Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai yêu cầu ngành Thuế tiếp tục nghiên cứu những giải pháp thuộc thẩm quyền tháo gỡ vướng mắc khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Trong đó lưu ý, cần đẩy mạnh tuyên truyền những quyền lợi của người dân, doanh nghiệp được hưởng trong các gói hỗ về thuế, phí,
Phát biểu tại Hội nghị Sơ kết công tác Thuế 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ, giải pháp công tác thuế 6 tháng cuối năm, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai nhận định, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên toàn cầu và ở Việt Nam, dự báo tình hình kinh tế Việt Nam trong những tháng cuối năm 2021 sẽ gặp rất nhiều khó khăn, cùng với các chính sách giãn, giảm thuế hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, công tác thu ngân sách các tháng cuối năm 2021 sẽ gặp nhiều thách thức, khó khăn và phải xác định là khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi.
Mặt khác, tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương ngày 02/7/2021, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tiếp tục kiên định mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2021 đã được Quốc hội và Chính phủ giao. Tức là ngành Thuế cũng phải kiên định, đảm bảo mục tiêu thu ngân sách theo số dự toán đã được Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính giao. Điều này, đòi hỏi toàn ngành Thuế phải đặt quyết tâm cao, thực hiện quyết liệt, hiệu quả, đồng bộ nhiều giải pháp quản lý thuế để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách được giao năm 2021.
Theo đó, Thứ trưởng yêu cầu toàn ngành Thuế phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán thu NSNN năm 2021 được giao. Cơ quan thuế các cấp phải theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách, đánh giá, phân tích các yếu tố tác động đến số thu, tiến độ thu tại từng địa bàn, từng khu vực, từng sắc thuế. Qua đó, xác định các nguồn thu còn tiềm năng, các lĩnh vực, loại thuế còn thất thu, kịp thời có các giải pháp quản lý hiệu quả; kiến nghị với UBND các cấp chỉ đạo các ngành, các cấp ở địa phương cùng phối hợp với cơ quan thuế để tăng cường quản lý thu, đẩy mạnh các biện pháp chống thất thu ngân sách.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp, Thứ trưởng yêu cầu ngành Thuế tiếp tục nghiên cứu những giải pháp thuộc thẩm quyền tháo gỡ vướng mắc khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Trong đó lưu ý, cần đẩy mạnh tuyên truyền những quyền lợi của người dân, doanh nghiệp được hưởng trong các gói hỗ về thuế, phí để người dân nắm bắt và thực hiện quyền lợi của mình đúng quy định của pháp luật. Tổng cục Thuế cũng cần phối hợp chặt chẽ với Vụ Chính sách thuế để đề xuất các giải pháp về các sắc thuế cụ thể, các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp về tăng cường quản lý, chống thất thu thuế, đẩy mạnh chống chuyển giá, trốn thuế. Rà soát các nguồn thu còn dư địa, còn tiềm năng để khai thác tăng thu; thực hiện thanh tra, kiểm tra những doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro cao, có dư địa khai thác số thu lớn như đất đai, tài nguyên, khoáng sản, các dự án hết thời gian ưu đãi thuế,… Đẩy mạnh công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh qua mạng, dịch vụ viễn thông, internet…
Tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế, đa dạng hóa các phương thức, hình thức tuyên truyền, đẩy mạnh công tác hỗ trợ người nộp thuế bằng phương thức điện tử, nhằm phục vụ tốt nhất, nhiều nhất các đối tượng NNT.
Hoàn thành việc thực hiện công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật trong lĩnh vực thuế theo chương trình xây dựng văn bản pháp luật năm 2021. Đặc biệt, cần sớm tổng kết, đánh giá các Luật, nhất là các Luật trong chương trình xây dựng pháp luật giai đoạn 2021-2025 để trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung kịp thời.
Quyết liệt triển khai đề án hóa đơn điện tử đáp ứng các quy định tại Nghị định 123/2020 của Chính phủ, đúng tiến độ, đảm bảo thực hiện trên phạm vi toàn quốc từ 01/7/2022 thông suốt. Vấn đề này Ban cán sự Đảng đã họp và cho ý kiến chỉ đạo, Tổng cục Thuế phải khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Vũ Thị Mai, Tổng cục trưởng Cao Anh Tuấn khẳng định, ngay sau hội nghị này, Tổng cục Thuế sẽ cụ thể hoá thành các nhiệm vụ, giải pháp công tác để triển khai thực hiện thống nhất, đồng bộ trong toàn hệ thống thuế, trong đó tập trung các giải pháp để hoàn thành các nhiệm vụ. Cụ thể:
Một là, toàn ngành Thuế quyết liệt triển khai các giải pháp quản lý thu, phấn đầu hoàn thành vượt mức dự toán Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính giao năm 2021;
Hai là, tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp chống thất thu thuế, đẩy mạnh chống chuyển giá, trốn thuế; đẩy mạnh công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, kinh doanh thương mại điện tử;
Ba là, tập trung xử lý hiệu quả công tác thu hồi nợ thuế và xử lý nợ thuế theo Nghị quyết số 94 của Quốc hội, phấn đấu giảm tỷ lệ nợ đọng xuống dưới 5% tổng thu ngân sách do cơ quan thuế quản lý;
Bốn là, hoàn thành công tác xây dựng thể chế, chính sách pháp luật trong lĩnh vực thuế theo chương trình xây dựng văn bản pháp luật năm 2021; Trình Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2021-2030.
Năm là, tập trung chuẩn bị hạ tầng hóa đơn điện tử đáp ứng các quy định tại Nghị định số 123/2020 của Chính phủ, đúng tiến độ, đảm bảo thực hiện trên phạm vi toàn quốc từ 01/7/2022.
Sáu là, hoàn thành và trình Bộ Tài chính ban hành Quyết định về chức năng, nhiệm vụ của 3 đơn vị mới được nâng cấp thành cấp Cục; Tiếp tục rà soát để tham mưu với Bộ Tài chính sắp xếp lại tổ chức bộ máy đối với các Chi cục Thuế đáp ứng được tiêu chuẩn, điều kiện để nâng cấp các Đội thành Phòng thuộc Chi cục theo Quyết định số 812/QĐ-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính.