Khủng hoảng Covid-19, một loạt nước thành điểm nóng

Không chỉ Ấn Độ mà Thái Lan, Campuchia và hàng loạt các nước châu Âu đang phải đối mặt với làn sóng Covid-19 nghiêm trọng hơn các đợt bùng phát trước kia.

Reuters dẫn số liệu của Bộ Y tế Thái Lan ngày 3/5 cho biết, trong vòng 24 giờ qua, nước này ghi nhận 31 trường hợp tử vong vì Covid-19. Đây là ngày Thái Lan có số người tử vong nhiều nhất kể từ khi dịch bùng phát, nâng tổng số người chết vì đại dịch ở đây lên 276 người. Cũng trong vòng 24 giờ qua, Thái Lan ghi nhận 2.041 ca mắc mới, nâng tổng số người mắc Covid-19 ở nước này lên hơn 71.000 ca.

Số ca bệnh nhiễm biến chủng B.1.1.7 chiếm hơn 50% tổng số ca mắc và tử vong vì Covid-19 ở Thái Lan kể từ khi dịch bắt đầu bùng phát. B.1.1.7 là một biến chủng của virus SARS-Cov-2 được phát hiện đầu tiên tại Anh và được cho là dễ lây lan hơn các chủng cũ.

Ảnh: ReutersẢnh: Reuters

Tuy nhiên, do lo ngại tác động tiêu cực đến nền kinh tế vốn đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các làn sóng Covid-19 trước, chính phủ Thái Lan không muốn giải pháp phong tỏa toàn quốc, thay vào đó tập trung vào việc siết chặt các biện pháp phòng dịch như hạn chế việc di chuyển của người dân, giới hạn thời gian mở cửa của các cơ sở kinh doanh.

Ngoài ra, Thái Lan cũng đẩy nhanh chương trình tiêm chủng toàn quốc. Nước này đặt mục tiêu tiêm chủng cho 70% dân số vào cuối năm nay mặc dù tốc độ triển khai chậm hơn so với một số nước trong khu vực.

Đến nay, Thái Lan đã tiêm chủng cho gần 1,5 triệu người, chủ yếu là nhân viên y tế và các nhóm có nguy cơ cao. Thái Lan hiện sử dụng vắc xin Sinovac của Trung Quốc và vắc xin AstraZeneca.

Báo Khmer News đưa tin, Thủ tướng Campuchia Hun Sen hôm qua cho biết sẽ dỡ phong tỏa thủ đô Phnom Penh và một số tỉnh thành khác từ ngày 5/5 tới sau 3 tuần phong tỏa.

Đến nay, Campuchia ghi nhận tổng cộng 15.361 ca Covid-19, trong đó 106 trường hợp đã tử vong. Thủ đô Phnom Penh, tâm dịch lớn nhất ở Campuchia, đã bị phong tỏa từ giữa tháng 4. Tại đây, giới chức địa phương đã chia thành các “vùng đỏ”, “vùng cam” và “vùng vàng” tùy vào mức độ bùng phát dịch. Tại “vùng đỏ”, nơi có nguy cơ lây lan cao, người dân bị cấm ra khỏi nhà trừ lý do y tế khẩn cấp và mua sắm nhu yếu phẩm.

Như vậy, Ấn Độ không phải là điểm nóng Covid-19 duy nhất trên thế giới. Thổ Nhĩ Kỳ đã bước vào đợt phong tỏa toàn quốc lần đầu tiên hôm thứ Năm tuần trước (29/4), một bước đi không mong muốn vì tỷ lệ lây nhiễm ở mức cao nhất châu Âu.

Từ đầu tuần trước, Iran ghi nhận số ca tử vong hàng ngày chưa từng có, với nhiều thị trấn và thành phố buộc phải phong tỏa một phần để ngăn virus lây lan. Tổng thống Hassan Rouhani tuyên bố nước Cộng hòa Hồi giáo đang hứng chịu làm sóng dịch thứ 4.    

Bức tranh trên toàn Nam Mỹ cũng rất ảm đạm. Theo số liệu của Đại học Johns Hopkins, Brazil tiếp tục có tỷ lệ tử vong vì Covid-19 cao nhất thế giới tính theo dân số. Đến nay, nước này có hơn 14,5 triệu ca nhiễm và gần 400.000 ca tử vong. 

Một số quốc gia đã phải lên tiếng xin trợ giúp. Những ngày gần đây, một loạt nước đã gửi máy tạo oxy, máy thở cùng nhiều loại vật tư y tế khác đến Ấn Độ. Tuy nhiên, một phản ứng toàn cầu được phối hợp như kêu gọi của Tổng giám đốc WHO cách đây một năm – được lặp lại nhiều lần bởi chính WHO và nhiều tổ chức y tế toàn cầu vẫn chưa đạt được.   

Trong khi một số nước phương Tây đang hướng tới cuộc sống bình thường trong những tuần tới, bức tranh Covid-19 toàn cầu vẫn rất thê thảm. WHO thông báo số ca nhiễm trên thế giới đã tăng tuần thứ 9 liên tiếp, và số ca tử vong tăng tuần thứ 6 liên tiếp.

Theo Ngọc Diễm/taichinhdoanhnghiep.net.vn
Dẫn theo nguồn: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/khung-hoang-covid-19-mot-loat-nuoc-thanh-diem-nong-d20659.html

Trả lời