Đến nay, nhiều bộ, ngành, địa phương vẫn chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022. Theo thống kê của Bộ Tài chính, tổng số vốn chưa phân bổ chi tiết là 86.838,24 tỷ đồng, chiếm 16,76% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
20 bộ, cơ quan trung ương, 34 tỉnh, thành phố chưa phân bổ hết kế hoạch vốn
Theo Bộ Tài chính, trong số bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã gửi báo cáo phân bổ kế hoạch vốn năm 2022, có 20/51 bộ, cơ quan trung ương và 34/62 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao.
Theo đó, tổng số vốn đã phân bổ là 468.318,82 tỷ đồng, đạt 90,39% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ đã giao (518.105,90 tỷ đồng). Trong đó, các địa phương giao tăng so với số kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao là 37.051,16 tỷ đồng. Tổng số vốn chưa phân bổ chi tiết là 86.838,24 tỷ đồng, chiếm 16,76% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó: vốn trong nước là 84.267,23 tỷ đồng, vốn ngoài nước là 2.571 tỷ đồng.
Đối với nguồn vốn ngân sách trung ương, trong số các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã gửi báo cáo về Bộ Tài chính, có 20/51 Bộ và 24/62 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, một số Bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ vốn chưa phân bổ khá cao (trên 50%) như: Bộ Thông tin và Truyền Thông (79,21%), Thanh tra Chính phủ (84,92%), Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (84,38%)
Nguyên nhân là do các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa phân bổ chi tiết kế hoạch vốn dự kiến bố trí cho các dự án khởi công mới chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư hoặc chưa có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Đối với nguồn vốn cân đối ngân sách phương, có 36/62 địa phương giao kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương tăng so với Thủ tướng Chính phủ giao từ nguồn thu sử dụng đất, nguồn tăng thu, nguồn xổ số kiến thiết của địa phương.
Tuy nhiên, vẫn còn 15/62 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương. Nguyên nhân là do một số địa phương mới giao kế hoạch đợt 1, một số dự án chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư và nguồn bội chi sẽ được phân bổ sau.
Còn những tồn tại trong phân bổ kế hoạch vốn
Bộ Tài chính cho biết, qua quá trình thực hiện việc kiểm tra, rà soát việc phân bổ kế hoạch vốn của các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương, còn một số vấn đề còn tồn tại.
Cụ thể, một số bộ, cơ quan trung ương phân bổ cho một số dự án khởi công mới chưa đủ thủ tục đầu tư (chưa có quyết định đầu tư được duyệt) như: Văn phòng Quốc hội, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Ngoại giao, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Ban Quản lý Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam.
Một số dự án của Bộ Ngoại giao, Bộ Giao thông vận tải và các dự án sử dụng vốn ODA của một số địa phương bố trí vượt kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025 như: Dự án “Chương trình đô thị miền núi phía Bắc – TP. Yên Bái” của tỉnh Yên Bái giao vượt kế hoạch trung hạn là 19.925 triệu đồng, dự án Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai giao vượt kế hoạch trung hạn là 49.999 triệu đồng; dự án Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai năm 2021 và năm 2022 của tỉnh Bắc Ninh (vượt 18.467 triệu đồng) so với kế hoạch trung hạn; Dự án lĩnh vực nước Bình Thuận của tỉnh Bình Thuận…
Bên cạnh đó, còn có tình trạng bố trí vốn cho một số dự án chưa thuộc danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 được cấp có thẩm quyền giao như: 01 dự án của Văn phòng Quốc hội; 02 dự án của tỉnh Hà Giang, 04 dự án của tỉnh Lâm Đồng. Hay việc chưa phân bổ đủ cho các dự án hoàn thành năm 2022 như Bắc Giang, Hà Nam; phê duyệt đầu tư dự án khởi công mới chưa đảm bảo theo quy định của pháp luật hiện hành.
Ngoài ra, nhiều dự án giao kế hoạch vốn nước ngoài không đúng tỷ lệ cấp phát/cho vay lại được cấp có thẩm quyền phê duyệt như: Dự án Chống chịu khí hậu tổng hợp và phát triển sinh kế bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (tỉnh Bạc Liêu); dự án Phát triển các đô thị dọc hành lang tiểu vùng Mê Kông (GMS) lần 2 thành phố Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang); Dự án cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị Phát Diệm, huyện Kim Sơn tỉnh Ninh Bình và Dự án Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai tỉnh Ninh Bình…
Trên cơ sở kết quả kiểm tra, rà soát nêu trên, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi các Bộ, cơ quan trung ương và các địa phương rà soát, điều chỉnh hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh để đảm bảo việc phân bổ kế hoạch vốn tuân thủ theo đúng quy định.
Dẫn theo nguồn: https://tapchitaichinh.vn/Chuyen-dong-tai-chinh/nhieu-bo-nganh-dia-phuong-chua-phan-bo-het-ke-hoach-von-dau-tu-cong-nam-2022-346245.html