Thủ tướng yêu cầu tăng cường công tác quản lý tiền công đức

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với tiền công đức tại các di tích lịch sử – văn hóa, thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ về xây dựng, chấn hưng và phát triển nền văn hoá, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý tiền công đức.

Tăng cường công tác quản lý tiền công đức

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 77/CĐ-TTg ngày 8/8/2024 yêu cầu các Bộ ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với tiền công đức, tiền tài trợ tại các di tích lịch sử – văn hóa trên phạm vi toàn quốc.

Thời gian qua, triển khai các quy định tại Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ về quản lý và tổ chức lễ hội, Thông tư số 04/2023/TT-BTC ngày 19/01/2023 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội, công tác quản lý nhà nước đối với tiền công đức, tiền tài trợ tại các di tích lịch sử – văn hóa trên phạm vi toàn quốc đã đạt được một số kết quả nhất định.

Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước đối với tiền công đức, tiền tài trợ vẫn còn một số hạn chế. Số liệu báo cáo thu, chi tiền công đức, tài trợ của các di tích, kể cả di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt mới chỉ phản ánh một phần, chưa đầy đủ. Còn một số cơ sở di tích lịch sử – văn hóa chưa báo cáo kịp thời, đầy đủ công tác quản lý tiền công đức, tiền tài trợ; chưa thực hiện lắp đặt camera để giám sát tại các điểm tiếp nhận, kiểm đếm tiền công đức, tài trợ. Vẫn tồn tại tình trạng du khách đặt nhiều loại tiền trên các ban thờ tại các di tích làm mất đi sự tôn nghiêm, thanh tịnh nơi thờ tự. Việc quản lý tiền công đức, tiền tài trợ có lúc, có nơi chưa chặt chẽ, tiềm ẩn rủi ro để thất thoát,…

     Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tăng cường công tác quản lý tiền công đức tại các di tích lịch sử – văn hóa trên phạm vi toàn quốc.

Do đó, để nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với tiền công đức, tiền tài trợ tại các di tích lịch sử – văn hóa, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiên cứu nội dung báo cáo, kiến nghị của Bộ Tài chính về kết quả kiểm tra tổng thể việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử – văn hóa trên phạm vi toàn quốc năm 2023 tại Văn bản số 174/BC-BTC ngày 26/6/2024, chủ động thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, kịp thời, hiệu quả theo quy định để tăng cường công tác quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử – văn hoá; rà soát văn bản, quy định của địa phương liên quan đến quản lý thu, chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội để ban hành Quyết định mới hoặc sửa đổi, bổ sung cho phù hợp theo quy định của Bộ Tài chính; chỉ đạo các tổ chức, cá nhân có liên quan công khai, minh bạch việc thu, chi các khoản công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội và cung cấp thông tin kịp thời khi được cơ quan chức năng có thẩm quyền yêu cầu theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, tạo đồng thuận xã hội, huy động sự vào cuộc, đồng tình, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân; xây dựng kế hoạch kiểm tra định kỳ và tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo đảm tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội được sử dụng chặt chẽ, công khai, minh bạch, hiệu quả, đúng mục đích, đúng quy định, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định của pháp luật, tuyệt đối không để xảy ra lãng phí, tiêu cực, tham nhũng, lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi, phục vụ lợi ích cá nhân; góp phần giữ gìn, phát huy văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc và đóng góp tích cực cho việc bảo tồn, tu bổ, tôn tạo di tích, tổ chức lễ hội, phát huy giá trị di sản văn hoá dân tộc Việt Nam.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng các Bộ: Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Tài chính theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao có trách nhiệm hướng dẫn UBND các địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác quản lý tiền công đức, tiền tài trợ tại các di tích lịch sử – văn hoá theo quy định.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài chính, các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền trong quý 4/2024 để bổ sung quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước của chính quyền địa phương các cấp trong việc quản lý tiền công đức, tiền tài trợ tại các di tích lịch sử – văn hóa và chế tài xử lý nghiêm khi để phát sinh sai phạm.

Thủ tướng Chính phủ giao Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc việc thực hiện của các đơn vị, địa phương. 

Các di tích lịch sử – văn hóa thu 4.100 tỷ đồng tiền công đức

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, cả nước hiện có 31.211 di tích lịch sử – văn hóa (gồm 31.581 di tích thành phần). Trong đó có 206 di tích quốc gia đặc biệt, 3.875 di tích quốc gia, 10.963 di tích cấp tỉnh và 16.167 di tích được đưa vào danh mục kiểm kê di tích của địa phương.

