Đó là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khi đến dự và chỉ đạo Hội nghị Tổng kết công tác thanh tra tài chính năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 do Thanh tra Bộ Tài chính tổ chức vào sáng ngày 28/12. Tham dự Hội nghị còn có đại diện của các đơn vị trong ngành Tài chính.
Năm 2021, tiếp tục hoãn nhiều cuộc thanh tra do dịch Covid-19
Báo cáo kết quả thực hiện công tác thanh tra năm 2021, Chánh Thanh tra Bộ Tài chính Trần Huy Trường cho biết, năm 2021, Thanh tra Bộ Tài chính tổ chức triển khai kịp thời và phổ biến, quán triệt tới công chức chấp hành nghiêm, đầy đủ các nội dung chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, Bộ Y tế, thành phố Hà Nội và văn bản chỉ đạo của Bộ Tài chính trong công tác phòng chống dịch Covid-19.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Trong năm 2021, Thanh tra Bộ và các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ Tài chính tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 09/9/2021 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 trong đó chỉ đạo các đơn vị “…tạm dừng, giãn, hoãn các cuộc kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh chưa cần thiết đã có trong kế hoạch năm 2021 và tổ chức thực hiện vào thời gian phù hợp sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát”. Do đó, các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ Tài chính đã thực hiện rà soát, trình Bộ ban hành quyết định không thực hiện 103 cuộc thanh tra, kiểm tra trong năm 2021 (Trong đó Thanh tra Bộ Tài chính đã thực hiện thanh tra 08/33 cuộc, còn lại 25/33 cuộc đã điều chỉnh không thực hiện).
Trước những diễn biến phức tạp của tình hình dịch Covid-19 trên khắp cả nước, sau khi rà soát thấy các đối tượng thanh tra còn lại trong kế hoạch đều bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhiều địa phương vẫn chưa khống chế hoàn toàn được dịch Covid-19, nguy cơ tiềm ẩn bùng phát dịch bất cứ lúc nào, Thanh tra Bộ tiếp tục tham mưu trình Bộ trưởng Bộ Tài chính ký, ban hành Quyết định số 2100/QĐ-BTC ngày 03/11/2021 điều chỉnh kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2021, theo đó: Điều chỉnh giảm, không tiến hành thanh tra, kiểm tra trong năm 2021 đối với 25/25 cuộc thanh tra, kiểm tra trong kế hoạch chính thức của Thanh tra Bộ Tài chính. Ngoài ra, Thanh tra Bộ đã xin ý kiến lãnh đạo Bộ điều chỉnh lùi thời gian đối với 02 cuộc kiểm tra đột xuất (tại thành phố Hồ Chí Minh) theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính.
Đổi mới công tác Thanh tra, kiểm tra
Năm 2021, mặc dù không tiến hành công tác thanh tra theo kế hoạch nhưng các đơn vị trong hệ thống thanh tra tài chính đã chủ động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thanh tra, kiểm tra, đổi mới cách thức làm việc, thực hiện đúng yêu cầu phòng, chống dịch, như: Tích cực trao đổi, phối hợp, nắm thông tin từ các cơ quan liên quan; nghiên cứu kỹ tài liệu tại các ứng dụng tại cơ quan Thuế, cơ quan Hải quan, Kho bạc Nhà nước, hồ sơ niêm yết trên thị trường chứng khoán,… áp dụng nguyên tắc thanh tra, kiểm tra theo cơ chế quản lý rủi ro; hạn chế tối đa việc thanh tra, kiểm tra trực tiếp tại đơn vị; yêu cầu các đơn vị tự kiểm tra, báo cáo, gửi hồ sơ, tài liệu về trụ sở cơ quan; khi cần làm việc, trao đổi với các bên liên quan thì thực hiện qua hệ thống thông tin trực tuyến nhưng vẫn đảm bảo quy định pháp luật về thanh tra, kiểm tra và quy định bảo vệ bí mật nhà nước…
Toàn cảnh Hội nghị
Do có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các đơn vị trong và ngoài ngành tài chính trong việc xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra và các nhiệm vụ đột xuất được giao nên chất lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra được nâng cao, kiến nghị đề xuất mang tính thiết thực, phục vụ trực tiếp cho công tác quản lý điều hành tài chính ngân sách của Bộ Tài chính cũng như công tác quản lý tài chính của các đơn vị được thanh tra, kiểm tra.
Kết quả trong năm 2021, Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ đã thực hiện 75.254 cuộc thanh tra, kiểm tra; tiến hành kiểm tra 1.011.106 hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan và qua điều tra chống buôn lậu bắt giữ 13.413 vụ; kiến nghị xử lý tài chính 60.341.710 triệu đồng (trong đó: Kiến nghị thu hồi nộp 13.410.578 triệu đồng; kiến nghị xử lý tài chính khác 43.741.662 triệu đồng; xử phạt vi phạm hành chính 3.189.470 triệu đồng); số tiền đã thu nộp NSNN 11.584.119 triệu đồng.
