Chính phủ ban hành Nghị định mới về vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập; đẩy mạnh phát triển các vùng kinh tế trọng điểm; Thủ tướng yêu cầu các tỉnh kiểm tra cơ sở vật chất, trường lớp học; sửa quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn với cán bộ, công chức;… là những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 7-11/9/2020.
Ảnh minh họa |
Đẩy mạnh phát triển các vùng kinh tế trọng điểm
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh phát triển các vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ).
Tại Nghị quyết, Chính phủ yêu cầu các địa phương trong vùng KTTĐ nỗ lực, quyết tâm cao nhất vượt qua khó khăn, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế so sánh, đổi mới, sáng tạo để tạo động lực phát triển chung của vùng và vì sự phát triển chung của đất nước. Xây dựng cơ chế chính sách đặc thù huy động nguồn lực xã hội và bố trí nguồn lực đầu tư thích đáng từ nguồn ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2021-2025 để phát triển kết cấu hạ tầng của Vùng KTTĐ, nhất là các dự án giao thông, thủy lợi liên vùng, các dự án quan trọng quy mô lớn tác động lan tỏa tích cực, các công trình chống ngập, trữ nước, kiểm soát mặn, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Các địa phương trong vùng KTTĐ xác định các ngành, lĩnh vực phù hợp với đặc thù, lợi thế so sánh của từng vùng, từng địa phương trong vùng để tập trung thu hút đầu tư, hạn chế phát triển dàn trải, trùng lặp, cạnh tranh giữa các vùng và nội vùng; tránh phụ thuộc vào một số ngành, lĩnh vực phát triển không bền vững, đã hết dư địa tăng trưởng. Các tỉnh, thành phố trong vùng KTTĐ cần luôn đi đầu trong đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến và áp dụng các mô hình phát triển kinh tế mới, thể hiện vai trò đầu tàu, “hạt nhân phát triển” của nền kinh tế quốc gia.
Nghị định mới về vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập
Chính phủ đã ban hành Nghị định 106/2020/NĐ-CP về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập.
Nghị định quy định cụ thể 2 căn cứ xác định vị trí việc làm và 3 căn cứ xác định số lượng người làm việc.
Chính phủ yêu cầu chậm nhất đến hết ngày 30/6/2021, Bộ trưởng Bộ quản lý ngành, lĩnh vực phải ban hành văn bản hướng dẫn về vị trí việc làm lãnh đạo quản lý và chức danh nghề nghiệp chuyên ngành, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc đối với đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực được giao quản lý; Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành văn bản hướng dẫn về vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung và hỗ trợ, phục vụ của đơn vị sự nghiệp công lập.
Chậm nhất sau 03 tháng kể từ ngày Bộ trưởng Bộ quản lý ngành, lĩnh vực và Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành văn bản hướng dẫn, các bộ, ngành, địa phương phải phê duyệt vị trí việc làm và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý.
Sửa quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn với CBCC
Chính phủ ban hành Nghị định số 104/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 53/2015/NĐ-CP ngày 29/5/2015 của Chính phủ quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với cán bộ, công chức.
Cụ thể, bổ sung thêm 1 trường hợp cán bộ, công chức được nghỉ hưu ở tuổi cao hơn là cán bộ, công chức nữ giữ chức vụ, chức danh: Ủy viên Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy là người dân tộc thiểu số.
Đồng thời, các trường hợp Phó Trưởng Ban Chỉ đạo: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ không còn thuộc đối tượng được nghỉ hưu ở tuổi cao hơn (do các Ban chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ đã kết thúc hoạt động từ cuối năm 2017).
Chính sách phát triển giáo dục mầm non
Chính phủ ban hành Nghị định số 105/2020/NĐ-CP quy định một số chính sách phát triển giáo dục mầm non bao gồm: Chính sách đối với cơ sở giáo dục mầm non; chính sách đối với trẻ em; chính sách đối với giáo viên mầm non.
Trong đó, Nghị định quy định trẻ em độ tuổi mẫu giáo (không bao gồm trẻ em dân tộc thiểu số rất ít người theo quy định tại Nghị định số 57/2017/NĐ-CP ngày 9/5/2017 của Chính phủ) đang học tại lớp mẫu giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non bảo đảm một trong những điều kiện sau:
1- Có cha hoặc có mẹ hoặc có người chăm sóc trẻ em hoặc trẻ em thường trú ở thôn đặc biệt khó khăn, xã có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
2- Không có nguồn nuôi dưỡng được quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.
