*** Bộ Tài chính sẽ tập trung tăng cường hoàn thiện luật pháp, hỗ trợ người dân
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri tại Đại học Quy Nhơn, Bình Định sáng ngày hôm nay (7/5/2021). Ảnh: PV.
Tiếp xúc cử tri tại Đại học Quy Nhơn, Bình Định, 5 ứng cử viên ứng cử tại đơn vị số 1 của tỉnh Bình Định đã trình bày chương trình hành động của mình khi trở thành đại biểu Quốc hội khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã có bài phát biểu tóm tắt về chương trình hành động của mình khi trở thành đại biểu Quốc hội khóa XV.
Trong lĩnh vực quản lý chính sách tài chính – ngân sách nhà nước, trong thời gian tới, theo Bộ trưởng, Bộ sẽ luôn chú trọng đến nhiệm vụ hoàn thiện chính sách để mở đường cho giải phóng nguồn lực. Cùng với đó, tiếp tục ưu tiên cân đối thu chi ngân sách nhà nước, đảm bảo nguồn chi cho an ninh quốc phòng, bộ máy, chi an sinh xã hội và chi cho đầu tư phát triển, đặc biệt là các dự án quan trọng, công trình trọng điểm.
Đối với tỉnh Bình Định, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, được ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV tại Bình Định “là may mắn, cơ duyên” của ông. Bình Định là mảnh đất địa linh nhân kiệt, điều quan trọng trong thời gian tới đối với Bình Định đó là “chọn mục tiêu, chọn con đường” để Bình Định tiếp tục phát triển.
Nếu trở thành đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ tới, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định, ông sẽ tập trung giải quyết những nút thắt, khó khăn, những vấn đề còn là lực cản cho sự phát triển, vấn đề cử tri yêu cầu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội.
Đề cập đến trường Đại học Quy Nhơn, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng, đây là một trong 4 trường đại học lớn của khu vực, không chỉ đào tạo nhân lực cho khu vực mà cho cả nước. Trong thời gian tới, nhà trường sẽ lựa chọn hướng đi để luôn trở thành cái nôi cung cấp nguồn nhân lực cho tỉnh, khu vực và cả nước, để đất nước ta ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.
Một nội dung quan trọng được Bộ trưởng Hồ Đức Phớc thực hiện tại buổi tiếp xúc cử tri tại Đại học Quy Nhơn, Bình Định là giải đáp các câu hỏi, vướng mắc, kiến nghị của cử tri. Dù chỉ trong một thời gian ngắn nhưng hầu hết các ý kiến, kiến nghị của cử tri thuộc trường Đại học Quy Nhơn đã được giải đáp hết sức cặn kẽ, thấu đáo.
Nhiều câu hỏi được gửi đến Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc như: kiến nghị miễn tiền thuê đất cho Trung tâm Khoa học và Giáo dục liên ngành của giáo sư Trần Thanh Vân; thực hiện danh mục các công trình công nghệ cao theo Quyết định số 38 của Thủ tướng Chính phủ; chính sách cải cách tiền lương để giáo viên đủ sống bằng tiền lương của mình; tự chủ đại học; đầu tư của nhà nước để nâng cao chất lượng giáo viên…
Trả lời kiến nghị của cử tri, Bộ trưởng cho biết, liên quan đến việc lập quy hoạch mạng lưới giáo dục, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 209/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục Đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, vấn đề đặt ra là đưa vào kế hoạch giáo dục những lĩnh vực gì, đây là vấn đề vĩ mô khó, nhưng trường Đại học Quy Nhơn là 1 trong 4 trường lớn của khu vực, đào tạo đa ngành nghề, có 16 khoa và 39 ngành, với gần 45 năm phát triển sẽ là tiền đề rất quan trọng. Trong nền kinh tế thị trường, những sản phẩm đào tạo của chúng ta có được thị trường chấp nhận hay không phụ thuộc vào sự chuyên nghiệp, phục vụ đúng nhu cầu thị trường cần. Đào tạo gì, ai học, học xong có việc làm hay không vẫn là những bài toán cần phải có lời giải. Mấu chốt vẫn là đào tạo gắn lý thuyết với thực hành và bám sát thực tiễn. Với những ngành nghề thị trường cần thì tăng số lượng đào tạo và ngược lại. Bên cạnh đó, cần đổi mới cách thức đào tạo, như vậy sẽ đào tạo được học sinh giỏi, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Về câu hỏi liên quan đến miễn tiền thuê đất cho Trung tâm Khoa học và Giáo dục liên ngành của giáo sư Trần Thanh Vân, Bộ trưởng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý đề xuất miễn tiền thuê đất cho dự án trung tâm này đến năm 2020. Còn trong thời gian tới, cần phải đánh giá lại, đề xuất miễn tiền thuê đất 50 năm là có đủ điều kiện và phù hợp hay không. Nếu có lợi cho đất nước, cho cộng đồng, có đột phá trong tư duy đào tạo, thì sẽ có kiến nghị Thủ tướng Chính phủ. Do đó, 3 bộ liên quan là Bộ Giáo dục và Đào tạo, Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính cần ngồi lại để có đánh giá cụ thể.
