Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp đối với dự thảo nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt (thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP hiện hành). Một vấn đề nóng của hội thảo là quy định về hạn chế đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực trung gian thanh toán, theo đề xuất tại dự thảo là không quá 49%.
Một số chuyên gia pháp lý cho rằng, việc hạn chế đầu tư nước ngoài có thể vi phạm các cam kết quốc tế của Việt Nam. Quy định hiệu lực hồi tố tại dự thảo cũng trái với Điều 74 Luật Đầu tư, đồng thời trái với các cam kết bảo hộ đầu tư trong các hiệp định thương mại song phương và đa phương, có thể dẫn đến nguy cơ Chính phủ Việt Nam bị khởi kiện bởi chính phủ hoặc các nhà đầu tư nước ngoài.
Nói rõ thêm về vấn đề pháp lý, ông Phùng Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính, bình luận, hiện nay, trung gian thanh toán ước tính chiếm đến 90% hoạt động và giá trị của Fintech (công nghệ tài chính), nên hạn chế đầu tư sẽ có ảnh hưởng đến toàn bộ lĩnh vực Fintech. Mặt khác, mặc dù cơ quan soạn thảo cho rằng, “trung gian thanh toán” không được thể hiện trong các lĩnh vực cam kết, tuy nhiên đây chỉ là một khái niệm pháp lý riêng của Việt Nam, còn về bản chất hoạt động này đã được bao gồm trong lĩnh vực được cam kết là dịch vụ thanh toán.
Nếu Chính phủ hoặc nhà đầu tư nước ngoài khởi kiện, quyền diễn giải điều ước và áp dụng quy định sẽ thuộc về cơ quan tài phán hoặc trọng tài đầu tư, chứ không thuộc về phía Việt Nam. Nếu thua kiện, chúng ta có thể đối mặt với hậu quả tốn kém và dư luận tiêu cực. Do đó, Chính phủ cần cân nhắc nhiều giải pháp khác nhau để kiểm soát, theo dõi và ngăn chặn các hoạt động đầu tư không mong muốn cụ thể, thay vì áp đặt hạn chế trên toàn thị trường.
Ngoài ra, theo dự thảo tờ trình Chính phủ kèm theo nghị định, cơ quan soạn thảo đưa ra trường hợp hạn chế đầu tư nước ngoài của Indonesia để tham khảo. Tuy nhiên, nhiều đại biểu băn khoăn liệu đây có là tiền lệ tốt để Việt Nam tham khảo, vì trong nhiều lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ, Indonesia còn tụt hậu so với Việt Nam, trong khi Chính phủ đang đặt mục tiêu đưa nước ta vào tốp 4 ASEAN về phát triển số.
Ở khía cạnh khác, theo bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương, dự thảo đưa ra nhiều quy định có thể coi là điều kiện kinh doanh mới như đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thanh toán không qua tài khoản hay đại lý thanh toán. Đây là các ngành nghề kinh doanh chưa nằm trong danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo Luật Đầu tư, do đó, ban soạn thảo cần có sự cân nhắc khi xây dựng quy định cho đồng bộ.