Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc luôn nhấn mạnh vai trò quan trọng của chuyển đổi số để tránh tụt hậu, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý. Theo đó, thời gian qua, Bộ Tài chính đã tiên phong ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa trong lĩnh vực quản lý hướng đến nền tài chính số tiên tiến, hiện đại.
Bộ Tài chính xác định đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến là ưu tiên hàng đầu trong quá trình xây dựng Chính phủ điện tử.
Xây dựng nền tài chính số hướng tới Chính phủ số
Trong nhiều năm qua, Bộ Tài chính đã tiên phong ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa trong lĩnh vực quản lý, giúp tăng cường hiệu quả, minh bạch trong quản lý tài chính – ngân sách, hướng đến nền tài chính số tiên tiến, hiện đại, phục vụ đắc lực cho phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.
Bộ Tài chính tiếp tục vận hành, đảm bảo hoạt động ổn định của Hệ thống kết nối chia sẻ Dữ liệu số ngành Tài chính, trục Liên thông văn bản điện tử ngành Tài chính. Bộ đã ban hành kế hoạch thuê Dịch vụ nền tảng chia sẻ, tích hợp dữ liệu dùng chung ngành Tài chính phục vụ Tài chính điện tử hướng tới Tài chính số.
Chương trình Quản lý văn bản và điều hành (eDocTC) phục vụ công tác điều hành, xử lý tác nghiệp văn bản điện tử trên môi trường mạng đã áp dụng chữ số điện tử tại tất cả các cấp từ ngày 01/01/2022. Chương trình được triển khai áp dụng cho tất cả cán bộ, công chức của đơn vị cho các đơn vị tại trụ sở cơ quan Bộ và đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ.
Đồng thời, Hệ thống hỏi đáp chính sách tài chính được tích hợp trên Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính, đặt tại chuyên mục Hỏi đáp chính sách tài chính. Người dân và doanh nghiệp khi gặp những vướng mắc trong thực hiện các chính sách thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính có thể truy cập chuyên mục Hỏi đáp chính sách tài chính đặt câu hỏi và gửi đến Bộ Tài chính để được giải đáp.
Để hỗ trợ tối đa cho người dân, doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã tích cực triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Bộ Tài chính xác định đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến là ưu tiên hàng đầu trong quá trình xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, để tạo điều kiện thuận lợi, tiết giảm chi phí hơn nữa cho người dân, doanh nghiệp nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội.
Đến nay, tổng số dịch vụ công trực tuyến của Bộ Tài chính thực tế triển khai là 793. Bộ Tài chính đã hoàn thành kết nối, tích hợp 296 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Dịch vụ công trực tuyến của Bộ Tài chính cung cấp ngày càng nhiều tiện ích, giúp giảm thời gian, chi phí, đem lại sự hài lòng cho các tổ chức và cá nhân, doanh nghiệp khi tham gia sử dụng dịch vụ. Vì vậy, các dịch vụ công trực tuyến của Bộ Tài chính luôn được người dân, tổ chức, doanh nghiệp, đánh giá cao.
Bước tiến trong hiện đại hóa lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc
Những bước tiến đột phá trong chuyển đổi số của ngành Tài chính không thể không nhắc đến hiện đại hóa lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc. Trong lĩnh vực thuế, ngành Thuế hiện đại hoá toàn diện công tác quản lý thuế, tích cực triển khai khai, nộp, hoàn thuế điện tử, đặc biệt là triển khai hóa đơn điện tử trên toàn quốc. Đến nay, số lượng hóa đơn điện tử cơ quan thuế đã tiếp nhận và xử lý là hơn 2.015 triệu hóa đơn.
Cùng với đó, ngành Thuế đã triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử eTax Mobile; triển khai Cổng thông tin điện tử cho nhà cung cấp nước ngoài. Đến nay, đã có 39 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, kê khai thuế thành công. Ngày 15/12/2022, Tổng cục Thuế cũng đã khai trương Cổng thông tin kết nối sàn thương mại điện tử nhằm giúp giảm thủ tục hành chính về thuế, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp.
Đây là những bước tiến mang tính đột phá góp phần chuyển đổi cách thức phục vụ người dân, doanh nghiệp cũng như thay đổi phương thức quản lý của cơ quan thuế theo hướng tự động mang lại nhiều lợi ích cho xã hội, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng, thúc đẩy chuyển đổi số trong các doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là cơ quan thuế.