Liên quan đến Quyết định số 38/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, để được hỗ trợ kinh phí, các trường đại học phải xây dựng Đề án chi tiết về đào tạo, bồi dưỡng giảng viên để triển khai thực hiện. Trong đó, ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng giảng viên thuộc các ngành kinh tế mũi nhọn, kinh tế số, trong đó nhất là các ngành công nghệ cao theo quyết định này. “Bộ Tài chính trong xây dựng dự toán năm 2022, sẽ đưa vào danh mục chi cho khoa học công nghệ theo quyết định này”, Bộ trưởng cho biết.
Đối với câu hỏi chính sách cải cách tiền lương để giáo viên đủ sống bằng tiền lương của mình, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, Nghị quyết số 27-NQ/TW đã quy định cụ thể về vấn đề này. Dự toán chi lương cho giáo viên năm sau luôn cao hơn năm trước, đến năm 2024 là 120 nghìn tỷ đồng; năm 2025 là khoảng 150 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng đồng tình cho rằng, mặc dù ngân sách đã bố trí nguồn chi nhưng lương cho giáo viên không phải là cao, muốn tăng mức sống cho cán bộ giáo viên, cần phải cải cách hành chính, cải cách bộ máy để tiết kiệm có nguồn chi cho người lao động.
“Năm 2022, cải cách tiền lương, xếp bảng lương mới theo chế độ đào tạo, theo chức vụ và vị trí việc làm, để thu nhập tăng lên. Tuy nhiên, cần sự đột phá mạnh mẽ và cần thiết phải có nguồn lực thực hiện”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc chia sẻ thêm.
Về tự chủ đại học, theo Bộ trưởng, nếu như trông chờ vào ngân sách thì không thể đổi mới được. Bộ Tài chính đã xây dựng Nghị định sửa đổi Nghị định số 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế tự chủ các đơn vị sự nghiệp công lập, để giải quyết những bất cập hiện nay.
Câu chuyện đầu ra cho sinh viên sư phạm, theo người đứng đầu ngành Tài chính, cần xác định đào tạo theo cơ chế đào tạo – đặt hàng; cân đối lại tỷ lệ giáo viên và nhu cầu. Ngoài ra, vấn đề cốt lõi đó là muốn giải quyết việc làm cho sinh viên, cần đẩy mạnh phát triển kinh tế địa phương, thu hút đầu tư, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, từ đó sẽ giải quyết việc làm cho người lao động.
Đối với câu hỏi về thị trường chứng khoán, theo Bộ trưởng, thời gian qua đã có mức tăng trưởng vượt bậc, lượng giao dịch tăng lên 3 lần, tuy nhiên có giai đoạn bị tắc nghẽn lệnh, đến nay đã được giải quyết. Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tập trung giải quyết những vấn đề còn tồn tại, thực hiện theo luật để thị trường đảm bảo công khai, minh bạch và an toàn. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm, tránh thao túng và làm giá trên thị trường chứng khoán; phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển bền vững, trở thành kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế; tiếp tục thực hiện các giải pháp làm lành mạnh hóa thị trường tài chính…
Trao đổi với báo chí bên lề Hội nghị tiếp xúc giữa những ứng viên ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV thuộc đơn vị bầu cử số 1 của tỉnh Bình Định tổ chức tại Đại học Quy Nhơn, nhiều sinh viên Đại học Quy Nhơn đã bày tỏ mong muốn, nguyện vọng đến các ứng viên đối với những vấn đề liên quan trực tiếp tới ngành nghề mà các em theo đuổi.
Chia sẻ những kỳ vọng đến với các ứng viên ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026, một số sinh viên bày tỏ vui mừng khi được tiếp xúc trực tiếp với các ứng viên. Đây cũng là dịp để các em có thể gửi gắm tâm tư, nguyện vọng của mình đến với những vị đại biểu Quốc hội trong nhiệm kỳ tới.
