Trong lúc cổ phiếu nhiều doanh nghiệp (DN), kể cả ngân hàng rớt dưới mệnh giá thì thị trường trái phiếu lại nóng lên do việc đua nhau huy động vốn từ phát hành trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp nhỏ.
Năm qua, các ngân hàng và DN bất động sản (BĐS) phát hành trái phiếu để thu hút vốn chiếm tỷ lệ lớn trên thị trường. Chỉ tính riêng tháng 1/2020, các DN BĐS thu hút trên 50% tổng lượng tiền thu được trên thị trường trái phiếu.
Cổ phiếu chìm sâu
Những năm gần đây, nhiều đại gia BĐS với giá trị vốn hàng chục ngàn tỷ đồng nhưng giá cổ phiếu trên sàn lại rớt dưới mệnh giá (mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu), thậm chí giá cổ phiếu chỉ bằng bó rau, thì nay tình hình này đang rơi vào nhóm cổ phiếu ngân hàng.
Chẳng hạn, cổ phiếu SHB (Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội) cũng ở mức dưới mệnh giá, mặc dù lợi nhuận trước thuế của SHB năm 2019 đạt trên 3.000 tỷ đồng. Tương tự, giá cổ phiếu KLB (Ngân hàng Kiên Long) cũng lừng khừng ở mức bằng mệnh giá phát hành ban đầu. Ngay cả cổ phiếu LPB (Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt – LienVietPostBank) cũng ở mức hơn 7.000 đồng/cổ phiếu…
Khi giá cổ phiếu rơi sâu, đồng nghĩa với kênh huy động vốn trên thị trường chứng khoán không còn hấp dẫn nữa. Các ngân hàng không thể phát hành cổ phiếu để tăng vốn với giá bằng mệnh giá luật định được, vì giá thị trường giao dịch trên sàn thấp hơn, sẽ không ai mua.
Việc đơn vị nào chấp nhận mua bằng mệnh giá phát hành thì chắc hẳn đó là những đơn vị liên kết, mua để chia sẻ lẫn nhau các mảng kinh doanh. Mà một khi DN lên sàn là muốn dùng thị trường chứng khoán làm kênh huy động vốn, nếu không huy động được vốn có nghĩa việc niêm yết trên sàn không còn ý nghĩa.
Thế nhưng, một con số thống kê đáng lo ngại là tổng số DN đang niêm yết, đăng ký giao dịch trên cả Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội và Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM có khoảng gần 1.000 DN và ngân hàng có thị giá cổ phiếu dưới mệnh giá, chiếm 40% tổng số mã niêm yết, đăng ký giao dịch. Có nghĩa là các DN lỗ này sẽ rất khó khăn trong chào bán cổ phiếu để huy động vốn.
“Hiện nay, nền kinh tế đang đi vào khó khăn do chu kỳ tăng trưởng bắt đầu rơi vào khủng hoảng, ảnh hưởng bởi dịch Covid 19, các nhà đầu tư càng soi kỹ hoạt động kinh doanh của DN trước khi mua. Do vậy, nếu DN nào không có hoạt động kinh doanh phát triển, minh bạch thì sẽ không thể huy động vốn trên sàn giao dịch chứng khoán được”, PGS-TS Lê Vũ Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế luật (Đại học Quốc gia TPHCM), nhận định.
Thị trường trái phiếu cũng bắt đầu… khó
Trong năm qua, nhiều DN chọn thị trường trái phiếu làm kênh huy động vốn, vì không cần các điều kiện khắt khe như thị trường chứng khoán. Do vậy, năm 2019 được cho là năm thị trường trái phiếu DN sôi động.
Từ lúc hệ số rủi ro cho vay bất động sản được quy định ở mức cao, khiến DN BĐS khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, thì Nghị định số 163/2018/NĐ-CP ra đời với nhiều quy định mở đã giúp DN đẩy mạnh phát hành trái phiếu. Không ít DN đã trả lãi với mức 14%/năm, cao hơn nhiều so với lãi suất ngân hàng để thu hút nhiều nhà đầu tư.
Theo số liệu của Hiệp hội Thị trường trái phiếu, năm qua có hơn 900 đợt phát hành trái phiếu của hơn 200 DN với tổng giá trị phát hành gần 297.000 tỷ đồng. Trong đó, DN BĐS phát hành 106.500 tỷ đồng, chiếm khoảng 38%. Nếu tính riêng tháng 1/2020 thì DN BĐS phát hành hơn 7.300 tỷ đồng trái phiếu, chiếm hơn 50% tổng lượng phát hành toàn thị trường trái phiếu trong tháng.
Tuy nhiên, chính việc thu hút ồ ạt vốn qua kênh trái phiếu dẫn đến rủi ro cho nhà đầu tư nhỏ lẻ, ham lợi nhuận nhưng không nắm được thông tin cũng như tình hình tài chính thực của DN. Bộ Tài chính đã nhiều lần cảnh báo tình hình này.
Theo Bộ Tài chính, các DN hiện nay chủ yếu phát hành theo phương thức riêng lẻ, thiếu chuyên nghiệp, chưa tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật về công bố thông tin và quy trình phát hành. Do vậy, nhà đầu tư trái phiếu DN có thể phải đối diện với nhiều rủi ro như DN không thực hiện được các điều kiện, điều khoản của trái phiếu, không thanh toán đầy đủ, đúng hạn gốc, lãi trái phiếu; không thực hiện cam kết với nhà đầu tư về mua lại trái phiếu trước hạn…
Cuối năm 2019, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã giao Bộ Tài chính đánh giá, rà soát để sửa đổi ngay Nghị định số 163/2018/NĐ-CP về phát hành trái phiếu DN. Hiện Bộ Tài chính đang dự thảo chỉnh sửa Nghị định 163/2018/NĐ-CP theo hướng kiểm soát chặt hơn thị trường trái phiếu để bảo vệ nhà đầu tư, an toàn cho thị trường.
Chẳng hạn sẽ hạn chế DN có quy mô vốn nhỏ phát hành trái phiếu với khối lượng lớn; giới hạn khối lượng phát hành trái phiếu để đảm bảo DN phải đảm bảo dư nợ trái phiếu phát hành riêng lẻ không vượt quá 3 lần vốn chủ sở hữu tại báo cáo tài chính quý gần nhất được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Nếu DN muốn phát hành trái phiếu vượt quá 3 lần vốn chủ sở hữu thì lựa chọn kênh phát hành ra công chúng, thỏa các tiêu chuẩn, điều kiện và công khai, minh bạch theo quy định của thị trường chứng khoán. Và thậm chí, nghị định mới cũng khống chế mức lãi suất để đảm bảo thị trường phát triển lành mạnh.
Như vậy, dự báo sau khi nghị định mới ra đời, kênh trái phiếu sẽ không còn là mảnh đất màu mỡ để DN thu hút vốn nữa; cùng với những điều kiện gắt gao của ngân hàng hiện nay thì các DN kinh doanh không hiệu quả sẽ khó khăn trong huy động vốn.
Nguồn: http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/dua-nhau-huy-dong-von-tu-trai-phieu-319312.html