Trong lĩnh vực hải quan, cơ quan hải quan đã phối hợp với các Bộ, ngành để hoàn thành triển khai các thủ tục hành chính trên Cơ chế một cửa quốc gia trong năm 2022. Đến nay, Cơ chế một cửa quốc gia đã có 250 thủ tục hành chính của 13 Bộ, ngành kết nối với hơn 55 nghìn doanh nghiệp tham gia.
Ngành Hải quan tiếp tục quản lý, giám sát và đảm bảo vận hành Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS và các hệ thống công nghệ thông tin tập trung ổn định 24/7, đảm bảo an ninh, an toàn, đường truyền thông suốt phục vụ đắc lực cho việc thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu. Đồng thời, đã xây dựng và triển khai thành công Hệ thống quản lý hải quan tự động tại cảng, kho, bãi (VASSCM) tại 33/35 Cục Hải quan tỉnh, thành phố.
Bộ Tài chính đã phát triển và triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin tạo nhiều thuận lợi cho các hoạt động xuất nhập khẩu, tạo thuận lợi thương mại, thúc đẩy thông quan nhanh, hướng tới xây dựng mô hình hải quan thông minh. Qua đó, đã giúp giảm thiểu giấy tờ, rút ngắn thời gian, giảm chi phí thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, thay đổi căn bản phương thức quản lý kiểm tra chuyên ngành, tiến tới hội nhập quốc tế và phát triển các dịch vụ hải quan số mạnh mẽ.
Trong lĩnh vực kho bạc, Bộ Tài chính đã tích cực hiện đại hóa trong công tác quản lý thu, chi ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước theo hướng đơn giản, công khai, minh bạch về quy trình, thủ tục hành chính; hiện đại về công nghệ; đảm bảo quản lý chặt chẽ ngân sách nhà nước hướng đến mục tiêu xây dựng Kho bạc điện tử, tiến tới Kho bạc số.
Đến nay, 100% thủ tục hành chính toàn trình được tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia; số lượng giao dịch hồ sơ chứng từ chi ngân sách nhà nước phát sinh đạt 99% lượng chứng từ chi của toàn quốc trên TABMIS; đã thực hiện khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của hệ thống Kho bạc Nhà nước, kết quả đạt 94,5%.
Kho bạc Nhà nước phấn đấu đến cuối năm 2025, không còn giao dịch chi bằng tiền mặt và giảm đến mức tối thiểu các giao dịch thu bằng tiền mặt tại Kho bạc Nhà nước. Thực hiện nghiên cứu triển khai Hệ thống phần mềm dịch vụ nhận diện khuôn mặt và tích hợp với một số phần mềm phục vụ kiểm soát chi ngân sách nhà nước; nâng cấp để tích hợp Chương trình thanh toán song phương điện tử với các ngân hàng thương mại và Chương trình giao diện thanh toán liên ngân hàng thành Hệ thống thanh toán điện tử với ngân hàng theo mô hình tập trung.
Những kết quả tích cực trong chuyển đổi số của ngành Tài chính đã được người dân, doanh nghiệp, tổ chức đánh giá cao. Theo Báo cáo kết quả đánh giá mức độ chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh năm 2021 (DTI 2021) được Bộ Thông tin và Truyền thông công bố ngày 08/8/2022, Bộ Tài chính tiếp tục xếp vị trí thứ nhất về mức độ chuyển đổi số năm 2021 khối các bộ cung cấp dịch vụ công… Đây là năm thứ hai liên tiếp Bộ Tài chính dẫn đầu về chuyển đổi số.
Với yêu cầu đặt ra là phấn đấu hình thành hệ sinh thái tài chính số toàn diện, hiện đại, phong phú trên mọi lĩnh vực, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định 1484/QĐ-BTC ngày 27/7/2022 về việc phê duyệt Kế hoạch Chuyển đổi số của Bộ Tài chính đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đặc biệt, Bộ Tài chính đã lấy Ngày 10/10 hằng năm là Ngày chuyển đổi số của Bộ Tài chính nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số của Bộ Tài chính.
Trần Huyền (Theo tapchitaichinh.vn)
Dẫn nguồn theo: https://tapchitaichinh.vn/nhung-buoc-tien-dot-pha-trong-chuyen-doi-so-nganh-tai-chinh.html