Địa phương chiếm gần 80% tổng số vốn đầu tư công phải giải ngân năm 2020. Như vậy, để đẩy nhanh tiến độ và hoành thành giải ngân 100% vốn đầu tư công theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì vai trò của các địa phương trong công tác này là rất quan trọng.
Địa phương chiếm gần 80% nguồn vốn đầu tư công
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị giao ban trực tuyến với các địa phương về giải ngân vốn đầu tư công ngày 16/7/2020 vừa qua, năm nay, chúng ta phải giải ngân khoảng 28 tỷ USD, tương đương trên 630.000 tỷ đồng. Trong đó, địa phương chiếm gần 80%, còn lại là các bộ, ngành.
Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, ước giải ngân 6 tháng đầu năm là gần 160.000 tỷ đồng, đạt 33,9% kế hoạch (cùng kỳ đạt 28,56% kế hoạch Quốc hội giao). Mặc dù các cấp, các ngành và địa phương đã quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, số vốn giải ngân tăng so với cùng kỳ năm 2019, song tỉ lệ giải ngân 6 tháng đầu năm 2020 vẫn thấp so với yêu cầu.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, trách nhiệm người đứng đầu trong giải ngân vốn đầu tư công phải được xem xét, đánh giá. Việc giải ngân gắn với thi đua khen thưởng, kỷ luật; đánh giá năng lực, phẩm chất cán bộ; đi liền kiểm điểm, xử lý nghiêm tập thể, cá nhân liên quan không hoàn thành nhiệm vụ.
Thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, Thủ tướng cho rằng, tình trạng trì trệ trong giải ngân vốn đầu tư công vẫn xảy ra. Mỗi khi làm việc với các bộ, ngành, địa phương đều đề cập xin nguồn vốn của Nhà nước để đầu tư phát triển, nhưng khi nhận vốn rồi thì không tổ chức thực hiện đến nơi đến chốn. Điều đó diễn ra nhiều năm, nhiều thập kỷ, nhất là những năm gần đây tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công rất thấp.
“Tại sao những địa phương cùng cơ chế chính sách ấy mà họ đầu tư giải ngân rất tốt, còn nhiều địa phương rất ì ạch”- Thủ tướng đặt câu hỏi. Theo Thủ tướng, có nhiều địa phương làm tốt, năng động, quyết liệt, cụ thể trong giải ngân vốn đầu tư công, nhưng còn một số địa phương trì trệ, chưa biết làm việc, chưa quyết tâm, không chỉ đạo hệ thống vào cuộc, tháo gỡ khó khăn, bất cập trong quá trình triển khai các dự án.
Nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu
Tỉnh Ninh Bình được Thủ tướng Chính phủ nhắc đến là một trong những địa phương điển hình trong đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, được lãnh đạo nhiều địa phương đánh giá cao. Tính đến ngày 15/7, tỉnh Ninh Bình đã thực hiện giải ngân được 2.162,482 tỷ đồng, bằng 71,22% kế hoạch vốn đã được phân bổ và bằng 58,17% tổng số kế hoạch vốn giải ngân năm 2020 (cả vốn chưa phân bổ và năm trước chuyển sang).
Để có được kết quả này, Ninh Bình tổ chức họp HĐND mỗi tháng một lần để điều chuyển vốn từ công trình này sang công trình khác. Bí thư, Phó Bí thư Thường trực hỗ trợ chủ tịch các huyện để trực tiếp vận động hệ thống chính trị trong giải phóng mặt bằng. Đồng thời, Tỉnh đã tập trung nhân, vật lực đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án, công trình; yêu cầu các chủ dự án cam kết tiến độ thực hiện giải ngân và định kỳ hàng tuần báo cáo với UBND Tỉnh; kịp thời khen thưởng, biểu dương những nơi làm tốt; phê bình những nơi còn chậm và thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng…
Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2020, Thủ tướng đề nghị từng địa phương phát động phong trào thi đua yêu nước trong công tác này; các địa phương cần học tập, trao đổi kinh nghiệm để có biện pháp mạnh mẽ hơn. Bên cạnh tháo gỡ khó khăn, các địa phương phải tập trung hỗ trợ cho đầu tư xã hội, vốn đầu tư tư nhân, FDI.
Cùng với đó, lãnh đạo các địa phương phải có chương trình hành động cụ thể trong việc giải ngân vốn đầu tư công và đầu tư xã hội; chương trình này phải được viết ngắn gọn với hành động mạnh mẽ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ hai tuần một lần về tình hình giải ngân.
Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh, trách nhiệm người đứng đầu trong giải ngân vốn đầu tư công phải được xem xét, đánh giá. Việc giải ngân gắn với thi đua khen thưởng, kỷ luật; đánh giá năng lực, phẩm chất cán bộ; đi liền kiểm điểm, xử lý nghiêm tập thể, cá nhân liên quan không hoàn thành nhiệm vụ. “Phải có chế tài nghiêm, không thể để tình trạng “ngâm” mãi, không chịu giải ngân, có khối lượng mà không thanh toán.” – Thủ tướng chỉ đạo.
Riêng về vấn đề giải phóng mặt bằng, Thủ tướng yêu cầu Bí thư, Phó Bí thư Thường trực phải hỗ trợ các Chủ tịch UBND huyện, xã trong quá trình thực hiện; thảo luận với dân, công khai phương án đền bù với dân, có phương án, chế độ thỏa đáng. Cả hệ thống chính trị phải vào cuộc mới thuyết phục dân bàn giao mặt bằng bởi đây là khâu yếu, chậm hiện nay.
Với sự quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhiều địa phương đã thể hiện tinh thần nỗ lực phấn đấu hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2020. Trong đó, các giải pháp được nhiều địa phương áp dụng là xem xét trách nhiệm người đứng đầu và điều chuyển vốn với các dự án không đạt tiến độ.
Hy vọng rằng, với khí thế và sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, cả nước sẽ hoàn thành 100% giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2020. Qua đó, tạo nguồn lực, động lực thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt là trước những tác động bất lợi của dịch bệnh Covid-19.
Theo Huyền Thu/tapchitaichinh.vn