Giải pháp nâng cao vai trò phòng, chống tham nhũng của các cơ quan kiểm toán tối cao

Các cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) có chức năng giám sát công tác quản lý tài chính công. Vai trò của các cơ quan này nhằm thúc đẩy tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của khu vực công, đảm bảo môi trường quản trị hiệu quả. Thực tế cho thấy, một số SAI đã đóng vai trò rất tích cực trong công cuộc chống tham nhũng của quốc gia.

Các cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) có chức năng giám sát công tác quản lý tài chính công.

Vai trò của các cơ quan kiểm toán tối cao trong công cuộc phòng, chống tham nhũng 

Trước hết, các SAI có vai trò ngăn chặn tham nhũng. Tổng Giám đốc Cơ quan Sáng kiến phát triển của Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI) Magnus Borge nhấn mạnh: Vai trò trung tâm của các SAI trong chống tham nhũng là thúc đẩy quản lý tài chính hiệu quả và khuyến khích các cơ chế kiểm soát nội bộ của các cơ quan nhà nước. Các cơ chế quản lý tài chính lành mạnh dựa trên lập báo cáo tài chính hiệu quả và công khai các hành vi phạm pháp sẽ có tác dụng ngăn chặn các hành vi tham nhũng. Ngoài ra, việc các SAI cung cấp cho công chúng các thông tin trung thực, đáng tin cậy về những sai phạm của các đơn vị được kiểm toán chính là thực hiện tốt vai trò phòng ngừa và ngăn chặn tham nhũng.

Thứ hai, các SAI là một trong các bộ phận không thể tách rời của hệ thống liêm chính quốc gia (NIS). Nhiều quốc gia đã thiết lập các NIS và đặt các SAI trong hệ thống này. Thông thường, các SAI được thiết lập bên cạnh các cơ quan nhà nước khác như: lập pháp, hành pháp, tư pháp, kiểm tra và quản lý cử tri… để tăng cường tính liêm chính của quốc gia. Theo đó, nếu các SAI phối hợp tốt với các cơ quan khác trong hệ thống NIS để thực hiện chức năng của mình thì công tác chống tham nhũng sẽ đạt được hiệu quả nhất định.

Thứ ba, các SAI có nhiệm vụ phát hiện và điều tra tham nhũng. Ông Musa Kayrak – đại diện Tòa Thẩm kế Thổ Nhĩ Kỳ – đã xác định các dạng tham nhũng thường được phát hiện trong quá trình kiểm toán là: các thông tin và số liệu trên báo cáo bị bóp méo; việc mua sắm công được thực hiện vì mục đích cá nhân; trong đấu thầu mua sắm, việc đấu giá vi phạm pháp luật; hành vi trốn thuế của các cơ quan nhà nước… Tổng Kiểm toán Zambia – ông Fred M. Siame – đã đưa ra các lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng như: các hiện tượng bất thường trong các hợp đồng mua sắm; các hóa đơn thanh toán quá cao cho các giao dịch với bên thứ ba; việc không chuyển hàng hóa và dịch vụ trên thực tế… Tuy nhiên, một số SAI lại không có đủ thẩm quyền điều tra các trường hợp khả nghi tham nhũng. Hơn nữa, năng lực điều tra tham nhũng của các SAI cũng còn nhiều hạn chế, cho nên không thể mở rộng việc kiểm tra các hoạt động có nghi ngờ tham nhũng hay hồ sơ cá nhân của các công dân hoặc các công ty tư nhân. Tương tự về mặt pháp lý, nhiều SAI có thể truy tố các hành vi tham nhũng, nhưng việc truy tố này thường do các cơ quan pháp luật thực hiện.

Nâng cao vai trò phòng, chống tham nhũng của các cơ quan kiểm toán tối cao

Theo kinh nghiệm của một số SAI, để có thể thực hiện tốt vai trò phòng, chống tham nhũng, cần thực hiện một số biện pháp sau:
Giai đoạn lập kế hoạch kiểm toán: cần tập trung vào những lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao. Theo kinh nghiệm của Cơ quan Kiểm toán tối cao Phần Lan, tham nhũng thường xảy ra đối với việc thanh toán lương cho cán bộ, công chức; việc mua sắm cơ sở vật chất… trong các cơ quan nhà nước. Theo đó, Cơ quan này thường sử dụng dữ liệu sẵn có từ hoạt động kiểm toán trước đó để đánh giá nguy cơ tham nhũng. Trên cơ sở khoanh vùng tất cả các lĩnh vực hoạt động của đơn vị được kiểm toán, các kiểm toán viên xác định lĩnh vực nào thường xảy ra tham nhũng.