3- Là nhân khẩu trong gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
4- Trẻ em là con liệt sĩ, con Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, con thương binh, con người hưởng chính sách như thương binh, con bệnh binh; con một số đối tượng chính sách khác theo quy định tại Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (nếu có).
5- Trẻ em khuyết tật học hòa nhập.
Trẻ em thuộc đối tượng quy định ở trên được hỗ trợ tiền ăn trưa là 160.000 đồng/trẻ/tháng. Thời gian hỗ trợ tính theo số tháng học thực tế, nhưng không quá 9 tháng/năm học.
Vụ sập cổng trường: Thủ tướng yêu cầu các tỉnh kiểm tra cơ sở vật chất, trường lớp học
Về việc một số học sinh mầm non, tiểu học bị tai nạn do sập đổ cổng trường tại một điểm trường thuộc xã Khánh Yên Thượng, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra làm rõ nguyên nhân xảy ra tai nạn, xác định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan; đồng thời yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương kiểm tra rà soát cơ sở vật chất, trường lớp học nhất là trong mùa mưa bão, bảo đảm an toàn cho học sinh ngay từ đầu năm học 2020-2021.
Quy định chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang EU
Chính phủ ban hành Nghị định 103/2020/NĐ-CP quy định về chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang Liên minh châu Âu.
Nghị định này quy định về chứng nhận chủng loại gạo thơm thuộc Danh mục quy định tại điểm 8 tiểu mục 1 mục B Phụ lục 2-A của Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (Hiệp định EVFTA) được hưởng miễn thuế nhập khẩu theo hạn ngạch khi xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU)
Theo đó, điều kiện chủng loại gạo thơm được chứng nhận gồm:
1- Gạo thơm được sản xuất từ giống lúa thơm có chất lượng hạt giống phù hợp theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia; có thông tin rõ ràng về diện tích, địa điểm trồng (tổ/thôn, phường/xã, quận/huyện/thị xã, tỉnh/thành phố).
2- Lô ruộng lúa thơm được kiểm tra bảo đảm độ thuần giống (% số cây) không nhỏ hơn 95%.
Ứng phó nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn ở ĐBSCL
Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 36/CT-TTg về chủ động triển khai các biện pháp ứng phó nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô 2020-2021 ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Để chủ động thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất và dân sinh, trước hết là trong các tháng mùa khô năm 2020-2021, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long theo dõi chặt chẽ diễn biến, thông tin dự báo khí tượng thủy văn, tình hình xâm nhập mặn, chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn cho mùa khô năm 2020-2021 với các kịch bản khả năng ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, bao gồm cả các kịch bản ứng phó với xâm nhập mặn cực đoan như đã xảy ra các năm 2015-2016, 2019-2020. Cần xác định từng vùng, từng khu vực có khả năng bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn để chỉ đạo, triển khai giải pháp cụ thể, bảo đảm giảm thiểu ảnh hưởng đến sản xuất và dân sinh. Trường hợp xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn nghiêm trọng cần ưu tiên nguồn nước để cấp nước sinh hoạt cho người dân, chăn nuôi gia súc và tưới cho cây trồng có giá trị kinh tế cao; quán triệt phương châm không để hộ dân nào thiếu nước sinh hoạt.
Ngành Công Thương lên kế hoạch bảo vệ môi trường 2020-2025
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký Quyết định số 1375/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch bảo vệ môi trường ngành Công Thương giai đoạn 2020-2025.
Kế hoạch được xây dựng nhằm đưa ra lộ trình và các ưu tiên thực hiện trong công tác bảo vệ môi trường của ngành, tập trung vào các nội dung hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường ngành Công Thương; ngăn ngừa, kiểm soát các nguồn thải, hạn chế các rủi ro, sự cố môi trường; xử lý các vấn đề môi trường cấp bách trong hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại; nhận diện các vấn đề môi trường trong giai đoạn tới và phòng ngừa, ứng phó các sự cố môi trường nhằm thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững, bám sát các mục tiêu phát triển bền vững và các mục tiêu, nhiệm vụ thực hiện tái cơ cấu ngành công nghiệp.
Theo Chí Kiên/baochinhphu.vn
Dẫn theo nguồn: http://baochinhphu.vn/Chi-dao-quyet-dinh-cua-Chinh-phu-Thu-tuong-Chinh-phu/Chi-dao-dieu-hanh-cua-Chinh-phu-Thu-tuong-Chinh-phu-noi-bat-tuan-tu-7119/407475.vgp