Chuyển đổi số quốc gia phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chuyển đổi số quốc gia phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, động lực, nguồn lực, mục tiêu của sự phát triển. Phải nói thật, làm thật, hiệu quả thật để người dân, doanh nghiệp hưởng thụ thật.

Người đứng đầu Chính phủ đánh giá, đến nay, chuyển đổi số đã "đến từng ngõ, gõ từng nhà, qua mỗi người".
Người đứng đầu Chính phủ đánh giá, đến nay, chuyển đổi số đã “đến từng ngõ, gõ từng nhà, qua mỗi người”.

Thực hiện “mục tiêu kép” trong chuyển đổi số

Sáng 12/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính – Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, chủ trì chương trình chào mừng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024.

Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu cho phát triển nhanh và bền vững. Đây là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, góp phần hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ấm no, hạnh phúc, không có ai bị bỏ lại phía sau, với tinh thần “không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên”, như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thủ tướng cho biết, Chính phủ xác định “mục tiêu kép”: vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số ở trình độ cao; vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam mạnh, có năng lực cạnh tranh toàn cầu. Thời gian qua, chuyển đổi số quốc gia, kinh tế số đạt được nhiều kết quả tích cực, có tác động, ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt kinh tế, xã hội, văn hóa của Đất nước và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Đặc biệt, chuyển đổi số phục vụ người dân, an sinh xã hội có bước phát triển mạnh mẽ, từng bước hình thành xã hội số, công dân số… Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, nhiệt liệt biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực, quyết tâm và kết quả đạt được của bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia.

Chính phủ quyết tâm chuyển đổi số sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả.
Chính phủ quyết tâm chuyển đổi số sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả.

“Thời gian tới, để chuyển đổi số thành công, chúng ta cần phải có những chiến lược trọng tâm, phù hợp để triển khai một cách thần tốc, hiệu quả, có tính bứt phá toàn diện hơn. Con người làm chuyển đổi số cần phải có một trái tim nóng, đầy nhiệt huyết, một bộ óc thông minh, sáng tạo và tư duy luôn đổi mới. Chuyển đổi số quốc gia phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, động lực, nguồn lực, mục tiêu của sự phát triển. Phải nói thật, làm thật, hiệu quả thật để người dân, doanh nghiệp hưởng thụ thật”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Đẩy mạnh 03 đột phá chiến lược số

Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ, chuyển đổi số cần hành động mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, tăng tốc, bứt phá hơn, bảo đảm thực chất và hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế số, chuyển đổi xanh, giảm phát thải gắn với phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh 03 đột phá chiến lược số, bao gồm:

Đột phá về thể chế số. Thủ tướng yêu cầu hoàn thiện hành lang pháp lý số cho mọi vấn đề liên quan đến kinh tế, giao dịch dân sự, sản xuất, kinh doanh… gắn với cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí tuân thủ; miễn giảm thuế, phí, lệ phí; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi và tăng cường kiểm tra, giám sát với tinh thần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”…

Đột phá về hạ tầng số. Thủ tướng yêu cầu sớm đưa 5G vào thương mại tại một số thành phố lớn. Nâng cấp và đẩy mạnh cung cấp dịch vụ viễn thông bằng vệ tinh. Thu hút nguồn lực đầu tư, nhất là đầu tư FDI để xây dựng các Trung tâm dữ liệu cho các ngành, lĩnh vực, vùng và khu vực. Khẩn trương xây dựng và đưa Trung tâm dữ liệu quốc gia số 1 đi vào hoạt động vào cuối năm 2025. Phát triển các trung tâm ứng phó sự cố, an ninh mạng, an toàn thông tin. Đẩy mạnh xây dựng và phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành để quản lý, điều hành trên cơ sở dữ liệu…

Đột phá về nguồn nhân lực số. Thủ tướng yêu cầu cần huy động cả nguồn lực Nhà nước và của xã hội, của người dân và doanh nghiệp, triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách, giải pháp, cần có ưu tiên để phát triển nguồn nhân lực số. Phấn đấu đưa toàn bộ các dịch vụ công lên các nền tảng số của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương để tạo thuận lợi, giảm chi phí tuân thủ, chi phí đi lại, giảm tham nhũng, tiêu cực, phiền hà, sách nhiễu cho người dân và doanh nghiệp.

Thủ tướng tin tưởng rằng, công cuộc chuyển đổi số quốc gia sẽ chuyển biến nhanh, bền vững và toàn diện, bao trùm, thực chất, hiệu quả, góp phần quan trọng cho thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, tạo đời sống ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân, xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của Đất nước.

Việt Nam có bước tiến mạnh mẽ trong xếp hạng về chuyển đổi số quốc tế: Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử năm 2024 tăng 15 bậc, xếp hạng 71/193; Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2024 tăng 02 bậc, xếp hạng 44/133; Chỉ số an toàn, an ninh mạng toàn cầu năm 2024 tăng 8 bậc, xếp hạng 17/194. Số hóa các ngành kinh tế đạt nhiều kết quả tích cực. Thương mại điện tử tiếp tục có bước phát triển nhanh, thuộc nhóm 10 nước có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới.

Theo: Gia Hân/Tạp chí Tài chính

Dẫn theo nguồn: https://tapchitaichinh.vn/chuyen-doi-so-quoc-gia-phai-lay-nguoi-dan-doanh-nghiep-lam-trung-tam.html

Trả lời