Năm 2023 có 15.324 di tích (49%) có số liệu thu, chi tiền công đức, tài trợ. Trong đó, tổng số di tích là cơ sở tôn giáo là 5.683 di tích, hiện có 3.912 di tích trong tổng số này (69%) có số liệu thu, chi tiền công đức, tài trợ, số di tích còn lại không báo cáo.

Tổng số tiền thực thu trong năm 2023 của các di tích lịch sử – văn hóa là 4.100 tỷ đồng (không bao gồm các khoản công đức, tài trợ bằng hiện vật, công trình xây dựng; tiền công đức, tài trợ cho hoạt động tôn giáo của tổ chức tôn giáo).

Tổng số các di tích khác là 25.898 di tích, hiện có 11.412 di tích (44%) có số liệu thu, chi; số còn lại chủ yếu là di tích tư nhân, nhà thờ dòng họ không báo cáo và các di tích đặc thù không có công đức, tài trợ (di tích là địa điểm ghi dấu sự kiện, mốc lịch sử, phố cổ, nhà cổ, văn chỉ, địa điểm khảo cổ, hang động). Các di tích trên địa bàn tỉnh Đắk Nông không có thu, chi công đức, tài trợ.

Báo cáo của Bộ Tài chính cũng chỉ rõ, số thu tại các di tích là cơ sở tín ngưỡng 3.062 tỷ đồng (75%). Có 63 di tích thu trên 5 tỷ đồng, trong đó đáng chú ý có 28 di tích thu trên 10 tỷ đồng, và 7 di tích thu trên 25 tỷ đồng, gồm: Miếu Bà Chúa Xứ ở Châu Đốc, An Giang 220 tỷ đồng; Đền Bảo Hà ở Bảo Yên, Lào Cai 71 tỷ đồng; Khu di tích lịch sử Nhà tù Côn Đảo ở Bà Rịa -Vũng Tàu 34 tỷ đồng; Đền Sòng Sơn ở Bỉm Sơn, Thanh Hóa 28 tỷ đồng; Đền Hùng ở Phú Thọ 26 tỷ đồng và 2 di tích ở Hà Nội (Đình La Khê ở Hà Đông 28 tỷ đồng và Đền trình Ngũ Nhạc (chùa Hương) ở huyện Mỹ Đức 33 tỷ đồng).

Số thu tại các di tích là cơ sở tôn giáo 1.038 tỷ đồng (25%). Có 15 di tích thu trên 5 tỷ đồng, trong đó chỉ có 4 di tích thu trên 10 tỷ đồng: Chùa Tranh ở huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương 10,2 tỷ đồng; Chùa Tàm Xá ở Đông Anh, Hà Nội hơn 10 tỷ đồng; Chùa Ông ở Biên Hòa, Đồng Nai 14,2 tỷ đồng; Ban Đại diện Phật giáo Hòa Hảo tỉnh Cà Mau 14,4 tỷ đồng.

Có 7 tỉnh, thành phố có số thu trên 200 tỷ đồng, gồm: Hà Nội 672 tỷ đồng, Hải Dương 278 tỷ đồng, An Giang 277 tỷ đồng, Bắc Ninh 269 tỷ đồng, Hưng Yên 242 tỷ đồng, Nam Định 215 tỷ đồng. Tỉnh Quảng Ninh được giao thực hiện thí điểm việc kiểm tra, số thu 4 tháng đầu năm 2023 trên 67 tỷ đồng (đã bổ sung số thu tại chùa Ba Vàng và một số di tích), ước thu cả năm trên 200 tỷ đồng.

Có 9 tỉnh, thành phố có số thu trên 100 tỷ đồng đến dưới 200 tỷ đồng, gồm: Hải Phòng 183 tỷ đồng, Thái Bình 169 tỷ đồng, Vĩnh Phúc 127 tỷ đồng, Bắc Giang 122 tỷ đồng, Phú Thọ 119 tỷ đồng, Lào Cai 116 tỷ đồng, Nghệ An 115 tỷ đồng, Ninh Bình 110 tỷ đồng, Thanh Hóa 105 tỷ đồng.

Tổng số chi trong năm 2023 là 3.612 tỷ đồng (một số địa phương có số chi cao hơn số thu do sử dụng số dư năm 2022 chuyển sang).

Trong đó, chi quản lý là 445 tỷ đồng (12%); chi hoạt động lễ hội là 692 tỷ đồng (19%); chi tu bổ, tôn tạo di tích là 1.643 tỷ đồng (46%); các khoản chi tuyên truyền, bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường, cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới các công trình phụ trợ tại di tích là 542 tỷ đồng (15%).

Theo Hoàng Tư/taichinhdoanhnghiep.net.vn

Dẫn theo nguồn: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/thu-tuong-yeu-cau-tang-cuong-cong-tac-quan-ly-tien-cong-duc-d50976.html

Trả lời