Tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương sáng 30/12, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết giai đoạn 2016-2019, hầu hết các chỉ số môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam (theo đánh giá của quốc tế) liên tục cải thiện về điểm số và thứ hạng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh nỗ lực cải cách được Chính phủ đẩy mạnh, nhưng sự vào cuộc của các bộ, ngành còn chưa đồng bộ.
Vì vậy, Chính phủ sẽ tiếp tục ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia nhằm duy trì động lực cải cách liên tục.
Cải cách kinh doanh cần thực chất hơn nữa
Chỉ số môi trường kinh doanh liên tục tăng điểm, thể hiện cải cách có hiệu quả và chất lượng được cải thiện. Năm 2017, môi trường kinh doanh được ghi nhận cải cách vượt trội. Năm 2018, chất lượng môi trường kinh doanh tăng 0,43 điểm, năm 2019 tăng 1,44 điểm.
“Tuy nhiên, 2 năm gần đây, mỗi năm giảm một bậc thứ hạng (hiện đứng thứ 70), chứng tỏ chúng ta có cải cách nhưng đi chậm hơn so với các quốc gia khác. Các chỉ số dù chúng ta đã nỗ lực cải thiện thứ bậc nhưng vẫn đứng dưới thứ hạng 100 là Khởi sự kinh doanh, Nộp thuế và Bảo hiểm xã hội” – Phó Thủ tướng nêu rõ.
Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2019 tăng 3 bậc (từ thứ 45 lên thứ 42), Việt Nam xếp đầu trong nhóm 26 quốc gia thu nhập trung bình thấp.
Chỉ số Năng lực cạnh tranh du lịch (xếp hạng 2 năm một lần) liên tục tăng điểm và tăng hạng. Năm 2019, chỉ số này tăng 0,3 điểm và 12 bậc so với năm 2015 (thứ 75 lên thứ 63) với 11/14 trụ cột tăng bậc.
Chỉ số Hiệu quả logistics (xếp hạng 2 năm một lần) trong năm 2018 tăng mạnh (25 bậc), từ thứ hạng 64 lên thứ 39 với 6/6 chỉ tiêu cải thiện vượt trội. Đáng chú ý là việc ứng dụng công nghệ thông tin vào theo dõi và truy xuất lô hàng giúp chỉ tiêu này tăng mạnh 41 bậc (từ thứ 75/160 lên thứ 34/160); cơ sở hạ tầng (bao gồm cả hạ tầng công nghệ thông tin) tăng 23 bậc (từ thứ 70 lên thứ 47); hiệu quả thông quan tăng 23 bậc (từ thứ 64 lên thứ 41). Tuy vậy, chi phí cao vẫn là trở ngại lớn của ngành logistics ở nước ta.
Chỉ số Chính phủ điện tử (công bố 2 năm một lần), năm 2019, Việt Nam tăng 50 bậc, lên vị trí thứ 50 (từ vị trí 100 năm 2017).
Trong hai năm 2018-2019, các bộ, ngành đã cắt giảm 3.654/6.191 điều kiện kinh doanh. Tuy nhiên, theo đánh giá của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, tỷ lệ điều kiện kinh doanh cắt giảm thực chất vào khoảng hơn 30%.
[Chất lượng tăng trưởng của Việt Nam có sự cải thiện rõ nét]
“Những bất cập về điều kiện kinh doanh được quy định tại các văn bản luật, nhưng các bộ, ngành chậm đề xuất sửa đổi. Nguyên tắc một việc một đầu mối chưa được thực hiện triệt để” – Phó Thủ tướng chỉ rõ.
Trên thực tế, doanh nghiệp vẫn chưa thực sự cảm nhận được kết quả cải cách về điều kiện kinh doanh. Kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, 48% số doanh nghiệp được khảo sát phải xin giấy phép kinh doanh có điều kiện, trong đó 34% doanh nghiệp phản hồi gặp khó khăn khi xin giấy phép.
Cung cấp dịch vụ công trực tuyến cần tăng tốc
Nhìn từ góc độ đánh giá của các tổ chức quốc tế, chỉ số dịch vụ công trực tuyến liên tục tăng bậc trên các bảng xếp hạng khác nhau. Trong bộ chỉ số Chính phủ điện tử cũng như bộ chỉ số Đổi mới sáng tạo, chỉ số thành phần Dịch vụ công trực tuyến tăng 15 bậc trong năm 2018. Mức độ cải thiện nhanh của chỉ số này góp phần nâng hạng chỉ số chung của Việt Nam.
Số dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4 tăng nhanh. Từ 2016 đến nay, số dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 tăng 3,5 lần; cấp độ 4 tăng 10 lần.
Hiện nay, Cổng dịch vụ công quốc gia đã được xây dựng và vận hành cho phép tổ chức, cá nhân đăng ký tài khoản sử dụng; cung cấp chức năng đăng nhập một lần (Single-Sign-On) và các cơ chế xác thực người dùng để thực hiện các thủ tục hành chính tại Cổng Dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh.
