Dù có những tác động bất lợi từ đại dịch COVID-19, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đặt niềm tin vào nền kinh tế và môi trường đầu tư của Việt Nam. Gần 5 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp từ các doanh nghiệp FDI “rót” vào nước ta trong 2 tháng đầu năm 2022 là tín hiệu tích cực.
Vững lòng cộng đồng doanh nghiệp FDI
Nhận định thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đã không “gục ngã” trước khó khăn chung do hệ luỵ từ dịch COVID-19, TS. Phan Hữu Thắng, Nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, nhờ năng lực chống chọi, nền tảng vững chắc, các doanh nghiệp FDI đã xử lý tương đối tốt các tình huống và duy trì đầu tư vào Việt Nam.
Điều đáng nói là các quyết sách kịp thời của Chính phủ như Nghị quyết 105/NQ-CP, Nghị quyết số 128/NQ-CP,… đã làm vững lòng cộng đồng doanh nghiệp FDI nên dòng vốn đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục chảy vào nước ta.
Từ đầu năm đến nay, Việt Nam thu hút gần 5 tỷ USD vốn FDI, dù con số này bằng 91,5% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng cho thấy tín hiệu tích cực trong đại dịch.
Đáng chú ý, vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài trong 2 tháng đầu năm đạt 2,68 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 0,4 điểm phần trăm so với tháng 1/2022.
Nhìn lại năm 2021, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2020. Điều này cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài đã đặt niềm tin rất lớn vào môi trường đầu tư Việt Nam. Vốn đầu tư đăng ký mới và điều chỉnh đều tăng so với năm 2020, đặc biệt vốn điều chỉnh tăng mạnh tới 40,5%.
Điểm sáng thu hút doanh nghiệp FDI
Nói về triển vọng thu hút doanh nghiệp FDI thời gian tới, ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) cho biết, các nhà đầu tư vẫn nhìn nhận Việt Nam là điểm sáng với nhiều tiềm năng, cơ hội, trước mắt là về các dự án đầu tư mới, mở rộng hoặc đầu tư tăng thêm.
Một số nhà đầu tư lớn đã tìm hiểu, thăm dò về thị trường Việt Nam từ trước và vẫn ra quyết định đầu tư dù trong bối cảnh dịch bệnh.
Đơn cử như Tập đoàn LEGO khởi công nhà máy mới rộng 44 ha tại tỉnh Bình Dương với tổng mức đầu tư hơn 1 tỷ USD. Đây là dự án FDI có số vốn lớn nhất từ Đan Mạch tại Việt Nam.
Mặt khác, nhiều công ty quy mô trung bình và nhỏ, hoặc những công ty muốn dịch chuyển chuỗi sản xuất sang Việt Nam có nhu cầu sang thực địa tận nơi để đi đến quyết định đầu tư. Các doanh nghiệp châu Âu này đang rất mong chờ, kỳ vọng vào việc đơn giản thủ tục đón khách từ các đường bay quốc tế từ ngày 15/3 tới đây.
“Nhiều nước trong khu vực cũng đã thực sự mở cửa trở lại, nếu chúng ta không tiến hành kịp thời, cùng với đó là đẩy nhanh cải cách hành chính thì sẽ có khả năng bỏ lỡ những cơ hội tốt”, Phó Chủ tịch Eurocham nhấn mạnh.
Đầu tư xanh và công nghệ cao hút vốn ngoại
Cũng theo ông Nguyễn Hải Minh, doanh nghiệp châu Âu đang đặc biệt quan tâm đến đầu tư xanh, tăng trưởng xanh tại thị trường Việt Nam. Đây cũng là định hướng lớn đối với các chương trình của Eurocham trong tương lai. Cụ thể, triển lãm của các nhà đầu tư châu Âu và công nghệ giải pháp của châu Âu liên quan đến kinh tế xanh sẽ được tổ chức vào tháng 11/2022.
Qua những chương trình hành động thiết thực, doanh nghiệp châu Âu mong muốn hợp tác, hỗ trợ, chung tay với Việt Nam để thực hiện cam kết mạnh mẽ mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nêu tại COP26.
“Sản xuất xanh, phát triển xanh là xu hướng chung, xu hướng tất yếu mà Việt Nam nên đi theo. Trước nay, chúng ta nói nhiều đến cơ sở hạ tầng, nhưng cần đặt vấn đề cơ sở hạ tầng xanh các khu công nghiệp, nhà máy, doanh nghiệp ở mức thiết yếu và ưu tiên hơn”, ông Minh đề xuất.
