Doanh nghiệp kinh doanh trò chơi có thưởng không xây dựng và ban hành các quy định nội bộ về phòng chống rửa tiền, phòng chống tài trợ khủng bố có thể bị phạt tiền từ 90 – 100 triệu đồng.
Ông Nguyễn Minh Tiến, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng, Bộ Tài chính cho biết, dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trò chơi có thưởng đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến với nhiều điểm mới.
Cụ thể, dự thảo Nghị định kế thừa 20 nhóm hành vi vi phạm hành chính được quy định tại 03 nghị định gồm: Nghị định 86/2013/NĐ-CP ngày 29/7/2013 của Chính phủ về kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài, Nghị định 06/2017/NĐ-CP ngày 24/01/2017 của Chính phủ về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế và Nghị định 03/2017/NĐ-CP ngày 16/01/2017 của Chính phủ về kinh doanh casino.
Bên cạnh các nội dung kế thừa, tại dự thảo Nghị định đã bổ sung, hoàn thiện 3 nhóm nội dung mới. Thứ nhất là bổ sung quy định xử phạt hành vi vi phạm về phòng, chống rửa tiền; phòng chống khủng bố đối với lĩnh vực trò chơi có thưởng nhằm đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành về phòng chống rửa tiền và phòng chống tài trợ khủng bố.
“Việc đề xuất các hình thức xử phạt vi phạm hành chính về phòng, chống rửa tiền, phòng chống khủng bố được Bộ Tài chính căn cứ vào quy định của Luật phòng chống rửa tiền và Luật phòng chống khủng bố; tính chất, mức độ, hậu quả của từng hành vi vi phạm và trên cơ sở khuyến nghị của các tổ chức quốc tế như: Lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế (FATF), Nhóm Châu Á Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG)”, ông Tiến cho hay.
Theo đó, đối với các hành vi vi phạm có tính chất, mức độ vi phạm thấp như không áp dụng các biện pháp nhận biết, cập nhật thông tin khách hàng, không thực hiện các báo cáo giao dịch lớn, giao dịch đáng ngờ thì bị phạt tiền từ 40 – 50 triệu đồng.
Đối với các hành vi có tính chất nghiêm trọng hơn như: không thực hiện các biện pháp trì hoãn, phong tỏa tài khoản theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, không xây dựng và ban hành các quy định nội bộ về phòng chống rửa tiền, phòng chống tài trợ khủng bố thì áp dụng phạt tiền 90 – 100 triệu đồng để đảm bảo tính nghiêm minh, răn đe của pháp luật.
Thứ hai, theo ông Tuấn, tại Luật xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi) bổ sung nhiều chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Do vậy, tại dự thảo Nghị định bổ sung, hoàn thiện quy định về thẩm quyền xử phạt hành chính của 3 chức danh Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chánh thanh tra Sở Tài chính và Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành cấp Bộ để đồng bộ với quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi).
Thứ ba, để phản ánh đúng tính chất, mức độ của hành vi vi phạm và đảm bảo tính răn đe, nghiêm khắc của pháp luật đối với các hoạt động kinh doanh trò chơi có thưởng, dự thảo Nghị định đã nâng mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm hành chính liên quan đến quản lý người chơi và hành vi vi phạm trong tổ chức kinh doanh gắn với các điều kiện đầu tư, kinh doanh…
Đối với hành vi có tính chất tương đồng, do hoạt động kinh doanh casino và đặt cược có tính chất, phạm vi kinh doanh phức tạp và rộng hơn so với hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng, dự thảo Nghị định quy định mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm trong kinh doanh casino, kinh doanh đặt cược cao hơn lĩnh vực kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài nhằm đảm bảo đúng nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính tại Luật xử lý vi phạm hành chính.
Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính Ngân hàng khẳng định, việc ban hành Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh lực trò chơi có thưởng nhằm đảm bảo, thống nhất đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành và mục tiêu quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, đảm bảo thị trường diễn ra công khai, minh bạch, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia. Ngoài ra, việc tăng mức phạt tiền với sự phân biệt giữa các loại hình trò chơi có thưởng đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa các hành vi vi phạm, góp phần duy trì trật tự, kỷ cương, nâng cao nhận thức của người chơi và doanh nghiệp.