Tuy vậy, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4 vẫn còn thấp, nhất là dịch vụ công cấp độ 4 chỉ chiếm khoảng 9% trên tổng số khoảng 120.000 thủ tục hành chính.
Thực tế cho thấy, các thủ tục hành chính còn triển khai riêng lẻ, thiếu kết nối và trong một số trường hợp trùng lắp; hiệu quả triển khai không cao, tỷ lệ hồ sơ phát sinh thấp (khoảng 18%). Ở cấp tỉnh, thành phố, tỷ lệ phát sinh hồ sơ thực hiện dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4 còn thấp (mới ở mức 17%).
Thanh toán không dùng tiền mặt chuyển biến tích cực
Đến cuối năm 2019, tỷ trọng thanh toán tiền mặt/tổng phương tiện thanh toán là 11,78% (năm 2018), giảm xuống còn 11,22% (năm 2019).
Đến tháng 11 của năm 2019, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 47,41% về số lượng và tăng 16,39% về giá trị (năm 2018 tăng tương ứng là 21,03% và 7,26%); Giao dịch qua Internet tăng 69% về số lượng; tăng 37% về giá trị (năm 2018 tăng tương ứng là 33,66% và 19,50%); Giao dịch qua điện thoại di động năm 2019 tăng 196% về số lượng và tăng 225%/năm về giá trị (năm 2018 tăng tương ứng là 41,40% và 169,53%).
Tuy nhiên, còn có khoảng trống về pháp lý đối với thanh toán không dùng tiền mặt, như quy định pháp lý đối với các dịch vụ thanh toán mới – thanh toán xuyên biên giới, tiền di động (Mobile Money). Tỷ lệ sử dụng tiền mặt còn cao khi 80% giao dịch thương mại điện tử vẫn dùng tiền mặt. Thị phần cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến qua ví điện tử chủ yếu thuộc về doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm 68%).
Quyết tăng 10 bậc về môi trường kinh doanh
Đánh giá về kết quả thực hiện cải cách môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh những năm qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng chỉ rõ tuy nỗ lực cải cách được Chính phủ đẩy mạnh, nhưng sự vào cuộc của các bộ, ngành còn chưa đồng bộ, thứ hạng các chỉ số môi trường kinh doanh của nước ta hiện đứng 5 trong ASEAN, vẫn còn cách xa so với Thái Lan, Malaysia và Singapore. Năng lực cạnh tranh hiện đứng thứ 7 trong ASEAN.
Vì vậy, Dự thảo Nghị quyết 02/NQ-CP đặt mục tiêu tăng 10 bậc về chỉ số môi trường kinh doanh; Năng lực cạnh tranh 4.0 tăng 5 bậc; Đổi mới sáng tạo tăng 3-4 bậc; Chính phủ điện tử tăng 10 – 15 bậc.
Dự thảo Nghị quyết nhấn mạnh 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Nghị quyết yêu cầu tiếp tục cải thiện điểm số và thứ hạng các chỉ số môi trường kinh doanh, trong đó: Tập trung vào 2 chỉ số có thứ hạng thấp (dưới vị trí 100, gồm: Khởi sự kinh doanh; Giải quyết phá sản doanh nghiệp), 2 chỉ số có khả năng cải thiện mạnh ngay (gồm Cấp phép xây dựng; Đăng ký tài sản) và 2 chỉ số cần khắc phục một số điểm nghẽn về pháp lý và thực thi (gồm Tiếp cận tín dụng; Giải quyết tranh chấp hợp đồng).
Chỉ số Khởi sự kinh doanh có dư địa cải cách mạnh mẽ. Chỉ số Đăng ký tài sản sẽ cải thiện hiệu quả nếu có sự liên thông thủ tục hành chính giữa cơ quan thuế và cơ quan đăng ký đất đai. Cải thiện các chỉ số về Giải quyết tranh chấp hợp đồng và Giải quyết phá sản doanh nghiệp cần có sự tham gia của Toà án. Đồng thời cần tăng cường giám sát hoạt động thực thi chính sách nhằm đảm bảo các quy định cải cách được ghi nhận trên thực tế.
Cải cách thực chất các các quy định về điều kiện kinh doanh: Năm 2020 khắc phục được các bất cập về điều kiện kinh doanh. Với điều kiện kinh doanh liên quan tới nhiều bộ thì phân công 1 bộ làm đầu mối quản lý.
“Những nghị định có bất cập hoặc chồng chéo về điều kiện kinh doanh sẽ sửa đổi theo hướng một nghị định sửa nhiều nghị định. Các bộ, ngành rà soát, nhận diện và trình Quốc hội các điều kiện kinh doanh không còn cần thiết mà vẫn có trong luật để sửa đổi” – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
Bên cạnh đó là tiếp tục thực hiện cải cách toàn diện công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành và kết nối Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN; Đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4; Đẩy mạnh thanh toán điện tử…
Nguồn: http://tapchitaichinh.vn/su-kien-noi-bat/chinh-phu-dat-muc-tieu-tang-10-bac-ve-chi-so-moi-truong-kinh-doanh-317281.html