Đó là yêu cầu của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng tại Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ quý I và tiếp tục triển khai nhiệm vụ trọng tâm công tác quản lý thuế năm 2019 được Tổng cục Thuế tổ chức chiều ngày 18/4.
Dự Hội nghị có Thứ trưởng Trần Xuân Hà; Lãnh đạo Tổng cục Thuế, đại diện Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế cùng đại diện Lãnh đạo Cục thuế 63 tỉnh thành trong cả nước.
Thu ngân sách quý I/2019 tăng trên 15%
Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, trong quý I/2019, tổng thu NSNN do cơ quan Thuế quản lý đạt 305.610 tỷ đồng, bằng 26,2% so với dự toán pháp lệnh, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó: Thu từ dầu thô đạt 13.591 tỷ đồng, bằng 30,5% so với dự toán, bằng 94,8% so với cùng kỳ. Thu nội địa đạt 292.019 tỷ đồng, bằng 26% so với dự toán pháp lệnh, tăng 16,3% so với cùng kỳ.
Như vậy, kết quả thu nội địa 3 tháng đầu năm đạt khá cả về tiến độ và tốc độ so với một số năm gần đây. Nhiều khoản thu lớn đạt khá như: thu từ sản xuất kinh doanh đạt 25,2% dự toán, tăng 16,7% so với cùng kỳ (trong đó: Khu vực CTN-NQD đạt 26,4% dự toán, tăng 15,2% so với cùng kỳ, Khu vực DN có vốn ĐTNN đạt 24,8%, tăng 13,6%); Thuế TNCN đạt 30%, tăng 18,4%; Lệ phí trước bạ đạt 26,8%, tăng 23,3%; thu từ xổ số đạt 45,5%, tăng 16,6%; Tiền SD đất đạt 29,1% dự toán;…
Có 45/63 địa phương có tiến độ thực hiện thu đạt trên 25% dự toán, trong đó một số địa phương đạt cao như: Sóc Trăng; An Giang ; Bến Tre; Bắc Ninh; Bình Định; Đồng Tháp; Bình Thuận; Cà Mau; Bạc Liêu; Ninh Thuận; Long An; Ninh Bình; Trà Vinh; Hải Dương; Bà Rịa – Vũng Tàu; Phú Yên; Kiên Giang; Tiền Giang; Vĩnh Long, Tây Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Bình Phước, Hà Nam, Quảng Ninh,…
Trong quý I, ngành Thuế cũng đẩy mạnh thực hiện Chính phủ điện tử, hiện đại hoá phương thức quản lý thu nộp NSNN, nâng cấp cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu đối với quản lý thu hiện đại ở tất cả các khâu trong quản lý thuế. Tính đến cuối tháng 3/2019, hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai rộng rãi tại 63/63 Cục Thuế và 100% số Chi cục Thuế trên cả nước với 703.392 doanh nghiệp (DN) tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử, đạt 99,99% số DN đang hoạt động.
Tổng cục Thuế cũng đã triển khai phối hợp với 50 ngân hàng thương mại trên cả nước để triển khai thực hiện hệ thống nộp thuế điện tử với số DN tham gia là 697.527 DN đạt 99,2% tổng số DN đang hoạt động. Hệ thống hoàn thuế điện tử được triển khai tại tất cả 63/63 Cục Thuế, đạt 96,2% số DN và 96,7% số hồ sơ hoàn thuế theo phương thức điện tử. Triển khai thí điểm hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đối với 254 DN đạt 263.991 hóa đơn điện tử. Hiện nay đang xây dựng Thông tư hướng dẫn thi hành Nghị định số 119/2018/NĐ-CP ngày 12/9/2018 hướng dẫn về hóa đơn điện tử.
Trên cơ sở kết quả nhiều mặt công tác của ngành Thuế trong quý I/2019, tại Hội nghị, các đại biểu tập trung báo cáo và chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn cũng như một số vướng mắc trong quá trình thực hiện sáp nhập các Chi cục thuế thành Chi Cục thuế khu vực tại một số địa phương như Lâm Đồng, Quảng Ngãi, Quảng Ninh hay Hải Dương.
Quang cảnh hội nghị
7 nhóm nhiệm vụ trong công tác thuế cần tiếp tục triển khai
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng bày tỏ sự vui mừng và chúc mừng những kết quả của ngành Thuế đã đạt được trong Quý I/2019. Theo Bộ trưởng, đây là nền tảng để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tài chính ngân sách 2019.
Điểm lại một số kết quả nổi bật của công tác thuế trong quý I/2019, Bộ trưởng cho rằng công tác cải cách tốt nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu đã đặt ra. Do đó, cần tiếp tục rà soát thực hiện hóa đơn điện tử, gắn với đó là công tác cải cách bộ máy, tinh giản biên chế, đặc biệt là trong cải cách hành chính, tạo thông thoáng cho người dân, DN giúp cho kinh tế phát triển và ngân sách có nguồn thu bền vững.