Sinh viên Đoàn Thị Trúc My, sinh viên năm thứ tư, ngành Giáo dục tiểu học, khoa Giáo dục tiểu học và mầm non đã chia sẻ: số lượng sinh viên học ngành sư phạm hiện nay rất lớn, tỷ lệ ra trường thiếu việc làm nhiều. Hiện có nhiều sinh viên trong khoa khi ra trường đã không thể tiếp tục đam mê của mình là trở thành cô giáo tiểu học. Em hy vọng, Quốc hội, Chính phủ sẽ có nhiều chính sách ưu tiên, hỗ trợ sinh viên yên tâm tiếp tục thực hiện đam mê trở thành cô giáo tiểu học.
“Các bạn sinh viên đều mong muốn khi tốt nghiệp là có việc làm ổn định. Tuy nhiên, bên cạnh các chính sách hỗ trợ tạo việc làm mới cho sinh viên khi tốt nghiệp, thì trong quá trình học tập, em cho rằng, các bạn cũng phải luôn trau dồi vốn kiến thức chuyên ngành cũng như kiến thức hỗ trợ để có kỹ năng mềm cần thiết, là cơ sở để tạo tiền đề để có hồ sơ tốt, đáp ứng nhu cầu của các nhà tuyển dụng trong tương lai”, sinh viên Trúc My cho hay.
Gửi gắm tâm tư đến các ứng viên ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, sinh viên Đoàn Thị Trúc My cho rằng, em mong muốn trong thời gian tới các cấp, các ngành sẽ quan tâm, hỗ trợ kinh phí để thực hiện các công trình thanh niên phục vụ cho cộng đồng.
Sinh viên Trần Đình Thịnh, ngành Sư phạm, sư phạm hóa học năm thứ 4, khoa Sư phạm cho biết tại buổi tiếp xúc với các ứng viên, em sẽ đặt câu hỏi trực tiếp liên quan đến quyết sách nào để khuyến khích, thu hút các học sinh khá, giỏi vào các trường sư phạm, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Đây cũng là vấn đề được dư luận quan tâm thời gian qua. Mặc dù, hiện đã có nhiều chính sách ưu đãi để thu hút học sinh khá, giỏi vào ngành sư phạm, nhưng có ý kiến cho rằng, vẫn còn chưa đủ để thu hút người tài.
Liên quan đến những trăn trở, tâm tư, nguyện vọng của các bạn sinh viên nêu trên, trong phần chia sẻ với cử tri Đại học Quy Nhơn tại buổi tiếp xúc, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng: Đại học Quy Nhơn là một trong 4 trường đại học lớn của khu vực, không chỉ đào tạo nhân lực cho khu vực mà cho cả nước.
“Trong thời gian tới, nhà trường sẽ lựa chọn hướng đi để luôn trở thành cái nôi cung cấp nguồn nhân lực cho tỉnh, khu vực và cả nước, để đất nước ta ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.
Về câu chuyện đầu ra cho sinh viên sư phạm, theo người đứng đầu ngành Tài chính, cần xác định đào tạo theo cơ chế đào tạo – đặt hàng; cân đối lại tỷ lệ giáo viên và nhu cầu. Ngoài ra, vấn đề cốt lõi đó là muốn giải quyết việc làm cho sinh viên, cần đẩy mạnh phát triển kinh tế địa phương, thu hút đầu tư, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, từ đó sẽ giải quyết việc làm cho người lao động.
05 đại biểu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV tại đơn vị bầu cử số 1 (thành phố Quy Nhơn và các huyện: Tuy Phước, Vân Canh, Tây Sơn, Vĩnh Thạnh), gồm: ông Hồ Đức Phớc, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính; bà Võ Cao Thị Mộng Hoài, Giám đốc Trung tâm Thông tin- Ứng dụng Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Định; bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Tỉnh ủy viên, Ủy viên Đảng đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh; Chủ tịch Công đoàn cơ quan Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh; bà Phạm Thị Thủy, huyện ủy viên, Bí thư Huyện đoàn Văn Canh; ông Lê Kim Toàn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định.
Theo PV/taichinhdientu.vn
dẫn theo nguồn: http://www.taichinhdientu.vn/tai-chinh-trong-nuoc/se-tap-trung-thao-go-nut-that-rao-can-thuc-day-phat-trien-ktxh-160352.html