Trong năm 2021, Thanh tra Bộ tổng hợp kết quả của 21 Kết luận thanh tra, kết quả kiểm tra (bao gồm 12 cuộc năm 2020 chuyển sang và 09 cuộc thanh tra năm 2021), kiến nghị xử lý tài chính 6.118.242 triệu đồng (trong đó: Thu nộp NSNN 850.089 triệu đồng; xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 250 triệu đồng; Thu quỹ hỗ trợ, sắp xếp doanh nghiệp 4.054.882 triệu đồng; Giảm trừ dự toán, giảm trừ cấp phát kinh phí 4.452 triệu đồng; Giảm trừ thanh quyết toán kinh phí 85.319 triệu đồng; Giảm lỗ 570.086 triệu đồng; Xử lý tài chính khác 553.164 triệu đồng); Các đơn vị được thanh tra đã thực hiện nộp NSNN 563.381 triệu đồng.
Chánh Thanh tra Bộ Tài chính Trần Huy Trường phát biểu tại Hội nghị
Năm 2021, Thanh tra Bộ ban hành trên 17 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính do Cục Quản lý Giá, Vụ Tài chính ngân hàng, Cục Quản lý giám sát, kế toán, kiểm toán chuyển hồ sơ. Chủ động xin ý kiến, phối hợp trước khi ban hành kết luận, xử lý sau thanh tra trên 20 lượt với các đơn vị trong Bộ như: Tổng cục Thuế, Cục Quản lý Công sản, Vụ Chính sách Thuế,… Cử 18 lượt cán bộ tham gia phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ, Thanh tra Chính phủ,… tham gia các đoàn kiểm tra, giám định; Kết quả tham gia được các đơn vị đánh giá cao.
Bên cạnh đó, Thanh tra Bộ đã thực hiện tốt công tác tiếp công dân tại trụ sở Cơ quan Bộ; Là đầu mối nhận, phân loại các đơn thư phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo theo đúng quy định. Thanh tra Bộ luôn quan tâm, tích cực, chủ động trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN, tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của công chức trong công tác Thanh tra Bộ. Năm 2021, Thanh tra Bộ tiếp nhận gần 4.500 công văn đến liên quan đến lĩnh vực thanh tra, giải quyết khiếu nại và tố cáo, công tác phòng chống tham nhũng; Ban hành 1.320 văn bản gửi đi; Ban hành 137 quyết định và 268 Tờ trình Bộ.
Công tác thanh tra đã kịp thời, chủ động thích ứng với tình hình
Tại Hội nghị, các đại biểu đều nhất trí cao với những kết quả mà công tác Thanh tra đã đạt được trong năm 2021. Ông Nguyễn Văn Thọ – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho rằng “Mặc dù năm 2021, số lượng các cuộc thanh tra ngành tài chính số lượng giảm nhiều nhưng số lượng phát hiện vi phạm lại lớn. Qua đó cho thấy việc thanh tra, kiểm tra theo phương pháp mới có hiệu quả, đây có thể coi là kinh nghiệm để triển khai cho năm tiếp theo. Kết quả đạt được trong năm 2021 có vai trò rất cao của Thanh tra Bộ. Ngay từ cuối năm, Thanh tra Bộ đã tham mưu Lãnh đạo Bộ về chương trình thanh tra trong năm kế tiếp. Công tác đánh giá, phân tích dữ liệu của Thanh tra Bộ rất xác đáng. Công tác đánh giá, kiểm soát rủi ro của Thanh tra Bộ rất sát thực tế, qua đó đã kiến nghị, sửa đổi công tác thanh tra, kiểm tra phù hợp với tình hình thực tế. Công tác thanh tra, kiểm tra năm 2021 đã đáp ứng kịp thời, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo Bộ Tài chính và Chính phủ đối với các vấn đề mà dư luận xã hội quan tâm”.
Ông Nguyễn Văn Thọ – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan
phát biểu tại Hội nghị
Ông Nguyễn Tân Thịnh – Cục trưởng Cục Quản lý Công sản cho biết, “Trong năm qua Cục Quản lý Công sản đã nhận được sự giúp đỡ, kịp thời của Thanh tra Bộ trong công tác kiểm tra tài sản công. Thanh tra Bộ luôn có ý kiến nhanh nhất, đúng trọng tâm và là định hướng giúp cho công tác quản lý tài sản công ngày càng chặt chẽ hơn. Rất mong Thanh tra Bộ sẽ tiếp tục hỗ trợ Cục trong việc thanh tra tài sản công, đặc biệt là lĩnh vực đất đai ở các địa phương để công tác quản lý, sử dụng tài sản công đi vào nề nếp”.
