Việt Nam cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng để thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tính từ đầu năm đến ngày 20/1, Việt Nam thu hút được 2,1 tỷ USD vốn FDI, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2021.
Cụ thể, Việt Nam thu hút được 103 dự án FDI mới, với tổng vốn đăng ký đạt gần 388 triệu USD, tăng 2,2 lần về số dự án so với cùng kỳ, giảm trên 70% số vốn đăng ký so với thời điểm tháng 1/2021; vốn tăng thêm của các dự án điều chỉnh đạt 1,27 tỷ USD, tăng gấp 2,69 lần so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, có 206 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, với tổng giá trị vốn góp đạt 443,5 triệu USD, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Thống kê cho thấy, ngay trong tháng 1 đã có nhiều dự án, trong đó có 3 dự án FDI lớn nhất đã “xông đất” năm Nhâm Dần 2022 tại một số địa phương. Cụ thể, tại Nghệ An, là Dự án nhà máy chế tạo các sản phẩm điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện của Tập đoàn Goertek (Hồng Kông, Trung Quốc) tại Khu công nghiệp WHA ở Nghệ An được điều chỉnh tăng vốn đầu tư từ 100 triệu USD lên 500 triệu USD.
Tại Phú Thọ, dự án Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử (JNTC – Hàn Quốc), điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 163 triệu USD tại Phú Thọ, được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh ngành 7-1. Trong khi đó, tại Bắc Ninh, dự án thương mại và dịch vụ GE Việt Nam (Hàn Quốc), điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 216,9 triệu USD. Ngoài ra, trên cả nước còn có 100 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, 71 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư và 206 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài.
Đánh giá về triển vọng thu hút vốn FDI năm 2022 trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, ông Đỗ Nhất Hoàng – Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng, triển vọng thu hút vốn FDI của Việt Nam thời gian tới là rất rõ. Theo đó, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ bứt phá trong năm 2022 khi các quốc gia đang thích ứng với điều kiện bình thường mới, dần mở cửa nền kinh tế.
Đồng quan điểm, chia sẻ với báo chí, GS., TSKH. Nguyễn Mại – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng, nhiều khả năng dòng vốn FDI đăng ký sẽ tăng ít nhất 10-15%, trong khi vốn thực hiện tăng khoảng 10%. Trong bối cảnh, nhiều hiệp định thương mại tự do đã bắt đầu có hiệu lực, nổi bật nhất là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực tạo nên những lợi thế về thương mại cho Việt Nam, từ đó kích thích đầu tư. Có thể coi đây như một “cú huých” mang đến những nhân tố mới cho thị trường đầu tư tại Việt Nam.
Tuy nhiên, để tạo được lợi thế cạnh tranh trong thu hút nguồn vốn này, GS., TSKH. Nguyễn Mại cho rằng, Việt Nam cần phải tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng, chẳng hạn như thành lập các trung tâm nghiên cứu phát triển thúc đẩy tận dụng được nguồn vốn FDI và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
“Nếu không có sự hoạch định chính sách nhanh chóng, đặc biệt là giảm thiểu các thủ tục đầu tư và xây dựng thể chế minh bạch, công khai, ổn định hơn thì sẽ không tạo được sự yên tâm cho các nhà đầu tư khi đến với Việt Nam”, chuyên gia này nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, Việt Nam cần tận dụng tối đa lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tăng cường hoạt động ngoại giao, giao thương quốc tế nhằm kêu gọi đầu tư.
Đồng thời, công tác triển khai, thực thi các cam kết với nhà đầu tư phải đồng bộ từ trung ương tới địa phương để xây dựng hình ảnh Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư là một miền đất hứa với nhiều tiềm năng cho hoạt động kinh doanh, sản xuất.
Dẫn theo nguồn: https://tapchitaichinh.vn/su-kien-noi-bat/tiep-tuc-cai-thien-moi-truong-dau-tu-kinh-doanh-de-thu-hut-von-fdi-345319.html