Sử dụng các thông tin do công chúng cung cấp như một nguồn thông tin đầu vào quan trọng. Chẳng hạn, năm 2001, Ủy ban Điều tra Hàn Quốc (BAI) đã thiết lập một Hệ thống Yêu cầu kiểm toán của các công dân. Cùng với đó, BAI thiết lập Hệ thống Kiểm toán Mở để thu thập thêm nhiều thông tin khác của công chúng nhằm phục vụ hiệu quả hơn cho công tác lập kế hoạch và thực hiện kiểm toán. Ngoài ra, BAI còn thiết lập một đường dây nóng toàn quốc để nhận được những thông tin phản hồi từ công chúng về kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán cũng như những phàn nàn và khiếu nại của công chúng.

Thiết lập mối quan hệ hiệu quả với các cơ quan nhà nước khác. Nhiều chuyên gia cho rằng, môi trường thể chế lành mạnh là môi trường mà trong đó các kiến nghị kiểm toán đều có hiệu lực thực hiện trên cơ sở các SAI và các cơ quan nhà nước có quan hệ mật thiết với nhau. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa SAI với các cơ quan nhà nước khác lại do mô hình kiểm toán quyết định. Ví dụ, theo mô hình thể chế Westmister, khi các SAI báo cáo và trình kết quả kiểm toán lên Ủy Ban Kế toán công của Quốc hội hoặc cơ quan tương đương, Ủy ban Kế toán công có thể yêu cầu các đơn vị được kiểm toán giải trình về các kết quả kiểm toán có liên quan đến hành vi tham nhũng. Ngoài ra, Ủy ban Kế toán công có thể công khai các phát hiện kiểm toán, yêu cầu các bên có liên quan nộp các báo cáo thực hiện các kiến nghị của các SAI để từ đó đánh giá xem những vấn đề phát hiện trong các báo cáo kiểm toán đã được các đơn vị được kiểm toán thực hiện như thế nào.

Công khai các nguy cơ tham nhũng. Để thực hiện vai trò này, các SAI cần phải nâng cao nhận thức của công chúng về tầm quan trọng của minh bạch và trách nhiệm giải trình của các quan chức nhà nước thông qua việc tạo ra các báo cáo kiểm toán kịp thời và có chất lượng. Ông Magnus Borge cho biết, nhiều SAI đã thiết lập mối quan hệ rất chặt chẽ với các cơ quan thông tấn, báo chí để công khai các trường hợp gian lận và tham nhũng. Đơn cử, Tổ chức Xã hội Dân sự Nam Phi và Cơ quan Giám sát trách nhiệm giải trình khu vực công khu vực Nam Phi đã thu thập các phát hiện kiểm toán của SAI, sau đó phỏng vấn trực tiếp các quan chức có liên quan để tìm ra bản chất sự việc; đồng thời công bố bản ghi âm các cuộc phỏng vấn này trên các trang web.

Hợp tác kỹ thuật với các cơ quan kiểm toán tối cao khác. Thực tế cho thấy, vai trò phòng, chống tham nhũng của nhiều SAI còn rất nhiều hạn chế do thiếu trình độ chuyên môn và kỹ thuật tác nghiệp trong phòng và chống tham nhũng. Chính vì vậy, việc trao đổi thông tin, kiến thức và kinh nghiệm mang tính kỹ thuật giữa các SAI sẽ tăng cường năng lực phòng, chống tham nhũng cho các SAI.

 

Theo nguồn : http://tapchitaichinh.vn/ke-toan-kiem-toan/giai-phap-nang-cao-vai-tro-phong-chong-tham-nhung-cua-cac-co-quan-kiem-toan-toi-cao-316372.html

Trả lời