Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh được kiểm soát, mọi hoạt động dần trở lại bình thường, TP. Hà Nội yêu cầu các cấp ngành, đơn vị đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Trong đó, có việc tăng tốc các công trình, dự án… để thúc đẩy giải ngân đầu tư công.
Đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công
Là một trong những đơn vị thực hiện nhiều dự án, công trình trên địa bàn Thành phố, ngay từ đầu năm 2022, cùng với việc tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội đã yêu cầu nhà thầu huy động tối đa nhân lực, làm việc 3 ca để đẩy nhanh tiến độ.
Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội Nguyễn Chí Cường cho biết, dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 khởi công tháng 1/2021 với tổng mức đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng, tổng chiều dài và đường dẫn hơn 3,5 km. Đến nay, đã hoàn thành trên 43% khối lượng công việc.
“Chúng tôi đã tập trung thi công các trụ vượt sông. Trong đó, 90% số cột trụ đã hoàn thành và đường dẫn vượt bãi sông đang dần hoàn thiện. Phấn đấu sang năm 2023 sẽ hoàn thành dự án đưa vào khai thác sử dụng”, ông Nguyễn Chí Cường nhấn mạnh.
Đồng thời ông Cường cho biết, dự án xây dựng đường Vành đai 2 trên cao trục cầu Vĩnh Tuy – Ngã Tư Sở, đến nay đoạn Ngã Tư Sở – Ngã Tư Vọng đã hoàn thành, thông xe đi vào vận hành. Đoạn cầu Vĩnh Tuy – Ngã Tư Vọng đang được chủ đầu tư huy động phương tiện máy móc, nhân lực thi công tăng ca, ứng dụng khoa học kỹ thuật cao để đẩy nhanh tiến độ thi công theo đúng cam kết với Thành phố.
Đối với dự án hầm chui Lê Văn Lương – Vành đai 3, nhà thầu đồng thời thực hiện dự án thu hẹp hai hè đường để mở rộng đường Lê Văn Lương với chiều dài 315m và mở rộng đường Tố Hữu với chiều dài 390 m. Hiện, nhà thầu đang thi công lắp đặt hệ thống điện và nước đi ngầm…, phấn đấu hoàn thành dự án và đưa vào khai thác trong quý IV/2022. Dự án nhằm góp phần giảm ùn tắc giao thông tại nút giao theo hướng đường Lê Văn Lương – Tố Hữu và giảm ô nhiễm môi trường.
Tại quận trung tâm Hà Nội-Hoàn Kiếm, hiện đang tập trung triển khai dự án xây dựng trường Tiểu học Quang Trung; trường THCS Lê Lợi; dự án giải phóng mặt bằng đền Bà Kiệu; dự án chỉnh trang tuyến phố Tràng Tiền…
Theo ông Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, quận đang tập trung tối đa thực hiện các công trình, dự án; thường xuyên đôn đốc các chủ đầu tư trong việc đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, đặc biệt là tập trung vào các công trình chuyển tiếp. Đồng thời, đẩy nhanh quyết toán các công trình đã có khối lượng; tập trung cho công tác chuẩn bị đầu tư để khởi công những công trình mới…
Coi giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm
Theo Sở KH&ĐT Hà Nội, quý I/2022, vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước, ước tính đạt 76.260 tỷ đồng. Trong đó, vốn Nhà nước đạt 26.000 tỷ đồng, chiếm 33,6% tổng vốn đầu tư và tăng 10,1%; vốn ngoài nhà nước đạt 45.000 tỷ đồng, chiếm 59,4% và tăng 6,7%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 5.000 tỷ đồng, chiếm 7% và tăng 6,7%.
Nhằm đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2022, TP. Hà Nội đã thành lập tổ công tác đặc biệt của Thành phố và các quận, huyện, thị xã để đôn đốc, kiểm tra, giám sát, xử lý các điểm nghẽn; lập kế hoạch giải ngân chi tiết cho từng dự án, nhất là dự án trọng điểm, dự án có số vốn lớn.
Việc Hà Nội tập trung triển khai thi công các công trình, dự án trên địa bàn, không chỉ giúp Thành phố tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công mà còn tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trong thời gian tới…
Theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh, các chủ đầu tư xây dựng kế hoạch giải ngân và cam kết tiến độ giải ngân của từng dự án, gửi kế hoạch về Sở KH&ĐT trước ngày 30/4/2022. Đồng thời báo cáo tình hình thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2022 và năm 2021 kéo dài, báo cáo định kỳ trước ngày 5 hằng tháng.
TP. Hà Nội quyết tâm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án và giải ngân vốn đầu tư công, coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư phục vụ phát triển toàn diện kinh tế-xã hội. TP. Hà Nội phấn đấu hoàn thành 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 kéo dài sang năm 2022; hoàn thành giải ngân hết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022, bảo đảm mục tiêu, chất lượng, hiệu quả sử dụng vốn theo đúng quy định pháp luật.
Để đưa toàn bộ lượng vốn đầu tư công năm 2022 vào nền kinh tế, TP. Hà Nội đưa ra những giải pháp như yêu cầu các cấp tăng cường theo dõi, chủ động kiểm tra, rà soát dự án, rút ngắn tối đa thời gian, tiến độ thực hiện, bảo đảm chất lượng công trình; khẩn trương hoàn thành công việc còn tồn đọng của các dự án;
Cùng với đó, cần thực hiện thủ tục thanh toán cho dự án ngay sau khi có khối lượng được nghiệm thu; thực hiện bàn giao, hoàn thành hồ sơ, thủ tục thanh toán, quyết toán dự án theo đúng quy định của pháp luật.
UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải quyết thủ tục đầu tư của dự án theo phân cấp, ủy quyền của UBND Thành phố, những dự án sử dụng nguồn ngân sách Thành phố hỗ trợ; đồng thời, chủ động có giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong bồi thường, giải phóng mặt bằng, giải quyết thủ tục đầu tư dự án để đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, dự án trên địa bàn.
Theo: Diệu Anh/baochinhphu.vn
Dẫn theo nguồn: https://thanglong.chinhphu.vn/tang-toc-cac-du-an-thuc-day-giai-ngan-dau-tu-cong-103220418093154519.htm