Với tinh thần “Quyết liệt hơn, chuyên tâm hơn, minh bạch hơn để kết quả tốt hơn”, Bộ trưởng đề nghị ngành Thuế tập trung triển khai thực hiện một số nội dung cho công tác thuế các quý còn lại của năm 2019 nhằm thực hiện được nhiệm vụ chính trị mà Chính phủ, Bộ Tài chính đã giao cho ngành Thuế.
Thứ nhất, tiếp tục hoàn chỉnh chương trình pháp luật theo chương trình Bộ Tài chính giao, trong đó đặc biệt chú ý đến 2 dự án quan trọng đó là Luật Quản lý thuế (dự kiến được Quốc hội thông qua tại kỳ họp tháng 5/2019); Đối với Nghị quyết về xử lý nợ đọng thuế không có khả năng thu hồi cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét cho ý kiến thông qua vào kỳ họp tháng 10/2019.
Rà soát lại công tác hiện đại hóa, cải cách hành chính, sự phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong giải quyết thủ tục hành chính. Trước khi có giải pháp căn cơ, đồng bộ, các địa phương cần chủ động thực hiện và Tổng cục Thuế cần có sự hậu thuẫn kịp thời.
Thứ hai, tiếp tục có sự phối hợp chặt chẽ, tăng cường báo cáo thường xuyên với các cấp ủy, chính quyền địa phương để hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN trên địa bàn. Thực tế cho thấy những địa phương nào có sự gắn kết chặt chẽ giữa cơ quan Thuế và chính quyền địa phương sẽ giúp công tác thu NSNN được thuận lợi hơn.
“Công tác quản lý thu không chỉ mình ngành Thuế làm được mà cần sự phối hợp chặt chẽ với cơ sở, chính quyền địa phương”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Thứ ba, đối với công tác đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế, Bộ Tài chính đã ban hành Chỉ thị 04, yêu cầu ngành Thuế tiếp tục thực hiện và triển khai ngay từ ngày đầu tháng đầu. Công tác thanh kiểm tra cũng cần được quyết liệt triển khai để tăng thu cho NSNN.
Thứ tư, đẩy mạnh kiểm tra giám sát kê khai của NNT, quản lý, giám sát chặt chẽ công tác hoàn thuế đảm bảo nhanh, tạo điều kiện cho DN, người dân thực hiện sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, triển khai nhanh nhưng cần thận trọng và có kế hoạch cụ thể kiểm tra đối với những DN có rủi ro cao về thuế và kiên quyết xử lý đối với những vụ việc sai phạm.
Thứ năm, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền bởi đây thực sự là một công đoạn quan trọng của công tác quản lý thuế. Chính sách thuế lớn, khối lượng công việc lớn. Do đó cần có chương trình tuyên truyền một cách căn cơ, cụ thể. “Làm cách nào cho người nộp thuế (NNT) hiểu được chính sách thuế để chủ động nộp đúng, nộp đủ”. Bộ trưởng cũng cho rằng, thời gian qua những đơn vị làm tốt công tác tuyên truyền như Cục Thuế Hà Nội, Cục Thuế TP.HCM, và những điển hình này cần được lan tỏa rộng đến các địa phương khác trong cả nước.
Thứ sáu, tiếp tục hoàn thiện đề án thu thuế điện tử đối với khu vực ngoài quốc doanh, nhất là các hộ kinh doanh. Triển khai đề án hóa đơn điện tử. Đề án kế toán thuế đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ để thúc đẩy DN phát triển… Xây dựng dữ liệu cơ sở quốc gia về NNT; Thực hiện giám sát thanh tra, kiểm tra theo phương thức điện tử… vẫn tiếp tục là những nội dung được chú trọng thực hiện trong thời gian tới.
Thứ bảy, công tác tổ chức cán bộ, luân phiên luân chuyển cán bộ, sắp xếp bộ máy, sáp nhập Chi cục thuế thành Chi cục Thuế khu vực cần tiếp tục được quyết liệt triển khai. Theo Bộ trưởng, chủ trương đã có, giải pháp đã có, có chăng chỉ là tư tưởng và tinh thần tiến công.
“Chúng ta đang đi đúng hướng nhưng đã đáp ứng được yêu cầu chưa thì chưa. Vì vậy, cần thống nhất quan điểm trên cần có chủ trương đúng, triển khai nghiêm và dưới phải thực hiện đồng bộ mới đạt hiệu quả cao”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.
Theo D.Bùi (T/h)/Tạp chí điện tử Tài chính