Trước sự tăng giá của giá xăng dầu và mong muốn hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, đã có những đề xuất về miễn giảm các loại thuế với xăng dầu nhằm giảm giá bán mặt hàng này. Tuy nhiên, TS. Đinh Trọng Thịnh – chuyên gia kinh tế cho rằng, đề xuất này cần phải được xem xét, nghiên cứu cẩn trọng, kỹ lưỡng.
Gây ra tình trạng buôn lậu, không công bằng cho người sử dụng
Từ đầu năm 2021 đến nay, giá dầu thô trên thị trường thế giới liên tục thay đổi khó lường, trong đó có những đợt tăng, giảm với biên độ khá lớn. Đây là nguyên nhân chính tác động làm tăng chi phí đầu vào, qua đó tác động tăng giá xăng dầu trong nước và gây áp lực lên công tác điều hành giá xăng dầu nói riêng, công tác điều hành giá nói chung.
Hiện nay, các sắc thuế áp dụng đối với mặt hàng xăng dầu gồm: thuế nhập khẩu (đối với xăng dầu nhập khẩu), thuế GTGT, thuế TTĐB (đối với xăng) và thuế BVMT (không thu phí, lệ phí đối với xăng dầu), đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như thực tiễn của Việt Nam.
So với nhiều nước trên thế giới, tỷ trọng thuế trong giá xăng dầu bán ra của Việt Nam hiện nay vẫn thấp hơn mức bình quân chung. Tỷ trọng thuế trong giá bán xăng dầu ở nhiều nước chủ yếu trong khoảng 45%-60% (ngoại trừ một số quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn thì có tỷ trọng thấp hơn), trong khi đó, đối với Việt Nam, tỷ trọng thuế đối với xăng khoảng 38% và đối với dầu khoảng 20%.
Theo chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Trọng Thịnh, việc hạ thấp thuế đối với xăng dầu sẽ tạo sự cách biệt về giá với các quốc gia chung biên giới và gây ra tình trạng buôn lậu, trốn thuế của các đầu nậu xăng dầu, gây thiệt hại cho nguồn thu của Chính phủ. Bên cạnh đó, giảm thuế đối với xăng dầu sẽ không khuyến khích các doanh nghiệp trong nền kinh tế sử dụng tiết kiệm năng lượng nói chung và xăng dầu nói riêng.
Đặc biệt, việc hạ thấp thuế đối với xăng dầu còn tạo sự không công bằng cho người sử dụng, khoét sâu hố ngăn cách giữa các tầng lớp dân cư trong xã hội. TS. Đinh Trọng Thịnh nhận định, chỉ những người có thu nhập cao mới có điều kiện sử dụng các phương tiện hiện đại, tiêu tốn nhiều xăng dầu, còn những người lao động bình dân và lao động tự do, bán vé số, “buôn thúng bán bưng” sử dụng rất ít nhiên liệu xăng dầu. Như vậy, càng giảm thuế xăng dầu nhiều, những người có thu nhập cao càng được hỗ trợ nhiều hơn, trong khi người có thu nhập thấp ít được hỗ trợ hơn.
Thuế đối với xăng dầu là chính sách dài hạn của Chính phủ để đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường, giảm khí thải, đảm bảo sử dụng hợp lý và tiết kiệm nguồn tài nguyên không thể tái tạo và điều tiết thu nhập trong nền kinh tế.
Giảm thuế xăng dầu sẽ làm giảm nguồn thu của ngân sách nhà nước, giảm các khả năng chi tiêu của Chính phủ cho các mục tiêu hồi phục và phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và hỗ trợ an sinh xã hội, giúp đỡ những nhóm lao động yếu thế trong xã hội. Do đó, TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, đề xuất giảm thuế xăng dầu cần thiết được nghiên cứu cẩn trọng.
Kiểm soát chặt chẽ, hạn chế trường hợp tăng giá đột biến
Trước áp lực tăng giá xăng dầu thế giới, đi đôi với việc đánh giá đảm bảo nguồn cung, kiểm soát thị trường và tăng cường công tác dự báo, công tác điều hành giá xăng dầu đã cố gắng bám sát diễn biến thị trường. Đồng thời, Liên Bộ Công Thương – Tài chính đã linh hoạt sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu để giảm tác động tăng giá mặt hàng xăng dầu trong nước.
Theo đó, giá xăng dầu trong nước đã có mức tăng thấp hơn mức tăng giá xăng dầu trên thị trường thế giới. Giá xăng dầu của Việt Nam hiện cũng thấp hơn so với mặt bằng chung của nhiều nước trong khu vực cũng như mức bình quân trên thế giới (28.062 đồng/lít).
Ông Nguyễn Anh Tuấn – Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, tác động của giá xăng dầu đã được tính toán và dự báo trong kịch bản điều hành giá từ đầu năm và tại các cuộc họp định kỳ của Ban Chỉ đạo điều hành giá của Thủ tướng Chính phủ.
Trên thực tế, việc tăng giá xăng dầu có thể điều tiết bằng một số giải pháp. Nghị định số 95/2021/NĐ-CP quy định, giá bán xăng dầu trong nước được thực hiện theo cơ chế thị trường và phù hợp với giá xăng dầu thế giới.
Hiện nay, Bộ Công Thương đang triển khai một số giải pháp là cần thiết, như: đảm bảo nguồn cung; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường kinh doanh xăng dầu; xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng hoặc tăng giá bán bất hợp lý.
Về điều hành giá, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục chủ động phối hợp với các bộ, ngành cũng như chủ động tham mưu cho Ban Chỉ đạo điều hành giá các phương án điều hành phù hợp, nhằm kiểm soát lạm phát theo đúng mục tiêu đề ra. Theo đó, tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới và làm tốt công tác dự báo; cân đối sử dụng công cụ tài chính là Quỹ Bình ổn giá một cách linh hoạt, hiệu quả để hạn chế trường hợp tăng đột biến về giá.
Công tác thông tin, tuyên truyền về điều hành giá xăng dầu cũng sẽ tiếp tục được đẩy mạnh để đảm bảo tính công khai, minh bạch; hạn chế những thông tin thất thiệt gây hoang mang cho người tiêu dùng gây bất ổn thị trường.
Dẫn nguồn theo: https://tapchitaichinh.vn/Chuyen-dong-tai-chinh/can-nghien-cuu-can-trong-neu-giam-thue-voi-xang-dau-345662.html