“Hút” khách hàng vào kênh bán lẻ nội địa tạo khả năng cạnh tranh lớn

Tăng doanh số bán lẻ và tổ chức tốt phân phối hàng hóa hiện nay phụ thuộc rất lớn vào sự thay đổi của doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, dịch vụ.

                         Cần tổ chức những vùng sản xuất nông sản thực phẩm để cung ứng đều đặn, có chất lượng.

Ngành phân phối nội địa nói chung, thị trường bán lẻ nói riêng tại Việt Nam hiện nay đang có sự tham gia của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Chính vì vậy, sự cạnh tranh trong lĩnh vực này ngày càng mạnh mẽ và được dự báo sẽ diễn ra khốc liệt trong những năm tiếp theo.

Nắm bắt được xu hướng này, các nhà bán lẻ cùng các hệ thống phân phối trong nước đang tập trung xây dựng thương hiệu, tranh thủ bằng mọi cách tìm kiếm sự ủng hộ của khách hàng thân thiết, cạnh tranh về giá cả và chất lượng hàng hóa, nâng cao văn hóa phục vụ, cạnh tranh về thiết bị hiện đại cũng như bài trí bắt mắt để hấp dẫn người tiêu dùng (NTD).

Dữ liệu khách hàng là cách tiếp cận mới

Theo bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc khu vực miền Bắc, Công ty Nielsen Việt Nam, NTD ở các vùng, miền đều có quan điểm, tâm lý và sở thích tiêu dùng khác nhau, nên cần có các nghiên cứu chuyên sâu về khách hàng từ cách tiếp cận bằng kênh marketing để theo dõi hành vi, hành trình của họ trước khi ra quyết định đến các điểm phân phối hàng hóa.

“NTD luôn là khách hàng cuối cùng của hệ thống phân phối từ kênh bán lẻ cho tới các nhà sản xuất. Do đó, doanh nghiệp (DN) cần phải hiểu và biết họ quan tâm đến những gì, kể cả việc họ đến mua hàng ở nhiều kênh khác nhau vì nhiều lợi ích. Cần có sự theo dõi, bám sát nhu cầu và tâm lý để có khách hàng bền vững bằng các phần mềm quản lý, từ đó DN có thể chạy số liệu để phục vụ từng nhóm khách hàng tiềm năng”, bà Hà chỉ rõ.

Bà Lê Việt Nga.
Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng, dưới tác động của cuộc CMCN 4.0, phương thức phân phối hàng hóa cũng sẽ được cải thiện hơn rất nhiều theo hướng hiện đại và tối ưu hóa hơn về mặt thời gian cũng như chi phí.

“Cuộc CMCN 4.0 sẽ có tác động rất lớn đến cung, cầu cũng như các phương thức kinh doanh. Từ cuộc cách mạng này, Việt Nam sẽ có nguồn cung hàng hóa chất lượng hơn, có nguồn gốc xuất xứ minh bạch hơn, làm thay đổi cơ cấu mặt hàng cũng như cơ cấu thị trường hàng hóa. Các hệ thống phân phối cũng như người tiêu dùng được thu hút nhiều hơn đến hệ thống phân phối có sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu”, bà Nga nói.Trong đó, thương mại điện tử mới chỉ là một góc trong phân phối hàng hóa. Nhà phân phối và NTD ngày nay có thể tiếp cận hệ thống phân phối hàng hóa hiện đại của các hệ thống phân phối trong và ngoài nước đã được tối ưu hóa về hàng hóa ra – vào với chi phí thấp nhất.

Bài toán quy hoạch cần có lời giải

Có thể thấy, trong quá trình cạnh tranh ở lĩnh vực bán lẻ cũng như tổ chức phân phối hàng hóa, việc thay đổi tâm lý mua sắm của người tiêu dùng phụ thuộc rất lớn vào DN cung cấp sản phẩm dịch vụ, có nắm bắt và nhận biết hành vi mua sắm của người tiêu dùng, để từ đó rút ra được những bài học gì và làm khác đi trong quá trình sản xuất kinh doanh.

Bởi xu hướng của NTD luôn rất cần các sản phẩm thật và có chất lượng, mặc dù các sản phẩm trong nước đã phần nào tạo được sự tin tưởng, nhưng NTD Việt Nam vẫn đang có xu hướng sử dụng hàng nhập khẩu nhiều hơn.

“Neisel nhận thấy, những sản phẩm mang tính tự nhiên, có nguồn gốc tự nhiên mang lại sức khỏe cho NTD cũng chính là phương châm lựa chọn sản phẩm của họ. Trong quá trình lựa chọn này, NTD sẵn sàng trả tiền cao hơn so với bình thường trung bình khoảng 20% trở lên thì sản phẩm sẽ bán được nhiều hơn”, bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc khu vực miền Bắc, Công ty Nielsen Việt Nam lưu ý.

     Ông Vũ Vinh Phú.

Đặc biệt, cần tổ chức những vùng sản xuất hàng hóa, nhất là sản xuất nông sản thực phẩm để cung ứng cho NTD một cách đều đặn, có chất lượng và hiệu quả cho hệ thống phân phối cả nước. Khi làm tốt quy hoạch chính là giải quyết tốt bài toán thị trường đầu ra cho sản phẩm hàng hóa Việt Nam, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng sức tiêu thụ ở thị trường nội địa cũng như xuất khẩu.Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú thì cho rằng, muốn phát triển nhanh và bền vững hệ thống phân phối trong nước rất cần phải có quy hoạch phát triển mạng lưới và điều kiện hạ tầng.

“Những chính sách của nhà nước phục vụ cho phát triển hệ thống phân phối phải đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả và phân bổ các nguồn lực phát triển đúng lúc và đúng chỗ, đồng thời phải được sơ kết rút kinh nghiệm và kiểm tra giám sát thực thi đúng với pháp luật hiện hành. Việc giảm bớt trung gian vô lý, chi phí vô lý và công đẩy mạnh phát triển nghiệp chế biến hàng hóa sẽ từng bước giảm đi những đợt “giải cứu hàng hóa” như đã xảy ra thời gian vừa qua khi nguồn cung trong nước đã thật sự dồi dào”, ông Phú nêu rõ.

Cũng theo ông Phú, hiện nay Việt Nam đã hội nhập kinh tế với khu vực và thế giới, việc hỗ trợ hệ thống phân phối không vi phạm các cam kết trong các FTA nên bài toán này cần có những lời giải xác đáng nhất. Quá trình hỗ trợ xúc tiến thương mại, liên doanh liên kết, mở rộng thị trường và xây dựng thương hiệu bán lẻ cũng sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng Việt ngay ở thị trường nội địa, góp phần giải quyết đầu ra cho quá trình sản xuất cũng như tiêu dùng xã hội.

Nguồn : tapchitaichinh.vn

 

 

 

 

 

Trả lời