Năm 2022, Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội sẽ tiếp tục rà soát, làm tốt công tác quản lý, cấp phép tại các khu công nghiệp thông qua việc đẩy mạnh cải cách hành chính và giải quyết thủ tục hành chính; tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp.
Theo Ban Quản lý Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, đến nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 10 khu công nghiệp đang hoạt động với diện tích 1.347,42ha. Trong đó, 9 khu công nghiệp với diện tích 1.270,5ha đã hoạt động ổn định, có tỷ lệ lấp đầy đạt gần 100%.
Tính đến đầu tháng 12/2021, các khu công nghiệp của Hà Nội đã thu hút được trên 700 dự án, trong đó có 303 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 6,1 tỷ USD; 399 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 18.000 tỷ đồng, vốn đăng ký bình quân trên 18 triệu USD/dự án FDI, trên 53 tỷ đồng/dự án trong nước; bình quân 1ha đất thu hút 5,5 triệu USD vốn đăng ký đầu tư.
Dù chịu nhiều ảnh hưởng của dịch COVID-19, năm 2021, các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội tiếp tục thu hút được 7 dự án mới với tổng vốn đăng ký đạt 26,9 triệu USD và 315 tỷ đồng; 23 dự án đầu tư mở rộng với số vốn đăng ký 109 triệu USD và 2.039 tỷ đồng.
Các khu công nghiệp của Hà Nội đã thu hút gần 165 nghìn lao động (trong đó lao động nước ngoài là 1.100 người). Bình quân 1ha đất tạo việc làm cho hơn 160 lao động.
Ông Lê Quang Long, Trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội cho biết, để ứng phó linh hoạt với dịch bệnh, ngay sau khi Thành phố bước sang giai đoạn “bình thường mới”, Đảng ủy các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 nhằm duy trì hoạt động sản xuất an toàn trong các khu công nghiệp.
Ngay trong ngày đầu tiên trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần, Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội tiếp tục có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn lãnh đạo các doanh nghiệp trong khu công nghiệp quán triệt, đôn đốc người lao động thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định.
Cùng với việc rà soát danh sách số lao động đã tiêm 2 mũi vaccine phòng COVID-19 để lên kế hoạch tiêm mũi 3, Ban Quản lý cũng yêu cầu các chủ doanh nghiệp quan tâm chăm lo đời sống người lao động… Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội cũng tổ chức kiểm tra đột xuất tại các doanh nghiệp để kịp thời nhắc nhở nếu có sự lơ là trong công tác phòng, chống dịch.
Chính vì vậy, sau kỳ nghỉ Tết, 98% người lao động tại các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp và chế xuất đã trở lại làm việc, góp phần duy trì hoạt động sản xuất an toàn ngay từ những ngày đầu năm.
Năm 2022, Đảng ủy các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện các mặt công tác, trong đó, sẽ tiếp tục rà soát, làm tốt công tác quản lý, cấp phép tại các khu công nghiệp thông qua việc đẩy mạnh cải cách hành chính và giải quyết thủ tục hành chính; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội cũng phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp.
Đồng thời, tập trung tham mưu xúc tiến việc thành lập và phát triển 2-5 khu công nghiệp mới giai đoạn 2021-2025, đặc biệt là đầu tư phát triển hạ tầng các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố đã có quy hoạch, như: Khu công nghiệp Phú Nghĩa mở rộng (huyện Chương Mỹ), Khu công nghiệp Đông Anh (huyện Đông Anh), Khu công nghiệp Bắc Thường Tín và Phụng Hiệp (huyện Thường Tín) cùng các dự án phát triển công nghiệp… Phấn đấu thu hút đầu tư năm 2022 tối thiểu đạt từ 300 đến 400 triệu USD.
Theo: Diệu Anh/baochinhphu.vn
Dẫn theo nguồn: https://thanglong.chinhphu.vn/tao-dieu-kien-thuan-loi-nhat-cho-doanh-nghiep-trong-khu-cong-nghiep-103220214153709761.htm