Bên cạnh đó, nhấn mạnh vai trò thu hút FDI vào công nghệ số, ông Rafael Frankel, Giám đốc chính sách công khu vực Nam Á và Đông Nam Á của Công ty Meta (Hoa Kỳ) cho biết, để thực hiện mục tiêu Chính phủ Việt Nam đề ra là trong 5 năm tới, nền kinh tế tiếp tục duy trì tăng trưởng 7%, sự phát triển của nền công nghiệp số, kinh tế số vô cùng quan trọng.
Khẳng định mong muốn và cam kết tiếp tục đồng hành với Việt Nam cả trong giai đoạn hậu COVID-19 và về lâu dài, Công ty Meta muốn hỗ trợ Chính phủ và các doanh nghiệp về mảng phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, nền kinh tế sáng tạo của Việt Nam.
“Trong vòng 25 đến 30 năm trở lại đây, Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc, trong đó thể hiện quyết tâm, nỗ lực của Chính phủ trong mở cửa nền kinh tế, đưa Việt Nam trở thành là nền kinh tế mới, rất nhiều tiềm năng thu hút FDI chất lượng cao.
Giai đoạn tiếp theo, kinh tế số sẽ trở thành xương sống của nền kinh tế Việt Nam. Do vậy, tôi hy vọng Chính phủ sẽ duy trì nền kinh tế mở, môi trường Internet hiện đại, bảo đảm dòng chảy dữ liệu và khuyến khích các nhà đầu tư”, ông Rafael Frankel chia sẻ.
Giải pháp tăng sức hấp dẫn trong “cuộc đua giành FDI”
FDI sẽ tiếp tục là dòng vốn đặc biệt quan trọng cho tăng trưởng và hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần bổ sung vốn, công nghệ, năng lực quản lý, khả năng kinh doanh, khả năng tổ chức và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, trong bối cảnh nguồn cung vốn hạn chế, các quốc gia đều tranh thủ thu hút nguồn lực bên ngoài để duy trì và phục hồi nền kinh tế, cạnh tranh thu hút FDI giữa các quốc gia đang phát triển có sự tương đồng về thị trường, trình độ phát triển, công nghệ và lao động đang ngày càng gay gắt. Do vậy, để tiếp tục duy trì và tăng cường sức hấp dẫn trong thu hút doanh nghiệp FDI, nước ta cần thực hiện một số giải pháp trọng tâm.
Thứ nhất, rà soát, điều chỉnh kịp thời chính sách đầu tư nước ngoài cho phù hợp và theo kịp với những biến động của kinh tế toàn cầu và những thay đổi trong chiến lược thu hút doanh nghiệp FDI của các nước trên thế giới. Đồng thời tạo môi trường đầu tư kinh doanh cạnh tranh, thông thoáng, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về chính sách để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động của các doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Thứ hai, đẩy nhanh quá trình cần thiết để đưa các hoạt động kinh tế, xã hội trở lại bình thường, xóa bỏ tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, lao động, củng cố niềm tin và sự an tâm của các nhà đầu tư nước ngoài.
Thứ ba, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để thu hút đầu tư như rà soát, bổ sung quỹ đất sạch, rà soát lại quy hoạch điện và đôn đốc triển khai các dự án điện, tăng cường việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bổ sung chính sách và các biện pháp để phát triển công nghiệp hỗ trợ, cải thiện thủ tục hành chính,…
Thứ tư, Chính phủ cần xây dựng các quy định, tiêu chuẩn như một bộ lọc mới nhằm lựa chọn các nhà đầu tư nước ngoài có công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, có năng lực, khả năng chống chịu sức ép từ bên ngoài để phát triển bền vững và bảo đảm an ninh quốc gia của đất nước.
Thứ năm, chủ động phối hợp với các cơ quan ngoại giao, các hiệp hội doanh nghiệp, các công ty tư vấn, công ty luật, ngân hàng, quỹ đầu tư để tiếp cận lên danh sách các doanh nghiệp đang quan tâm đến đầu tư tại Việt Nam để chủ động tiếp cận, trao đổi, mời vào đầu tư tại Việt Nam.
Đồng thời, cần chú trọng tiếp xúc trực tiếp các nhà đầu tư lớn, hỗ trợ doanh nghiệp trong đào tạo và tuyển dụng lao động đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế, đặc biệt nhu cầu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài sau các đợt đứt gẫy về nguồn lao động. Bên cạnh dạy kỹ năng nghề, cần đào tạo nâng cao kỷ luật lao động, các kỹ năng mềm, khả năng hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm để lao động Việt Nam vừa có kỹ năng nghề cao và có tính chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu lao động của doanh nghiệp trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0./.
Theo: Minh Ngọc/baochinhphu.vn
Dẫn theo nguồn: https://baochinhphu.vn/vung-long-nha-dau-tu-viet-nam-tiep-tuc-la-diem-sang-thu-hut-doanh-nghiep-fdi-102220313141911017.htm