Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.
Đây là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái – Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại Thông báo số 81/TB-VPCP được Văn phòng Chính phủ ban hành ngày 24/3/2022 về kết luận cuộc họp điều hành giá một số mặt hàng quan trọng, thiết yếu.
Thông báo nêu rõ, ngay từ đầu năm 2022, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng – Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá đã có các chỉ đạo quyết liệt về giải pháp, biện pháp đồng bộ về quản lý, điều hành để bình ổn giá nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội đã đề ra, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng.
Đến nay, các giải pháp, biện pháp quản lý điều hành giá đã và đang được các Bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai thực hiện, bước đầu đã có được những kết quả nhất định, mặt bằng giá vẫn cơ bản được kiểm soát và vẫn nằm trong kịch bản điều hành giá đã đề ra từ đầu năm.
Tuy vậy, trong thời điểm cuối tháng 2, đầu tháng 3/2022, giá nhiều loại hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu trên thế giới tiếp tục có xu hướng tăng cao do chịu ảnh hưởng từ diễn biến xung đột địa – chính trị trên thế giới cũng như do nhu cầu gia tăng từ đà hồi phục của kinh tế toàn cầu, tạo áp lực rất lớn đến chi phí sản xuất, nguồn cung trong bối cảnh nhu cầu được dự báo sẽ tăng khi nước ta mở cửa. Công tác quản lý điều hành giá từ nay đến cuối năm sẽ rất khó khăn, do đó, không được lơ là chủ quan.
Để tiếp tục chủ động điều hành giá đồng bộ, hiệu quả, linh hoạt, kịp thời trong 9 tháng còn lại của năm 2022, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục chú trọng triển khai thực hiện, có kế hoạch chi tiết, giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị chức năng thuộc hệ thống để thực hiện các biện pháp quản lý, điều hành giá, góp phần giữ ổn định mặt bằng giá thị trường, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu.
Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, góp phần hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Tiếp tục kiểm soát lạm phát cơ bản trong năm 2022 để tạo cơ sở cho việc kiểm soát lạm phát chung.
Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ động phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam làm tốt công tác tổng hợp, phân tích, dự báo, xây dựng trước các kịch bản phù hợp, phương án ứng phó kịp thời trong trường hợp các hàng hóa trên thị trường thế giới tiếp tục tăng cao để điều hành sản xuất trong nước, cân đối cung cầu và điều hành, bình ổn giá phù hợp…
Đối với các mặt hàng cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp đã đề ra đối với từng mặt hàng để ổn định mặt bằng giá cả thị trường. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh để chuẩn bị đầy đủ nguồn cung hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, tạo thuận lợi cho quá trình lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ. Trong trường hợp có biến động lớn về giá, căn cứ quy định tại Luật giá để đề xuất và tổ chức triển khai các biện pháp bình ổn giá phù hợp.
Trong đó, đối với các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá trước mắt chưa xem xét điều chỉnh tăng giá, tiếp tục giữ ổn định giá để đảm bảo công tác kiểm soát lạm phát chung cũng như góp phần hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân.
Tuy nhiên, cần chủ động các phương án để có thể điều chỉnh được một số hàng hóa, dịch vụ khi điều kiện cho phép (xây dựng các quy định, định mức kinh tế – kỹ thuật, các phương án thực hiện, đánh giá tác động đến mặt bằng giá và kinh tế xã hội…).
Đặc biệt đối với xăng dầu, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá yêu cầu Bộ Công Thương điều hành để ổn định thị trường, cân đối cung cầu và chủ động đầy đủ nguồn cung xăng dầu phục vụ cho nhu cầu trong nước, tổ chức nắm bắt những dự báo giá thế giới để có phương án điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp, đánh giá để sử dụng công cụ quỹ bình ổn giá hợp lý, linh hoạt hạn chế mức tăng giá xăng dầu trong nước trong các kỳ điều hành có biến động lớn.
Đồng thời, tổ chức thực hiện và chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, lợi dụng diễn biến giá xăng dầu để tăng giá hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý, thường xuyên kiểm soát thị trường để chống buôn lậu, gian lận thương mại. UBND các tỉnh, thành phố nơi có đường biên giới tăng cường công tác chống buôn lậu khi giá xăng dầu trong nước thấp hơn một số nước, nhất là khi thực hiện giảm thuế bảo vệ môi trường.
Về dịch vụ vận tải đường bộ, Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo cụ thể Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành phố tham mưu cho UBND theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu, tăng cường tổ chức rà soát kê khai giá của doanh nghiệp để đánh giá việc tăng giá phù hợp với biến động của các yếu tố đầu vào, đặc biệt là chi phí xăng dầu trong các yếu tố hình thành giá. Tăng cường kiểm tra việc chấp hành niêm yết giá, thu vé đúng giá niêm yết của các doanh nghiệp; xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tăng giá bất hợp lý, thu cao hơn mức giá kê khai, niêm yết.
Đối với mặt hàng vật tư, trang thiết bị y tế, Bộ Y tế tiếp tục chủ động theo dõi, giám sát biến động giá để có các biện pháp quản lý, bình ổn giá theo quy định tại Luật giá và Nghị định số 98/2021/NĐ-CP.
Đồng thời, tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 ngày 30/12/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Y tế chủ trì chủ động phối hợp với các bộ, ngành báo cáo Chính phủ đề xuất biện pháp quản lý, bình ổn giá và tổ chức thực hiện việc bình ổn giá theo quy định pháp luật về giá…
Dẫn theo nguồn: https://tapchitaichinh.vn/su-kien-noi-bat/chu-dong-linh-hoat-trong-dieu-hanh-chinh-sach-tien-te-va-chinh-sach-tai-khoa-346710.html