoảng 5 triệu tỷ đồng, bằng 61% kế hoạch, tỷ lệ huy động thu vào NSNN bình quân 17,9%GDP. Tổng chi 3 năm khoảng 5,9 triệu tỷ đồng, bằng 57,5% kế hoạch.
Các nhiệm vụ chi NSNN được quản lý chặt chẽ, ưu tiên chi đầu tư phát triển, tiết kiệm chi thường xuyên; đảm bảo kinh phí phòng chống dịch, an ninh, quốc phòng, an sinh xã hội, nhiệm vụ chính trị quan trọng, bố trí vốn đầy đủ cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội và kịp thời điều chỉnh tăng lương cơ sở năm 2023.
Nhìn chung, các chỉ tiêu cụ thể về thu, chi và cân đối NSNN vẫn đang theo tiến độ kế hoạch tại Nghị quyết số 23/2021/QH15 của Quốc hội. Trong tổ chức thực hiện các năm 2024-2025, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các bộ, cơ quan liên quan để tiếp tục thực hiện, phấn đấu cao nhất các chỉ tiêu trên, cũng như một số chỉ tiêu khác như: Giảm tỷ lệ nợ đọng thuế trong tổng thu NSNN, giảm số lượng và giảm chi trực tiếp từ NSNN cho các đơn vị sự nghiệp công lập…
Về kế hoạch vay, trả nợ công, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc thông tin, 3 năm 2021-2023 triển khai Kế hoạch vay, trả nợ công 05 năm giai đoạn 2021-2025, công tác huy động, trả nợ công, các chỉ tiêu an toàn nợ công, hạn mức vay và bảo lãnh Chính phủ, vay nợ chính quyền địa phương đều thực hiện đảm bảo mục tiêu, chỉ tiêu đề ra trong Nghị quyết số 23/2021/QH15 của Quốc hội.
Trong đó, huy động vốn linh hoạt và đa dạng, đảm bảo trong tổng mức quyết định. Tổng mức vay của Chính phủ khoảng 1,317 triệu tỷ đồng, đạt 42,9% kế hoạch. Vay của Chính phủ chủ yếu huy động với kỳ hạn dài, lãi suất ưu đãi và tập trung vào vốn vay trong nước. Công tác trả nợ thực hiện theo đúng cam kết, trong phạm vi dự toán Quốc hội quyết định. Nợ công được kiểm soát trong giới hạn an toàn, đến cuối năm 2023, nợ công khoảng 4 triệu tỷ đồng, khoảng 39-40% GDP, giảm từ mức 42,7% GDP năm 2021.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, trong thời gian qua, công tác quản lý nợ công cũng phát sinh một số khó khăn, hạn chế như: Quy mô thị trường TPCP trong nước chưa phát triển; điều kiện vay ngày càng thắt chặt hơn trong khi áp lực huy động vốn vay cho đầu tư phát triển lớn; việc huy động nguồn vốn vay ODA; ưu đãi nước ngoài ngày càng khó khăn, giải ngân đạt thấp so với dự toán; công tác quản lý nợ của chính quyền địa phương cần được tiếp tục củng cố…
Cân đối ngân sách chủ động, bảo đảm an toàn nợ công
Báo cáo thẩm tra đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong công tác chỉ đạo, điều hành công tác quản lý vay, trả nợ công. Trong bối cảnh trong nước và thế giới có nhiều biến động khó lường ảnh hưởng lớn tới kinh tế trong nước, các chỉ tiêu Quốc hội đề ra tại Nghị quyết số 23/2021/QH15 đã được Chính phủ chủ động kiểm soát.
Công tác quản lý nợ công được điều hành chủ động, chặt chẽ, thận trọng. Chính phủ chủ động ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành theo thẩm quyền và tích cực các biện pháp kiểm soát an toàn nợ công và các hạn mức nợ. Công tác huy động vốn đáp ứng nhu cầu chi của NSNN. Trong bối cảnh thu ngân sách vượt kế hoạch, giải ngân đầu tư công chậm hơn dự kiến, Chính phủ đã chủ động điều chỉnh nhu cầu vay, đảm bảo huy động đủ nguồn lực cho NSNN.
Ủy ban Tài chính – Ngân sách cũng đánh giá, Chính phủ đã chú trọng việc đa dạng hóa nguồn vốn và phương thức vay trong nước và ngoài nước; phát hành TPCP tập trung vào kỳ hạn dài. Trong đó, vay trong nước dự kiến khoảng 547.085 tỷ đồng, trong đó chủ yếu phát hành TPCP. Kỳ hạn phát hành TPCP bình quân đạt mức 12,6 năm, cao hơn mục tiêu Quốc hội đề ra là từ 9-11 năm tại Nghị quyết số 23/2021/QH15 của Quốc hội. Kết hợp linh hoạt phát hành để đáp ứng nhu cầu huy động vốn và phát triển thị trường TPCP…
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, Báo cáo của Chính phủ đã đánh giá thẳng thắn về những vấn đề còn hạn chế trong công tác quản lý vay, trả nợ. Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cũng nhất trí với giải pháp Chính phủ đã nêu.
Theo đó, Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị Chính phủ tiếp tục theo dõi, đánh giá kỹ về một số vấn đề như: Vay để trả nợ gốc; tỷ lệ nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ/thu NSNN năm 2024; tình hình huy động vốn TPCP hằng năm; xây dựng kế hoạch huy động, sử dụng vốn vay tiết kiệm, hiệu quả và đề xuất giải pháp cân đối NSNN chủ động, bảo đảm an toàn nợ công…
Theo: Trần Huyền/Tapchitaichinh.vn
Dẫn theo nguồn: https://tapchitaichinh.vn/ke-hoach-tai-chinh-quoc-gia-vay-tra-no-cong-dam-bao-muc-tieu-de-ra.html