Phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương

Thông tư số 78/2022/TT-BTC ngày 26/12/2022 của Bộ Tài chính về tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2023 đã quy định cụ thể nội dung phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi NSNN.

Ảnh minh họa. Nguồn: internetẢnh minh họa. Nguồn: internet

Thông tư số 78/2022/TT-BTC nêu rõ, việc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương được thực hiện theo quy định của Luật NSNN và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật NSNN.

Theo Thông tư số 78/2022/TT-BTC, thực hiện điều tiết ngân sách trung ương hưởng 100% đối với số thu từ hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số, dịch vụ xuyên biên giới và các dịch vụ khác do nhà cung cấp nước ngoài thực hiện trực tiếp kê khai thuế, nộp thuế trực tiếp tại Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.

Tiếp tục thực hiện phân chia nguồn thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước như quy định tại Nghị quyết số 64/2018/QH14 ngày 15/6/2018 của Quốc hội đối với giấy phép do cơ quan trung ương cấp, thực hiện phân chia 70% số thu cho ngân sách trung ương, 30% số thu cho ngân sách địa phương. Đối với giấy phép do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp, thực hiện phân chia 100% số thu cho ngân sách địa phương.

Phân chia thuế bảo vệ môi trường đối với sản phẩm xăng, dầu giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương theo quy định của Luật NSNN đối với năm 2023 và ổn định cho giai đoạn 2023-2025 trên cơ sở sản lượng xăng, dầu trong nước sản xuất, bán ra so với tổng sản lượng xăng, dầu tiêu thụ trên thị trường, cụ thể: 60% thực hiện phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương; 40% còn lại thực hiện điều tiết 100% về ngân sách trung ương.

Thông tư số 78/2022/TT-BTC quy định, nguồn thu phí sử dụng đường bộ thu qua đầu phương tiện ô tô (sau khi trừ chi phí tổ chức thu) nộp ngân sách trung ương 100% và thực hiện phân chia 65% cho ngân sách trung ương và bổ sung có mục tiêu 35% cho ngân sách địa phương ngay ở khâu dự toán để chi cho quản lý, bảo trì đường bộ.

Nguồn thu tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai, thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước do địa phương quản lý được sử dụng cho chi đầu tư phát triển thuộc đối tượng đầu tư của ngân sách địa phương.

Nguồn thu từ hoạt động xổ số kiến thiết trong dự toán ngân sách địa phương được sử dụng cho đầu tư phát triển, trong đó ưu tiên cho lĩnh vực giáo dục – đào tạo và giáo dục nghề nghiệp (bao gồm cả mua sắm thiết bị dạy học phục vụ chương trình đổi mới sách giáo khoa giáo dục phổ thông), lĩnh vực y tế; phần còn lại các địa phương ưu tiên bố trí thực hiện các nhiệm vụ đầu tư phát triển quan trọng, cấp bách khác thuộc đối tượng đầu tư của ngân sách địa phương.

Cũng theo Thông tư số 78/2022/TT-BTC, tỷ lệ % phân chia các khoản thu giữa ngân sách trung ương và ngân sách từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và số bổ sung cân đối ngân sách cho từng địa phương được áp dụng cho năm 2023 và thời kỳ ổn định ngân sách đến năm 2025.

Căn cứ tình hình thực tế và khả năng cân đối của ngân sách địa phương, tỷ lệ % các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, số bổ sung cân đối và số bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương (nếu có); Ủy ban nhân dân cấp tỉnh rà soát để trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách ở địa phương, tỷ lệ % phân chia giữa ngân sách các cấp chính quyền địa phương đối với phần ngân sách địa phương được hưởng từ các khoản thu ngân sách địa phương được hưởng 100% và các khoản thu phân chia giữa các cấp ngân sách, mức bổ sung cho ngân sách từng cấp chính quyền địa phương cấp dưới đảm bảo theo đúng quy định của Luật NSNN và Nghị quyết của Quốc hội về dự toán NSNN và phân bổ ngân sách trung ương năm 2023.

Theo: Ngọc Ánh (Tạp chí Tài chính)

Dẫn theo nguồn: https://tapchitaichinh.vn/phan-cap-nguon-thu-nhiem-vu-chi-giua-ngan-sach-trung-uong-va-ngan-sach-dia-phuong.html

Trả lời