Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực năng suất chất lượng

Việt Nam xác định, trong thời gian tới, tiếp tục tham gia có hiệu quả, thực hiện đầy đủ trách nhiệm thành viên vào hoạt động của Tổ chức Năng suất châu Á (APO); và các tổ chức quốc tế, khu vực khác về năng suất, chất lượng; Trao đổi và hợp tác quốc tế để tiếp thu và cập nhật các phương pháp mới, kinh nghiệm, kỹ thuật gia tăng năng suất chất lượng…

Chính phủ, Quốc hội Việt Nam đã có những chính sách, quyết sách rất quan trọng nhằm nâng cao hoạt động công nghệ

Đối với Việt Nam, khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu; Năng suất và đổi mới sáng tạo là nội dung xuyên suốt trong Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam (2020 – 2030). Vì vậy, Chính phủ, Quốc hội Việt Nam đã có những chính sách, quyết sách rất quan trọng nhằm nâng cao hoạt động công nghệ, nhất là nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm giúp cho nền kinh tế Việt Nam lên một tầm cao mới.

Trong thời gian qua, hoạt động hợp tác quốc tế và hội nhập trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng đã được Việt Nam đẩy mạnh cả về chiều rộng và chiều sâu. Việt Nam duy trì hợp tác thường xuyên với hơn 30 tổ chức quốc tế, một số nước trên thế giới và khu vực. Việc tham gia các tổ chức quốc tế và khu vực trong nhiều năm qua đã giúp xây dựng nên chính sách về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng phù hợp với bài bản quốc tế, góp phần tích cực tạo thuận lợi cho thương mại, nâng cao vị thế của Việt Nam trong các tổ chức quốc tế và khu vực, đảm bảo sự hội nhập của Việt Nam trên trường quốc tế.

Đặc biệt, việc trở thành thành viên Tổ chức Năng suất châu Á (APO) từ ngày 1/1/1996 có ý nghĩa rất quan trọng đối với Việt Nam. Được thành lập vào ngày 11/05/1961, APO có tầm nhìn trở thành tổ chức quốc tế dẫn đầu trong công cuộc nâng cao năng suất, đưa các nền kinh tế thành viên của APO trở nên năng suất và cạnh tranh hơn vào năm 2020. Sự hỗ trợ của APO đối với Việt Nam thể hiện trên hoạt động quan trọng trong thời gian gần đây như: Xây dựng Kế hoạch tổng thể về năng suất hướng tới phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo, tăng cường năng lực thông qua các hội thảo, hội nghị, tư vấn, cung cấp chuyên gia… đối với nhiều lĩnh vực gắn liền với các chính sách, chủ trương phát triển của nhà nước như sản xuất thông minh, đô thị thông minh; truy xuất nguồn gốc; đào tạo chuyên gia đánh giá về Giải thưởng chất lượng quốc gia…

Từ khi gia nhập đến nay, Tổ chức Năng suất quốc gia Việt Nam (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) đã cử hàng nghìn lượt cán bộ của các cơ quan quản lý, các ngành kinh tế và các tổ chức, doanh nghiệp tham dự các chương trình, dự án của APO ở trong nước và nước ngoài.

Tổng thư ký APO, ngày 30/11/2019, khẳng định ủng hộ và hỗ trợ cho Việt Nam thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo tạo động lực cho phát triển năng suất và mong muốn mở rộng phạm vi ứng dụng đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực: Nông nghiệp, phát triển nguồn nhân lực, hài hòa các tiêu chuẩn…

Hiện tại, APO đã hỗ trợ các nền kinh tế thành viên thành lập 05 Trung tâm xuất sắc (COE) gồm: COE về Mô hình kinh doanh hoàn hảo tại Singapore (2009), COE về Năng suất xanh tại Đài Loan (2013), COE về năng suất trong lĩnh vực công tạo Philippines (2015), COE về công nghệ thông tin phục vụ công nghiệp 4.0 tại Ấn Độ (2017) và COE về Sản xuất thông minh tại Đài Loan (2019).

Trả lời