Phấn đấu dự toán thu nội địa từ hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2021 bình quân cả nước tăng tối thiểu 9 – 11% so với đánh giá ước thực hiện năm 2020.
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 71/2020/TT-BTC hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 3 năm 2021 – 2023.
Thông tư nêu rõ, dự toán thu NSNN năm 2021 phải bám sát dự báo khả năng phục hồi kinh tế và đón các dòng đầu tư mới; tính toán kỹ các yếu tố tăng, giảm và dịch chuyển nguồn thu do thay đổi cơ chế, chính sách và thay đổi bất thường do tác động của đại dịch Covid-19; thực hiện lộ trình cắt giảm thuế để thực hiện các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là các Hiệp định thương mại EVFTA; thực hiện các biện pháp cải cách hành chính, hiện đại hóa công tác quản lý, chống thất thu, chống chuyển giá, gian lận thương mại, trốn thuế, quản lý chặt chẽ giá tính thuế…
Phấn đấu dự toán thu nội địa từ hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2021 (đã dự kiến các tác động điều chỉnh chính sách thu theo các chủ trương hiện hành) bình quân cả nước tăng tối thiểu 9 – 11% so với đánh giá ước thực hiện năm 2020 (các địa phương dự báo kinh tế phục hồi và tăng nhanh năng lực sản xuất kinh doanh, dịch chuyển cơ cấu kinh tế tích cực sẽ phấn đấu tăng thu NSNN ở mức cao hơn).
Dự toán thu từ hoạt động xuất nhập khẩu tăng bình quân tối thiểu 4 – 6% so với đánh giá ước thực hiện năm 2020.
Thông tư đặt ra hàng loạt yêu cầu xây dựng dự toán thu nội địa như các địa phương xây dựng dự toán thu phải tổng hợp đầy đủ các nguồn thu thuộc phạm vi thu NSNN phát sinh trên địa bàn;
Dự toán thu NSNN năm 2021 phải được xây dựng trên cơ sở hệ thống dữ liệu đối tượng nộp thuế; đảm bảo tính đúng, đủ từng khoản thu, sắc thuế, lĩnh vực thu đối với từng địa bàn, chi tiết số thu từ các nhà máy mới đi vào hoạt động có số thu lớn theo các quy định hiện hành về thuế, phí, lệ phí và thu khác NSNN, các quy định điều chỉnh chính sách theo lộ trình tiếp tục ảnh hưởng tới số thu NSNN năm 2021 và các quy định dự kiến sẽ được sửa đổi, bổ sung, áp dụng trong năm 2021.
Việc xây dựng dự toán thu phải gắn với việc tăng cường quản lý thu, đôn đốc, cưỡng chế thu hồi nợ thuế, thanh tra, kiểm tra, chống chuyển giá, chống buôn lậu, gian lận thương mại, kiểm tra, giám sát hoàn thuế GTGT, chống thất thu đối với doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ và các nguồn thu từ đôn đốc thực hiện kiến nghị của cơ quan kiểm toán, Thanh tra Chính phủ.
Thông tư cũng quy định rõ, dự toán chi NSNN được xây dựng theo đúng quy định của pháp luật, bám sát các chủ trương, định hướng, mục tiêu của của Bộ Chính trị về cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công, các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, 7 Khóa XII về sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giảm biên chế, đầu mối khu vực sự nghiệp công lập, cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và các văn bản tổ chức triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, Thông tư cũng nêu rõ nguyên tắc lập kế hoạch tài chính, thu chi NSNN trong 3 năm. Theo đó, kế hoạch thu NSNN 3 năm 2021-2023 được lập trên cơ sở cập nhật kế hoạch 3 năm 2020 – 2022, dự toán thu NSNN năm 2021 đồng thời đánh giá toàn diện thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội trong giai đoạn 2016 – 2020, trong đó có tác động của thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là đại dịch Covid-19 trong năm 2020.
Phấn đấu tốc độ tăng thu nội địa từ hoạt động sản xuất kinh doanh bình quân chung cả nước năm 2021 tăng khoảng 9–11% so với đánh giá ước thực hiện năm 2020, các năm 2022 – 2023 tăng khoảng 10–11%/năm; tăng thu từ hoạt động xuất nhập khẩu khoảng 4-6%/năm trong giai đoạn 2021 – 2023. Mức tăng cụ thể của từng địa phương có thể cao hơn hoặc thấp hơn mức bình quân chung, tùy theo điều kiện, đặc điểm và phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn của từng địa phương.
Theo Thanh Phương/taichinhdoanhnghiep.net.vn
Dẫn theo nguồn: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/nam-2021-phan-dau-thu-noi-dia-tu-san-xuat-kinh-doanh-tang-toi-thieu-9-11-d14604.html