Đánh giá về công tác thanh tra, kiểm tra năm 2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đánh giá cao kết quả công tác của Thanh tra Bộ Tài chính. Bộ trưởng cho rằng, Thanh tra vai trò rất quan trọng, là cánh tay đắc lực của Bộ trong việc uốn nắn, sửa chữa những tư tưởng, hành vi lệch lạc trong công tác tài chính. Phải xây dựng thanh tra thành lực lượng mạnh để quản lý tốt các mặt công tác trong ngành. Đội ngũ thanh tra vừa có đạo đức, bản lĩnh công vụ, dám từ chối những hành vi hối lộ, đồng thời phải có năng lực chuyên môn, phương pháp tổ chức công tác tốt.
Bộ trưởng cho rằng cần phải đào tạo đội ngũ Thanh tra liêm chính, bản lĩnh. Cán bộ, công chức khi tiến hành thanh tra cần tuân thủ các quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về thực hiện nhiệm vụ được giao; không lợi dụng chức vụ, quyền hạn thanh tra để thực hiện hành vi trái pháp luật, sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho đối tượng thanh tra, bao che cho đối tượng thanh tra. Phương pháp thanh tra phải luôn luôn đổi mới đáp ứng được yêu cầu của thực tế. Với đặc thù công tác tài chính phủ toàn bộ các ngành kinh tế – xã hội nên Người làm thanh tra phải giỏi hơn, sâu hơn thì mới có thể thanh tra, kiểm tra cho đúng và trúng. Ngoài ra, người làm công tác Thanh tra cũng phải có năng lực dự báo, dự đoán những bất thường trong các hoạt động kinh tế – xã hội.
Ông Nguyễn Tân Thịnh – Cục trưởng Cục Quản lý Công sản
phát biểu tại Hội nghị
Năm 2022, tiếp tục tăng cường công tác thanh tra nội ngành
Chia sẻ về phương hướng công tác thanh tra, kiểm tra trong năm 2022, Chánh Thanh tra Bộ Tài chính Trần Huy Trường cho biết, Thanh tra Bộ sẽ thường xuyên bám sát, cập nhật tình hình thực tiễn, thời sự ảnh hưởng đến tình hình hoạt động, sản xuất kinh doanh của đơn vị; bám sát chỉ đạo, định hướng của Quốc hội, Chính phủ; nắm bắt thông tin về tình hình ảnh hưởng của dịch bệnh Covid 19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp; xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra tài chính năm 2022 theo đúng định hướng của Thanh tra Chính phủ và chỉ đạo của Bộ.
Chủ động thông báo kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2022 cho các đối tượng thanh tra, kiểm tra; Xây dựng kế hoạch chi tiết, phân khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2022 đã được phê duyệt; tiến hành khảo sát, nắm tình hình ngay đầu năm 2022. Bố trí lực lượng dự phòng trong trường hợp thanh tra, kiểm tra đột xuất theo chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ. Bám sát chủ trương, định hướng của Chính phủ, của Bộ; chủ động, khẩn trương triển khai thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra tài chính năm 2022 được Bộ phê duyệt, phấn đấu hoàn thành 100% kế hoạch được giao.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, Thanh tra Bộ và các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ sẽ tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ thanh tra, kiểm tra trong sạch, vững mạnh có khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ trong giai đoạn mới; xử lý nghiêm các hành vi thái độ hách dịch, cửa quyền, sách nhiễu gây phiền hà cho đối tượng thanh tra, cho người dân, doanh nghiệp… tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ. Tăng cường bồi dưỡng bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ sâu và có kỹ năng thanh tra, kiểm tra để đảm bảo lực lượng thanh tra là lực lượng đi đầu trong việc ngăn chặn, phát hiện và xử lý các sai phạm trong ngành Tài chính.
Đồng thời, Thanh tra Bộ và các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ tiếp tục chú trọng thực hiện chương trình cải cách và hiện đại hóa công tác thanh tra, kiểm tra thuế, hải quan và trong toàn ngành; tăng cường đẩy mạnh phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý rủi ro và các phần mềm phân tích, phân loại đối tượng nộp thuế, kê khai hải quan theo mức độ rủi ro nhằm kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm mới của đối tượng qua đó tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để chống các hành vi gian lận; hoàn thiện hệ thống phần mềm quản lý thông tin phục vụ thanh tra, kiểm tra ngành Tài chính.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc biểu dương kết quả mà Thanh tra Bộ Tài chính đã đạt được trong năm 2021. Theo Bộ trưởng, công tác thanh tra cần rà soát, tập trung kiểm tra các vấn đề dễ thất thoát như hoàn thuế, tài sản công, thiết bị y tế… tăng cường thanh tra hành chính trong ngành. “Một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác thanh tra là ngăn chặn thất thoát về tài sản công” Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết..
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc tin tưởng, Thanh tra Bộ Tài chính sẽ phát huy truyền thống, tinh thần đoàn kết, sáng tạo để hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc nhiệm vụ được giao trong năm 2022./.
Theo Kim Chung/mof.gov.vn
Dẫn theo nguồn: https://mof.gov.vn/webcenter/portal/btcvn/pages_r/l/tin-bo-tai-chinh?dDocName=MOFUCM219115