Mô hình và cơ chế xử lý tài chính khi chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập

 Việc chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) sang công ty cổ phần là một bước chuyển đổi lớn về cơ chế quản lí, tài chính đang từ hoạt động không vì mục đích lợi nhuận chuyển sang loại hình hoạt động vì mục đích lợi nhuận.

Chuyển đổi ĐVSNCL sang công ty cổ phần là một bước chuyển đổi lớn về cơ chế quản lí, tài chính. Nguồn: Internet.

Bước chuyển đổi về cơ chế quản lí, tài chính

Bộ Tài chính cho biết, tính đến cuối năm 2018, cả nước có hơn 50.000 ĐVSNCL, nắm giữ vốn tài sản nhà nước gần 1 triệu tỷ đồng (gần tương đương quy mô vốn và tài sản của khu vực doanh nghiệp nhà nước), tạo ra hơn 2,5 triệu việc làm.

Có thể nói, các ĐVSNCL giữ vai trò chủ đạo, then chốt trong cung ứng dịch vụ công và thực hiện chính sách an sinh xã hội. Tuy nhiên, hiện nay vấn đề  tổ chức và hoạt động của các ĐVSNCL vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. chẳng hạn, hệ thống tổ chức các đơn vị còn cồng kềnh, manh mún; Quản trị nội bộ yếu kém, chất lượng hiệu quả dịch vụ thấp; Chi tiêu ngân sách nhà nước cho các đơn vị này còn quá lớn; Thực hiện cơ chế tự chủ tài chính còn hình thức, việc xã hội hóa còn chậm…

Thực tế cho thấy, việc chuyển đổi ĐVSNCL sang công ty cổ phần là một bước chuyển đổi lớn về cơ chế quản lí, tài chính đang từ hoạt động không vì mục đích lợi nhuận chuyển sang loại hình hoạt động vì mục đích lợi nhuận. Đồng thời, cũng giúp ĐVSNCL thu hút thêm nguồn lực xã hội, nâng cao hiệu quả hoạt động, thu nhập trung bình của người lao động tăng gần 30%, song so với lộ trình, việc chuyển đổi đến nay còn lúng túng.

Chính vì vậy, nhằm phù hợp với quy định pháp lí và đặc thù khi chuyển sang mô hình doanh nghiệp, Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo nghị định chuyển ĐVSNCL thành công ty cổ phần, trong đó quy định về mô hình tài chính, cơ chế xử lí tài chính sau khi chuyển đổi sẽ có có sự thay đổi lớn.

Những thay đổi lớn

Vấn đề hạch toán kế toán và chuyển đổi báo cáo tài chính trong quá trình chuyển đổi từ mô hình ĐVSNCN sang doanh nghiệp, đây là vướng mắc được phản ánh qua khảo sát thực tế của các ĐVSNCL.

Theo ThS. Hà Thị Tường Vy – Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA), công tác kế toán có một sự thay đổi rất cơ bản, từ hạch toán thu – chi chuyển sang hạch toán kinh tế, xác định rõ các khoản chi phí, doanh thu. Nói cách khác, các ĐVSNCL “đang quen” với Chế độ kế toán hành chính sự nghiệp chuyển sang chế độ kế toán doanh nghiệp phải tuân thủ theo các quy định của hệ thống Chuẩn mực kế toán, Chế độ kế toán phân định rạch ròi về tài sản, vốn chủ sở hữu, nợ phải trả; Xác định rõ thời điểm ghi nhận doanh thu – chi phí, xác định kết quả hoạt động, phân chia kết quả.

Những nội dung mà kế toán cần lưu ý và xử lý đó là: Kết quả kiểm kê tài sản, xử lí tài sản thừa thiếu trong kiểm kê, nhượng bán, chuyển giao các tài sản không cần dùng, các tài sản thuộc công trình phúc lợi; Xử lí các khoản nợ phải thu, phải trả (nếu có); Kế toán xử lí số dư các quỹ: Quỹ khen thưởng, phúc lợi; Quỹ dự phòng ổn định thu nhập; Quỹ bổ sung thu nhập; Quỹ phát triển hoạt động thu nhập; Kế toán chênh lệch đánh giá lại giá trị tài sản khi xác định giá trị ĐVSNCL… Kế toán khi bàn giao cho công ty cổ phần cần mở sổ kế toán mới và ghi nhận các khoản tài sản, nợ phải trả và vốn chủ sở hữu trên cơ sở biên bản, hồ sơ bàn giao, báo cáo tài chính đã được Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán.

Riêng đối với việc khấu hao/hao mòn tài sản cố định (TSCĐ), đơn vị căn cứ quy định tại Thông tư số 45/2018/ TT- BTC hướng dẫn quản lý, sử dụng và trích khấu hoa TSCĐ Theo đó, thời điểm trích khấu hao của các TSCĐ nói trên là thời điểm doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh chuyển thành công ty cổ phần”. Chiểu theo quy định này thì giá trị TSCĐ để tính trích khấu hao/ hao mòn trong giai đoạn này là giá trị sổ kế toán.

Đề xuất giải pháp xử lí số dư tiền mặt và tài sản hình thành từ nguồn Quỹ khi chuyển đổi ĐVSNCL thành công ty cổ phần, bà Nguyễn Thu Thúy – Vụ Tài chính Hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính) cho rằng, Dự thảo Nghị định quy định: Chi bù đắp các khoản đã chi vượt chế độ cho người lao động (nếu có); Chi cho người lao động theo chế độ quy định đối với ĐVSNCL; Phần còn lại chia cho người lao động theo số tháng công tác tại ĐVSNCL lập chuyển đổi.

Bà Nguyễn Thu Thúy cũng lưu ý, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu việc quy định “chi bù đắp các khoản đã chi vượt chế độ cho người lao động (nếu có)” dễ gây hiểu nhầm và cho phép chi những khoản đã chi không có trong chế độ, hay quy chế chi tiêu nội bộ, vượt quá mức chi chế độ quy định. Đây là quy định mới so với các quy định tại Nghị định số 43/2014/NĐ-CP và Nghị định số 16/2015/NĐ-CP.

Cụ thể, theo quy định tại Nghị định số 43/2014/NĐ-CP về chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai và Nghị định số 16/2015/NĐ-CP về cơ chế tự chủ của ĐVSNCL, các ĐVSNCL phải thực hiện đúng các quy định của Nhà nước về mức chi, tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô; Tiêu chuẩn, định mức về nhà làm việc; Tiêu chuẩn, định mức trang bị điện thoại công vụ tại nhà riêng và điện thoại di động; Chế độ công tác phí nước ngoài; Chế độ tiếp khách nước ngoài và hội thảo quốc tế ở Việt Nam.

Ngoài ra, bà Thúy cũng đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định đối với các công trình, dự án dở dang; Nghiên cứu quy định xác nhận vay nợ đối với các dự án vay nợ nước ngoài, dự án viện trợ không hoàn lại nhưng chưa kết thúc dự án…

Theo Việt Hoàng/ tapchitaichinh.vn

Nguồn: http://tapchitaichinh.vn/co-che-chinh-sach/mo-hinh-va-co-che-xu-ly-tai-chinh-khi-chuyen-doi-don-vi-su-nghiep-cong-lap-316534.html

 

Trả lời